Viêm cơ do nhiễm khuẩn: Chớ coi thường

Viêm cơ nhiễm trùng là một trong những bệnh nhiễm trùng rất hay gặp trên lâm sàng, với tác nhân gây bệnh là do một số loài vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng đến gây bệnh tại một số cơ trong cơ thể người bệnh. Viêm cơ do nhiễm khuẩn cần được phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp để tránh những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của người bệnh.

1. Viêm cơ do nhiễm khuẩn

Viêm cơ do nhiễm khuẩn được định nghĩa là một bệnh lý tổn thương nội khoa do vi khuẩn, một số virus và ký sinh trùng gây nên, bệnh này còn có tên gọi khác là viêm cơ sinh mủ. Trong những tác nhân gây bệnh thì phổ biến nhất là vi khuẩn tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, liên cầu khuẩn..., đôi khi cũng sẽ có trường hợp bệnh nhân bị viêm cơ nguyên nhân do một số loại vi khuẩn và virus khác.

Để chẩn đoán xác định một bệnh nhân mắc phải bệnh lý viêm cơ nhiễm trùng thì cần đáp ứng 2 tiêu chuẩn là có sự hiện diện của vi khuẩn gây bệnh trong cơ thể và có dấu hiệu tổn thương ở một số cơ. Do đó, nếu xét nghiệm cho thấy có vi khuẩn trong máu thì chưa phải là một yếu tố chắc chắn để khẳng định trường hợp này là viêm cơ nhiễm trùng, mà cần thêm các dấu hiệu của viêm cơ, áp xe cơ... Bệnh viêm cơ do nhiễm khuẩn được tìm ra đầu tiên ở những khu vực nhiệt đới vào rất nhiều năm trước nên bên cạnh những tên gọi như viêm cơ nhiễm trùng, viêm cơ sinh mủ thì một tên gọi khác của loại bệnh lý này đó là bệnh viêm cơ vùng nhiệt đới.

Một số yếu tố nguy cơ thúc đẩy viêm cơ nhiễm trùng xảy ra đó là:

  • Bệnh nhân gặp phải tình trạng suy giảm hệ miễn dịch, điển hình như các bệnh lý đái tháo đường hay những bệnh lý được điều trị bằng Corticoid trong thời gian dài.
  • Bệnh nhân gặp phải tình trạng đa chấn thương
  • Bệnh nhân có những vết thương ngoài da trên cơ thể, thường là vết thương hở có thể là những đường vào của vi khuẩn gây nên bệnh lý viêm cơ nhiễm trùng.
  • Bệnh nhân trải qua những thủ thuật y tế được thực hiện không đúng quy trình vô khuẩn, không được chăm sóc vị trí thực hiện thủ thuật tốt như tiêm thuốc, châm cứu hay một số phẫu thuật xâm lấn.

Các lọai vi khuẩn, virus,... là tác nhân chính gây ra bệnh viêm cơ nhiễm trùng
Các lọai vi khuẩn, virus,... là tác nhân chính gây ra bệnh viêm cơ nhiễm trùng

Triệu chứng lâm sàng rõ rệt nhất của bệnh viêm cơ do nhiễm khuẩn là những dấu hiệu của hội chứng nhiễm khuẩn như sốt cao 39°C - 40°C, rét run, vã mồ hôi, môi khô, lưỡi bẩn, mắt trũng... Đối với triệu chứng tại chỗ thì bệnh nhân sẽ phải đối mặt với tình trạng một số cơ trong cơ thể bị viêm, có thể một cơ hoặc nhiều cơ, trong đó phổ biến nhất trên lâm sàng là bị viêm cơ trước đùi, cơ mông cũng như cơ thắt lưng – chậu. Những triệu chứng của quá trình viêm cơ tại chỗ bao gồm:

  • Giai đoạn 2 tuần đầu tiên: Cơ bị viêm sưng lên, có thể kèm theo dấu hiệu đỏ, bệnh nhân có thể có cảm giác đau nhẹ. Trong giai đoạn này, việc chọc hút dịch có thể sẽ không có kết quả rõ ràng.
  • Giai đoạn 10 – 30 ngày tiếp theo: Cơ bắt đầu sưng và to hơn rất nhiều, kèm theo nóng, đỏ, bệnh nhân có cảm giác rất đau. Khi khám thực thể vùng cơ bị viêm thì thấy dấu bùng nhùng, ấn vào thấy lõm xuống do tình trạng phù diễn ra tại đây. Bệnh nhân được chỉ định chọc hút thì thấy có dịch mủ thoát ra, cần được điều trị sớm khi phát hiện bệnh ở giai đoạn này.
  • Giai đoạn cuối: Những biểu hiện ngày càng nặng nề và rõ ràng hơn, lúc này có thể gây ra một số biến chứng như áp xe cơ, áp xe vùng lân cận, viêm khớp, sốc nhiễm khuẩn, có thể bệnh nhân sẽ gặp phải tình trạng suy chức năng thận. Đặc biệt, khi bị viêm cơ thắt lưng – chậu thì khó có thể phát hiện bệnh khi thăm khám ở vùng cơ này vì cấu trúc giải phẫu của cơ thắt lưng – chậu nằm khá sâu bên trong cơ thể, do vậy biểu hiện chính ở giai đoạn này đó là bệnh nhân thường có cảm giác đau ở mạn sườn và hạ sườn bên cơ bị viêm. Ngoài ra, khi bị viêm cơ thắt lưng – chậu thì bệnh nhân không có khả năng duỗi được chân bên bị tổn thương và những động tác của khớp háng đều được thực hiện một cách bình thường. Biến chứng áp xe cơ cũng như những tổn thương khớp lân cận rất thường gặp trên lâm sàng, ví dụ như tổn thương khớp háng, cơ mông... Trong một số trường hợp viêm cơ thắt lưng – chậu nguyên nhân do vi khuẩn lao thì bệnh nhân có thể có dấu hiệu của viêm đốt sống đĩa đệm, do vậy cần lưu ý về đặc điểm này để không bỏ sót khi thăm khám.

