Viêm kết mạc lây qua đường nào là câu hỏi thường gặp khi nói về căn bệnh nhiễm trùng mắt phổ biến này. Đây là một bệnh lý mắt thường gặp ở mọi lứa tuổi, có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai mắt. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra, như virus, vi khuẩn hoặc dị ứng. Hiểu rõ các con đường lây nhiễm giúp chúng ta chủ động hơn trong việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK I Lê Thị Phương Thảo - Đơn nguyên Mắt - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Viêm kết mạc là gì?
Viêm kết mạc (Conjunctivitis) là tình trạng viêm ở lớp mô mỏng trong suốt bao phủ phần tròng trắng của mắt và lót bên trong mí mắt, gọi là kết mạc. Khi các mạch máu nhỏ trong kết mạc sưng lên và bị kích thích, tròng trắng của mắt sẽ chuyển sang màu đỏ hoặc hồng.
Mặc dù viêm kết mạc có thể gây cảm giác khó chịu, bệnh ít khi gây biến chứng nếu được điều trị sớm. Do dễ lây lan, việc chẩn đoán sớm và thực hiện các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp hạn chế sự lây lan của bệnh.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Trước khi tìm hiểu viêm kết mạc lây qua đường nào, chúng ta cần biết rõ nguyên nhân gây bệnh.
Kết mạc mắt gồm hai phần: kết mạc nhãn cầu (lớp màng mỏng trong suốt bao phủ lòng trắng của mắt) và kết mạc mi (lớp niêm mạc lót bên trong mí trên và mí dưới). Khi lớp niêm mạc này bị viêm do các yếu tố tác động, tình trạng này được gọi là viêm kết mạc.
Nguyên nhân gây bệnh có thể bao gồm:
- Do virus: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất, chiếm khoảng 80% trường hợp là do virus Adeno. Viêm kết mạc do virus dễ lây khi tiếp xúc trực tiếp với nước mắt của người bệnh.
- Do vi khuẩn: Các loại vi khuẩn gây bệnh thường gặp gồm tụ cầu, Hemophilus influenza,... Bệnh lây qua tiếp xúc với dịch tiết hoặc các vật dụng có dính dịch tiết tiếp xúc với mắt. Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây tổn thương nghiêm trọng.
- Do dị ứng: Tác nhân dị ứng như bụi, lông thú, phấn hoa, thuốc… là nguyên nhân thường gặp ở những người có cơ địa dị ứng. Bệnh có thể tái phát, đôi khi theo mùa và không lây lan. Để điều trị dứt điểm, cần xác định được tác nhân gây dị ứng.
3. Bệnh viêm kết mạc lây qua đường nào?
Để phòng tránh và điều trị hiệu quả, điều đầu tiên chúng ta cần làm là hiểu rõ bệnh viêm kết mạc có lây không và lây qua đường nào:
- Tiếp xúc trực tiếp: Qua tiếp xúc gần với người bệnh, qua đường hô hấp hoặc qua dịch tiết như nước mắt, nước bọt, khi bắt tay.
- Tiếp xúc gián tiếp: Qua việc chạm vào các vật dụng có chứa vi khuẩn hoặc virus gây bệnh, chẳng hạn như tay nắm cửa, đồ chơi hoặc nút bấm cầu thang.
- Dùng chung đồ dùng cá nhân: Sử dụng chung các vật dụng cá nhân với người bệnh như khăn mặt, cốc uống nước hoặc gối có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
- Sử dụng nguồn nước công cộng: Các ao, hồ và bể bơi công cộng dễ bị nhiễm mầm bệnh và có thể là nguồn lây nhiễm viêm kết mạc.
- Thói quen cá nhân: Thói quen dùng tay dụi mắt, sờ vào mũi hoặc ngậm vào miệng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.
Một số lưu ý về khả năng lây nhiễm của viêm kết mạc:
- Nơi công cộng đông người: Ở những nơi như bệnh viện, trường học, văn phòng làm việc hoặc những khu vực đông người và tiếp xúc gần như bến tàu xe, xe buýt, chợ, nguy cơ lây lan bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc do virus) rất cao.
- Khả năng lây nhiễm sau khi khỏi bệnh: Viêm kết mạc vẫn có thể lây lan trong khoảng một tuần sau khi các triệu chứng đã hết. Do đó, cần giữ vệ sinh cá nhân tốt, rửa tay kỹ và chú ý thói quen sinh hoạt để phòng bệnh cho bản thân và người khác.
- Trẻ nhỏ: Phụ huynh cần nhắc nhở các bé không dụi mắt, đặc biệt khi chơi cùng bạn bè. Bên cạnh đó, nên giữ vệ sinh mắt cho bé hàng ngày và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
Khi xuất hiện các triệu chứng như mắt đỏ, đau nhức, chảy ghèn, chảy nước mắt hoặc sưng mí bất thường, nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
4. Bệnh viêm kết mạc cần kiêng gì?
Các biện pháp cần lưu ý khi bị viêm kết mạc:
- Tránh nhóm thực phẩm gây dị ứng: Nếu cơ địa dị ứng với loại thức ăn nào, kể cả khi chỉ dị ứng nhẹ, bệnh nhân nên tránh ăn loại thực phẩm đó trong khi bị viêm kết mạc.
- Hạn chế gia vị cay: Các gia vị cay như ớt, tiêu có thể gây kích ứng và làm chảy nước mắt, gây khó chịu. Do đó, nên kiêng các thực phẩm cay trong thời gian bị bệnh.
- Tránh chất kích thích: Hạn chế rượu bia và các thức uống chứa cồn.
- Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử: Giảm thời gian sử dụng máy tính, điện thoại và cho mắt nghỉ ngơi, thư giãn.
- Ngủ đủ giấc: Tránh thức khuya và ngủ đủ.
- Tránh nơi có khói, bụi, gió.
- Không day, dụi mắt: Tránh dụi mắt để không gây biến chứng nguy hiểm cho giác mạc.
- Tránh bơi lội và tiếp xúc với nước bẩn: Không để hóa chất hoặc nước bẩn vào mắt khi đang bị bệnh.
- Kiêng tiếp xúc nơi công cộng (nếu viêm kết mạc do virus): Tránh đến nơi đông người để ngăn ngừa lây lan và đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc với người khác.
5. Các biện pháp phòng tránh
- Sử dụng khăn mặt và đồ dùng cá nhân riêng: Hạn chế dùng chung các vật dụng cá nhân tại nhà, nơi học tập và làm việc.
- Tránh dụi mắt và che miệng, mũi khi hắt hơi.
- Rửa tay thường xuyên: Sử dụng dung dịch sát khuẩn, đặc biệt sau khi tiếp xúc với người bệnh, để giữ vệ sinh.
- Thận trọng khi dùng kính áp tròng: Khi có triệu chứng khó chịu ở mắt, nên khám và tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Mang kính bảo vệ mắt: Đeo kính khi ra ngoài hoặc trong môi trường có nhiều khói, bụi hoặc hóa chất.
- Bổ sung vitamin A, C, E,...
Tóm lại, bài viết trên cũng đã giải đáp thắc mắc viêm kết mạc lây qua đường nào. Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, điều quan trọng nhất là giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, giúp giảm nguy cơ lây lan bệnh qua các con đường tiếp xúc. Khi đã mắc bệnh, việc tuân thủ vệ sinh tốt cũng sẽ hỗ trợ quá trình phục hồi nhanh chóng và ngăn ngừa nguy cơ lây bệnh cho người khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.