Viêm khớp ngón tay là bệnh thường gặp ở người cao tuổi, gây hạn chế cử động khớp ngón tay cái và ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày. Chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp giảm triệu chứng và cải thiện sự linh hoạt cho người bệnh.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Lê Quang Minh - Trưởng Đơn Nguyên Khoa Ngoại Tổng Hợp - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
1. Tổng quan về bệnh viêm khớp ngón tay
Viêm khớp ngón tay là có thể xảy ra ở khớp của bất kỳ ngón tay nào, chẳng hạn như: khớp ngón cái, khớp ngón út…
Viêm khớp ngón tay cái thường xảy ra khi lão hóa và sụn bị mòn khỏi đầu xương ở khớp gốc ngón tay cái. Khớp này còn được gọi là khớp cổ - bàn tay (CMC).
Viêm khớp ngón tay cái có thể gây ra đau dữ dội, sưng, giảm sức mạnh và phạm vi chuyển động, khiến cho các hoạt động đơn giản như xoay tay nắm cửa và mở chai lọ trở nên khó khăn.
Các phương pháp điều trị thường kết hợp giữa thuốc và nẹp bất động. Trong những trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể sẽ được chỉ định phẫu thuật.
2. Chẩn đoán bệnh viêm khớp ngón tay
2.1. Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng thông qua việc hỏi về các triệu chứng và tìm kiếm dấu hiệu sưng hoặc cục u bất thường trên khớp ngón tay. Đồng thời, bác sĩ có thể giữ khớp và di chuyển ngón tay cái, với áp lực chống lại xương cổ tay.
Nếu chuyển động này tạo ra âm thanh, gây đau đớn, hoặc cảm giác khó chịu, điều này có thể cho thấy sụn đã bị mòn và các xương đang cọ xát vào nhau.
2.2. Chụp X-quang ngón tay
Chụp X-quang là phương pháp thường dùng để phát hiện viêm khớp ngón tay. Một số dấu hiệu của bệnh, bao gồm:
- Gai xương
- Mòn sụn
- Mất khe khớp
3. Điều trị bệnh viêm khớp ngón tay
Trong giai đoạn đầu của viêm khớp ngón tay, phương pháp điều trị thường là kết hợp giữa các liệu pháp không can thiệp phẫu thuật.
3.1. Thuốc
Bác sĩ sẽ khuyên sử dụng thuốc để giảm tình trạng đau đớn ở bệnh nhân. Một số loại thuốc được chỉ định như:
- Thuốc bôi: Thuốc capsaicin hoặc diclofenac được áp dụng bôi vùng da trên khớp.
- Thuốc giảm đau không kê đơn: Acetaminophen (Efferalgan), ibuprofen.
- Thuốc giảm đau theo toa: Celecoxib (Celebrex) hoặc tramadol.
3.2. Nẹp
Sử dụng nẹp là phương pháp giúp khớp của bệnh nhân được cố định, hạn chế chuyển động của ngón tay và cổ tay. Người bệnh có thể chỉ cần đeo nẹp vào ban đêm hoặc suốt cả ngày và đêm. Công dụng của nẹp bao gồm:
- Giảm đau
- Định vị đúng khớp
- Giúp khớp được nghỉ ngơi
3.3. Tiêm thuốc
Tiêm thuốc corticosteroid được áp dụng khi việc điều trị bằng thuốc giảm đau và nẹp không hiệu quả. Corticosteroid tác dụng kéo dài vào khớp ngón tay cái giúp giảm đau tạm thời và giảm viêm.
3.4. Vật lý trị liệu
Những bài tập vật lý trị liệu giúp người bệnh kiểm soát tốt các triệu chứng của bệnh, đồng thời duy trì ổn định tình trạng của bàn tay và các khớp tay.
Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn bởi các chuyên viên vật lý trị liệu cách làm dịu cơn đau và các triệu chứng thông qua việc nghỉ ngơi, giảm đau bằng nhiệt và sử dụng thuốc thoa ngoài da.
