Viêm bao hoạt dịch gót chân: Tổng hợp những điều cần biết

Viêm bao hoạt dịch gót chân được xem là một chấn thương cực kì khó chịu với những người có thói quen chạy bộ, với nhiều nguyên nhân khác nhau và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Trong trường hợp không được điều trị dứt điểm, tình trạng này có thể dẫn tới tình trạnh bại liệt hết sức nguy hiểm.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BSNT Võ Sỹ Quyền Năng - Trưởng khoa Phẫu thuật khớp gối và cổ chân, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. 

1. Viêm bao hoạt dịch gót chân là gì?

Bao hoạt dịch (còn gọi là Bursae - túi hoạt dịch) là những túi chất lỏng nhỏ bao quanh khớp xương trong cơ thể. Những túi này đóng vai trò làm đệm cho khớp, ngăn xương cọ xát với nhau. Khi bao hoạt dịch bị kích thích nó sẽ xảy ra tình trạng viêm, gọi là viêm bao hoạt dịch. Một trong những vị trí thường bị viêm bao hoạt dịch nhất là khu vực gót chân gần gân Achilles

Những người có thói quen chạy bộ hay bị viêm bao hoạt dịch gót chân.
Những người có thói quen chạy bộ hay bị viêm bao hoạt dịch gót chân.

Người có thói quen chạy bộ có xu hướng bị viêm bao hoạt dịch ở gót chân. Gân Achilles (gân gót chân) nối cơ vùng bắp chân với xương gót. Khi vận động quá mức, vùng gót chân chịu các sang chấn liên tục, dẫn đến viêm bao hoạt dịch ở gân Achilles, gọi là viêm bao hoạt dịch gót chân. Ngoài ra, bao hoạt dịch ở phần ngay dưới da vùng sau gót cũng có thể bị viêm, gọi là viêm bao hoạt dịch sau gân Achilles.

2. Nguyên nhân gây ra viêm bao hoạt dịch gót chân

Viêm bao hoạt dịch sau gót chân thường xảy ra khi bao hoạt dịch ở vùng gót chân bị tổn thương hoặc bị sang chấn, gây ra hiện tượng viêm. Tình trạng này thường gặp ở vận động viên chạy bộ hoặc những người thường xuyên đi bộ. Những nguyên nhân chính gây ra viêm bao hoạt dịch sau gót chân bao gồm:

2.1. Chấn thương gót chân  

Vận động quá sức hoặc bị va đập mạnh vào gót chân có thể gây tổn thương bao hoạt dịch, dẫn đến viêm.

2.2. Nhiễm trùng

Nhiễm trùng bao hoạt dịch cũng có thể gây ra viêm. Vi khuẩn xâm nhập vào bao hoạt dịch thông qua vết thương hoặc từ nhiễm trùng ở các vùng khác của cơ thể.

2.3. Những bệnh lý khác dẫn đến viêm bao hoạt dịch gót chân

Một số tình trạng y tế khác như viêm khớp dạng thấp hay các bệnh suy giảm miễn dịch cũng có thể là nguyên nhân gây ra viêm bao hoạt dịch ở phần gót chân.

2.4. Mang giày không phù hợp:

Mang giày chạy bộ quá chật hoặc giày cao gót trong thời gian dài có thể tạo áp lực lên gót chân, dẫn đến viêm. 

Sử dụng giày cao gót một thời gian dài cũng ảnh hưởng đến gót chân.
Sử dụng giày cao gót một thời gian dài cũng ảnh hưởng đến gót chân.

2.5. Tình trạng hoặc cấu trúc cơ thể

Một số người có cấu trúc gót chân không bình thường hoặc bị cong vẹo, dẫn đến áp lực không đều lên bao hoạt dịch, gây viêm.

Viêm bao hoạt dịch ở gót chân có thể xảy ra ở bất kỳ ai, nhưng thường gặp hơn ở những người tham gia các hoạt động thể chất cường độ cao hoặc có cấu trúc cơ thể bất thường.