2. Phác đồ điều trị viêm cơ nhiễm khuẩn

Nguyên tắc chính khi điều trị viêm cơ do nhiễm khuẩn bao gồm:

  • Điều trị kháng sinh từ giai đoạn đầu với liều cao, ban đầu dùng thuốc kháng sinh đường tĩnh mạch, sau đó chuyển sang đường uống, dùng kháng sinh đủ thời gian mà bác sĩ điều trị chỉ định trong khoảng 4 – 6 tuần, thuốc kháng sinh cần lựa chọn theo kháng sinh đồ để mang lại hiệu quả điều trị tối ưu nhất có thể.
  • Trong thời gian chưa cho ra kết quả xét nghiệm nuôi cấy làm kháng sinh đồ nhưng cần điều trị kháng sinh ngay thì có thể ưu tiên dùng kháng sinh kháng tụ cầu vàng gồm Methicillin hoặc Vancomycin, nếu bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch thì áp dụng kháng sinh phổ rộng kháng được trực khuẩn gram âm, vi khuẩn yếm khí như Vancomycin, Carbapenem, Piperacillin, Clindamycin...
  • Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn thứ 2 hoặc giai đoạn cuối thì có thể thực hiện chọc hút dẫn lưu dịch mủ hay phẫu thuật dẫn lưu dịch mủ nếu cần thiết, một số trường hợp nặng hơn thì cần phẫu thuật để vừa dẫn lưu dịch mủ, vừa cắt lọc nhưng tổn thương nhiễm khuẩn đã bị hoại tử để giúp bệnh nhân có thể bảo tồn được phần cơ còn lại.
  • Nâng cao thể trạng của bệnh nhân để ngăn ngừa tình trạng sốc nhiễm khuẩn có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhân.
  • Điều trị một số biến chứng thường gặp của viêm cơ nhiễm trùng như suy thận, viêm khớp... nếu bệnh nhân mắc phải những bệnh lý này.

Cần tuân thủ theo kháng sinh đồ để mang lại hiệu quả điều trị viêm cơ do nhiễm khuẩn tốt nhất
Cần tuân thủ theo kháng sinh đồ để mang lại hiệu quả điều trị viêm cơ do nhiễm khuẩn tốt nhất

Để phòng tránh khả năng viêm cơ nhiễm trùng thì cần thực hiện một số lưu ý như sau:

  • Trong quá trình tiến hành những thủ thuật điều trị như châm cứu, tiêm truyền, phẫu thuật thì cần tuân thủ quy trình vô khuẩn một cách nghiêm ngặt, tránh tạo ra những đường vào để vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập và tấn công những tế bào trong cơ thể.
  • Với những vết thương ngoài da như mụn, nhọt hoặc những vết thương hở thì cần điều trị triệt để, tránh việc làm cho những nhiễm trùng tại đây phát triển theo chiều hướng nặng nề hơn.
  • Phòng tránh một số bệnh lý nguy cơ của viêm cơ do nhiễm khuẩn như bệnh lý đái tháo đường, những bệnh lý liên quan đến suy giảm hệ miễn dịch, cần lưu ý khi dùng thuốc Corticoid trong những trường hợp này để tránh lạm dụng loại thuốc này.

3. Kết luận

Viêm cơ do nhiễm khuẩn tuy không phải là một bệnh lý cấp tính hay đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người bệnh nhưng nó gây ra một số triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân, đặc biệt có những trường hợp bị viêm cơ dẫn đến sốc do nhiễm khuẩn, nếu nặng hơn có thể tử vong. Vì vậy, việc phòng tránh tình trạng nhiễm khuẩn diễn ra trên cơ thể là vô cùng quan trọng, bên cạnh đó cũng nên quan sát sức khỏe bản thân thật kỹ để có thể thăm khám ngay khi có bất cứ dấu hiệu bất thường nào diễn ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe