Theo thống kê thì có khoảng 95% người mắc ung thư tuyến tụy sẽ tử vong và đa số chỉ phát hiện khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn. Ung thư tuyến tụy là một trong những bệnh lý ung thư nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao, chỉ đứng sau ung thư phổi và ung thư đại trực tràng.
1. Bệnh ung thư tuyến tụy là gì?
Tuyến tụy là cơ quan nằm rất sâu trong ổ bụng, là bộ phận không thể thiếu của cơ thể, tuyến tụy tiết ra hormone để điều hòa cơ thể và các enzyme tiêu hóa để phá vỡ thức ăn. Đa số con người sẽ không quan tâm đến tuyến tụy cho đến khi bộ phận này phát bệnh. Ung thư tuyến tụy giai đoạn đầu không có triệu chứng rõ ràng. Có hai loại ung thư tuyến tụy gồm: Khối u ngoại tiết và khối u nội tiết.
Ung thư tuyến tụy sẽ xảy ra khi các tế bào trong tuyến tụy có sự tăng sinh bất thường và vượt khỏi tầm kiểm soát của cơ thể, tạo thành một khối u. Các tế bào ung thư tuyến tụy có khả năng xâm lấn, di căn vào các bộ phận khác trong cơ thể. Theo thống kê, cứ 100 trường hợp bệnh nhân ung thư tuyến tụy thì sẽ có từ 1 đến 2 trường hợp là khối u thần kinh nội tiết, phát sinh từ các tế bào, các khối u này ít xâm lấn hơn ung thư biểu mô tuyến tụy.
Trắc nghiệm: Bạn biết gì về các yếu tố nguy cơ, chẩn đoán và điều trị ung thư tuyến tụy?
Ung thư tuyến tụy phổ biến thứ 10 trong những bệnh ung thư mới và là nguyên nhân thứ 4 gây tử vong do ung thư ở nam, nữ. Bài trắc nghiệm này sẽ kiểm tra kiến thức của bạn về các yếu tố nguy cơ, chẩn đoán và cách điều trị ung thư tuyến tụy.
Bài viết tham khảo nguồn: medicalnewstoday 2019
2. Dấu hiệu cảnh báo ung thư tuyến tụy
Bệnh ung thư tuyến tụy giai đoạn đầu sẽ không có triệu chứng rõ ràng nên người bệnh dễ chủ quan và bỏ qua giai đoạn điều trị hiệu quả nhất. Một số dấu hiệu ung thư tuyến tụy dễ bị bỏ qua hoặc nhầm với bệnh lý khác bao gồm:
- Vàng da, vàng mắt: Dấu hiệu này thường dễ bị nhầm với các bệnh lý ở gan
- Chướng bụng, đầy hơi: Khi các khối u tuyến tụy phát triển và chèn ép thì nó có thể gây ra các triệu chứng ở đường tiêu hóa như đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu... Chúng thường bị nhầm lẫn với các bệnh về dạ dày, đường ruột.
- Chán ăn: Khi bị ung thư tuyến tụy, người bệnh có thể bị mất cảm giác thèm ăn, chán ăn, ăn không ngon miệng,... đây có thể là do khối u phát triển và gây áp lực lên các cơ quan xung quanh.
- Sụt cân: Sụt cân có thể là dấu hiệu ung thư tuyến tụy phổ biến nhất, do vậy nếu đột nhiên bị sụt cân mà không rõ nguyên nhân thì nên đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe.
- Đau nhức lưng dưới: Khi khối u phát triển không chỉ gây ra áp lực tại vùng bụng mà còn ảnh hưởng đến cả cơ lưng và xương sống của người bệnh, tạo ra các cơn đau liên tục, âm ỉ ở lưng dưới.
- Đổi màu nước tiểu: Nước tiểu chuyển màu tối chính là dấu hiệu của sự mất nước, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư tuyến tụy mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải.
- Ngứa ngáy toàn thân: Đây cũng có thể là dấu hiệu ung thư tuyến tụy giai đoạn đầu dễ bị bỏ qua. Khi chức năng tuyến tụy suy giảm, bilirubin tích tụ trong da có thể gây ngứa.
- Phân đổi màu sẫm: Phân đổi màu sẫm cũng có thể là dấu hiệu của ung thư tuyến tụy giai đoạn đầu, nguyên nhân là do các tế bào ung thư chặn ống mật.
3. Bệnh ung thư tuyến tụy có nguy hiểm không?
Bệnh ung thư tuyến tụy là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, gây tỷ lệ tử vong cao vì trong giai đoạn đầu của bệnh không có triệu chứng rõ ràng, do vậy bệnh nhân sẽ thường bỏ qua giai đoạn có cơ hội điều trị cao nhất. Mặt khác, tuyến tụy là bộ phận có rất ít các dây thần kinh nên khi xuất hiện một khối u trong tuyến tụy phát triển gây đau và các triệu chứng khác.
Bệnh ung thư tuyến tụy sẽ có nguy cơ phát triển khi tuổi càng cao, độ tuổi dễ mắc bệnh từ 71 tuổi trở lên, giai đoạn này tiên lượng bệnh cũng khá dè dặt nên bệnh sẽ trở nên nguy hiểm.
Bệnh ung thư tuyến tụy chỉ được điều trị thông qua phẫu thuật cắt bỏ thành công khi người bệnh phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, khi các khối u chưa di căn. Do vậy, chủ động tìm hiểu các dấu hiệu và kiến thức về căn bệnh này là rất cần thiết.