Bệnh nhân sẽ được luyện tập các bài tập về biên độ chuyển động và căng cơ giúp cải thiện khả năng vận động của ngón tay. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được rèn luyện độ vững chắc bàn tay và bảo vệ ngón tay khỏi các chấn thương hoặc áp lực thông qua những bài tập tăng cường sức mạnh.
3.5. Phẫu thuật
Nếu bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị trên hoặc không thể gấp duỗi ngón tay cái, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật. Các loại phẫu thuật có thể được lựa chọn bao gồm:
- Phẫu thuật làm cứng khớp (arthrodesis): Khớp bị ảnh hưởng sẽ được cố định vĩnh viễn. Sau khi làm cứng, khớp có thể chịu trọng lượng mà không gây đau, nhưng khi đó khớp sẽ mất đi tính linh hoạt.
- Thay khớp (arthroplasty): Một phần hoặc toàn bộ khớp bị ảnh hưởng sẽ được loại bỏ và thay thế bằng khớp nhân tạo.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể cần đeo băng hoặc nẹp trên ngón tay cái và cổ tay trong khoảng 6 tuần. Bệnh nhân sẽ bắt đầu tập vật lý trị liệu sau đó để giúp khôi phục sức mạnh và khả năng vận động của tay.
4. Những biện pháp khắc phục tại nhà
Để giảm đau và cải thiện khả năng vận động của khớp, bệnh nhân nên cố gắng thực hiện những phương pháp sau:
- Sử dụng dụng cụ cầm tay: Cân nhắc mua các thiết bị hỗ trợ, chẳng hạn như dụng cụ mở chai lọ, chìa khóa xoay và khóa kéo lớn, được thiết kế cho những người bị hạn chế về khả năng vận động tay.
- Thay thế tay nắm cửa tròn truyền thống bằng tay nắm đòn bẩy.
- Chườm lạnh: Chườm lạnh lên khớp trong 5 đến 15 phút vài lần một ngày có thể giúp giảm sưng và đau.
- Áp dụng nhiệt: Đối với một số người, sử dụng nhiệt có thể hiệu quả hơn lạnh trong việc giảm đau.
5. Phòng ngừa viêm khớp ngón tay
- Tập luyện các bài vận động vừa sức đều đặn giúp tăng cường sức đề kháng, giảm đau cứng khớp và hỗ trợ lưu thông máu huyết tại các khớp.
- Cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi đối với công việc sử dụng bàn tay nhiều.
- Giảm bớt tình trạng đau cứng khớp bằng cách giữ ấm cơ thể.
- Người bệnh bị cứng khớp ngón tay cần xoa bóp nhẹ nhàng và đúng cách.
- Xây dựng và tuân thủ chế độ ăn lành mạnh, bổ sung các thực phẩm chứa canxi, kẽm, vitamin, khoáng chất, selen… cải thiện sức khỏe xương khớp.
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là chuyên khoa chuyên điều trị các chấn thương và tình trạng bệnh liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và dây chằng.
Trung tâm có thế mạnh chuyên môn trong phẫu thuật, điều trị các bệnh lý:
- Thay thế một phần hoặc toàn bộ đoạn xương và khớp nhân tạo;
- Thay khớp háng, gối, khuỷu tay;
- Thay khớp vai đảo ngược, các khớp nhỏ bàn ngón tay ;
- Phẫu thuật nội soi khớp tái tạo và sửa chữa các tổn thương dây chằng, sụn chêm;
- Ung thư xương, u xương và mô mềm cơ quan vận động;
- Phục hồi chức năng chuyên sâu về Y học thể thao;
- Phân tích vận động để chẩn đoán, theo dõi và cải thiện thành tích cho các vận động viên; chẩn đoán và hỗ trợ phục hồi cho người bệnh.
Trung tâm đang áp dụng các công nghệ hiện đại, tối tân vào điều trị như công nghệ tái tạo hình ảnh 3D và in 3D xương, khớp nhân tạo, công nghệ trợ cụ cá thể hóa được chế tạo và in 3D, công nghệ chế tạo và ứng dụng xương khớp nhân tạo bằng các vật liệu mới, kỹ thuật phẫu thuật chính xác bằng Robot.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Mayoclinic.org