Thuốc viêm đường tiết niệu là tên gọi chung cho các thuốc được sử dụng trong điều trị viêm đường tiết niệu. Bên cạnh tác dụng điều trị, thuốc viêm đường tiết niệu có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn, ảnh hưởng tới sức khỏe của bệnh nhân. Vậy tác dụng phụ của thuốc viêm đường tiết niệu là những tác dụng phụ nào?
1. Dấu hiệu cảnh báo bệnh lý viêm đường tiết niệu là gì?
Viêm đường tiết niệu là tình trạng nhiễm trùng bên trong đường tiết niệu (bao gồm bàng quang, thận, niệu quản và niệu đạo), thường do vi khuẩn như vi khuẩn E.coli gây ra. Phụ nữ có nguy cơ mắc viêm đường tiết niệu hơn nhiều so với nam giới vì niệu đạo của phụ nữ ngắn, cho phép vi khuẩn gần âm đạo xâm nhập vào bàng quang dễ dàng hơn.
Các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu có thể bao gồm: đau hoặc rát khi đi tiểu, buồn tiểu nhiều thường xuyên, tiểu rắt (tiểu một lượng nhỏ), tiểu ra máu, tiểu đục nước tiểu có màu hồng, mùi tanh, đau và chuột rút ở xương chậu hoặc vùng xương mu. Nếu gặp một trong các triệu chứng trên, hãy đi khám để được điều trị viêm đường tiết niệu kịp thời.
2. Các tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc viêm đường tiết niệu
Các thuốc được sử dụng trong điều trị viêm đường tiết niệu thường là các kháng sinh như: Trimethoprim/sulfamethoxazole, Fosfomycin, Nitrofurantoin, Cephalexin, Ceftriaxone, các Flouroquinolon như Ciprofloxacin, Levofloxacin, ...
Mỗi thuốc viêm đường tiết niệu có những tác dụng phụ riêng biệt. Tuy nhiên, có những tác dụng phụ thường gặp đối với hầu hết các loại thuốc viêm đường tiết niệu bao gồm:
- Nhiễm trùng nấm âm đạo hoặc nấm miệng: Sử dụng thuốc viêm đường tiết niệu có thể làm thay đổi sự cân bằng bình thường giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong âm đạo, từ đó gây ra tình trạng nhiễm nấm Candida albicans.
- Khó chịu ở dạ dày: khi sử dụng kháng sinh nói chung và thuốc viêm đường tiết niệu nói riêng có thể ảnh hưởng tới dạ dày, gây buồn nôn, nôn, chán ăn, đau dạ dày hoặc ợ chua, khó tiêu. Uống thuốc viêm đường tiết niệu trong bữa ăn có thể giúp giảm đau bụng.
- Tiêu chảy: Như các kháng sinh khác, thuốc viêm đường tiết niệu thường có thể dẫn đến tiêu chảy không biến chứng hoặc phân lỏng. Tác dụng phụ này sẽ hết sau khi ngừng thuốc.
- Hội chứng Stevens Johnson (SJS) và độc hoại tử biểu bì (TEN): Đây là những phản ứng dị ứng thuốc hiếm nhưng nghiêm trọng. Hội chứng này có biểu hiện trên da như phát ban, bong tróc da, lở loét niêm mạc và có thể đe dọa tính mạng. Các thuốc viêm đường tiết niệu có thể dẫn đến Hội chứng Stevens Johnson (SJS) và độc hoại tử biểu bì (TEN) như sulfonamid, penicilin, cephalosporin và các fluoroquinolon.
3. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc viêm đường tiết niệu
Để sử dụng thuốc viêm đường tiết niệu an toàn và hiệu quả, hãy lưu ý một số điểm quan trọng sau đây.
3.1 Tại sao nên dùng đủ liều thuốc viêm đường tiết niệu?
Thuốc viêm đường tiết niệu là các kháng sinh có tác dụng tốt trong điều trị nhiễm trùng đường tiểu. Các triệu chứng có thể cải thiện chỉ sau vài ngày điều trị viêm đường tiết niệu. Tuy nhiên, nếu ngừng sử dụng thuốc viêm đường tiết niệu quá sớm, rất có thể vẫn chưa thể tiêu diệt được hết vi khuẩn trong đường tiết niệu. Những vi khuẩn này có thể khiến cơ thể trở thành tình trạng kháng kháng sinh. Do đó, bạn hãy uống hết liệu trình điều trị với thuốc viêm đường tiết niệu để đảm bảo tất cả vi khuẩn trong đường tiểu đã bị tiêu diệt.
XEM THÊM: Sự hình thành vi khuẩn kháng kháng sinh
3.2 Những trường hợp nào cần liên hệ với bác sĩ sau khi dùng thuốc?
Trong quá trình điều trị viêm đường tiết niệu, hãy liên hệ với bác sĩ ngay nếu bạn nhận thấy các triệu chứng không biến mất hoặc trở nên tồi tệ hơn, tái phát các triệu chứng sau khi điều trị hoặc gặp phải bất kỳ tác dụng phụ khó chịu nào.
Thuốc viêm đường tiết niệu là các thuốc được sử dụng điều trị các bệnh lý viêm nhiễm đường tiết niệu. Để đảm bảo an toàn và tránh được các tác dụng phụ người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: drugs.com, webmd.com