3. Các triệu chứng thường thấy của viêm bao hoạt dịch sau gót chân

Triệu chứng chính dễ nhận thấy nhất là cảm giác đau ở bàn chân và gót chân khi vận động. Một số triệu chứng khác có thể đi kèm bao gồm:

  • Sưng bàn chân hoặc mắt cá chân.
  • Cảm giác khó đi lại.
  • Cảm thấy đau khi đứng bằng ngón chân.
  • Da ấm và đỏ quanh gót chân.
  • Tiếng kêu lạo xạo khi vận động cổ chân
  • Khó khăn khi mang giày.

4. Chẩn đoán viêm bao hoạt dịch sau gót chân

Thông thường, bác sĩ sẽ dựa vào bệnh sử và khám lâm sàng. Bác sĩ cũng sẽ hỏi về cường độ tập luyện, loại giày đang mang và liệu có phải đứng nhiều trong quá trình làm việc hay không. 

Bác sĩ thường hỏi về bệnh sử hoặc thói quen tập luyện của người bị viêm bao hoạt dịch.
Bác sĩ thường hỏi về bệnh sử hoặc thói quen tập luyện của người bị viêm bao hoạt dịch.

Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp X-Quang và siêu âm để kiểm tra có gãy xương hoặc gai xương hay không hoặc chụp MRI để tìm dấu hiệu viêm bao hoạt dịch. Tuy nhiên, phần lớn chẩn đoán dựa vào việc thăm khám tại bàn chân và trao đổi với người bệnh về các triệu chứng gặp phải.

5. Làm thế nào để điều trị tình trạng bao hoạt dịch ở gót chân bị viêm?

Việc điều trị viêm bao hoạt dịch thường phụ thuộc vào nguyên nhân nhưng những biện pháp phổ biến bao gồm cho bàn chân nghỉ ngơi, chườm đá và áp dụng các biện pháp giảm đau, kéo giãn gân Achilles.

5.1. Thay đổi giày đang dùng

Nếu đang mang giày cao gót, hãy chuyển sang giày thấp hơn trong một thời gian. Tuy nhiên, tránh đổi sang giày đế bằng ngay lập tức vì có thể làm triệu chứng nặng hơn. Nếu giày chạy bộ bị chật quanh mắt cá chân, người bệnh nên đổi sang giày thấp hoặc giày lười để giảm áp lực lên gót chân. Sử dụng miếng lót giày phù hợp cũng có thể giúp giảm kích ứng.

5.2. Dùng thuốc giảm đau và chống viêm

Trong quá trình chờ bao hoạt dịch lành, bác sĩ có thể khuyến khích sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như Acetaminophen hoặc kem bôi giảm đau. Thuốc chống viêm không Steroid như Ibuprofen cũng có thể giúp giảm viêm. Nếu viêm bao hoạt dịch không thuyên giảm, có thể cần tiêm Corticosteroid để giảm viêm.

5.3. Vật lý trị liệu

Những bài tập kéo căng cơ bắp chân và gân Achilles giúp giảm áp lực lên bao hoạt dịch cũng như giảm đau. Các phương pháp nhiệt trị liệu như chườm nóng hoặc chườm lạnh cũng thường được sử dụng.

5.4. Điều trị nhiễm trùng (nếu có) 

Nếu viêm bao hoạt dịch do nhiễm trùng, có thể cần sử dụng kháng sinh hoặc các biện pháp khác để tiêu diệt vi khuẩn.

Nếu tình trạng viêm bao hoạt dịch gót chân không được điều trị hiệu quả hoặc tiến triển, có thể cần phẫu thuật để loại bỏ bao hoạt dịch hoặc điều trị vấn đề gây ra viêm. Để đảm bảo điều trị hiệu quả và tránh các biến chứng, luôn tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa và tiến hành can thiệp sớm. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe