[Video] Phân biệt vàng da sơ sinh sinh lý và vàng da bệnh lý

Vàng da ở trẻ sơ sinh là tình trạng rất phổ biến, hơn một nửa trong số trẻ được sinh ra là bị vàng da với các mức độ khác nhau và sẽ tự thuyên giảm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trẻ sơ sinh bị vàng da bệnh lý lại là một dấu hiệu của căn bệnh tiềm ẩn.

Cơ chế của vàng da sinh lý trẻ sơ sinh được hiểu là vài ngày sau sinh, gan của trẻ sẽ chuyển hóa và loại bỏ bilirubin từ máu ra ngoài theo phân và nước tiểu. Da của trẻ sẽ nhạt màu dần dần. Dù thấy da của trẻ rất vàng hay thậm chí màu sắc này cũng quan sát được trong củng mạc (phần màu trắng) trong đôi mắt của trẻ, hầu hết trẻ mắc chứng vàng da ở trẻ sơ sinh đều khỏe mạnh và không có gì phải lo lắng. Sau đó, vàng da ở trẻ sơ sinh sẽ tự thuyên giảm khi bé đến 14 ngày tuổi hay đến 3 tuần ở trẻ sinh non.

Bệnh vàng da sinh lý trẻ sơ sinh là do sự tích tụ của Bilirubin, một chất có màu vàng được sinh ra khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ giải phóng ra thường, bệnh thường phổ biến và ở mức độ nhẹ, với trẻ đủ tháng, bình thường vàng da được coi là sinh lý khi vàng da xuất hiện sau 24 giờ tuổi, và thường sẽ biến mất trong vòng 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần với trẻ non tháng. Mức độ vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh nhẹ là chỉ vàng da đơn thuần (chỉ vàng da vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn) không kèm theo các triệu chứng bất thường khác (thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, lừ đừ...). Nồng độ Bilirubin/máu không quá 12mg% ở trẻ đủ tháng và không quá 14mg% ở trẻ thiếu tháng... Tốc độ tăng Bilirubin/máu không quá 5mg% trong 24 giờ. Ngoài ra, nước tiểu của trẻ sơ sinh có màu tối hoặc màu vàng (nước tiểu của trẻ sơ sinh thường không màu) và phân nhạt màu.

Vàng da bệnh lý là biểu hiện của một căn bệnh tiềm tàng nào đó và ở những trường hợp này vàng da ở trẻ sơ sinh sẽ xuất hiện sớm, trong vòng 24 giờ sau sinh. Biểu hiện của vàng da sơ sinh bệnh lý là vàng da đậm xuất hiện sớm, không hết vàng sau 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ thiếu tháng, mức độ vàng toàn thân, lòng bàn tay, bàn chân và cả kết mạc mắt. Đồng thời với vàng da, có sự xuất hiện của các triệu chứng bất thường khác như: trẻ lừ đừ, bỏ bú, co giật... Xét nghiệm Bilirubin trong máu tăng hơn bình thường. Nếu không phát hiện và điều trị vàng da sơ sinh bệnh lý kịp thời có thể xảy ra biến chứng nhiễm độc thần kinh do Bilirubin gián tiếp thấp vào não làm cho trẻ tử vong hoặc bị hại não suốt đời.

Tóm lại, vàng da ở trẻ sơ sinh nếu ở mức độ nhẹ sẽ thường tự biến mất trong vòng hai hoặc ba tuần. Đối với chứng vàng da bệnh lý vừa hoặc nặng, em bé có thể cần được theo dõi tại bệnh viện và tích cực điều trị nhằm phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm do vàng da gây ra.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe