Vì sao tay chân miệng ở trẻ em lại nguy hiểm?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Lê Thu Phương - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Bệnh tay chân miệng là bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ, do virus gây ra. Bệnh thường gặp ở độ tuổi dưới 5, bao gồm cả trẻ sơ sinh. Thông thường bệnh sẽ có tiến triển nhẹ và có thể tự khỏi sau 2 tuần. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bệnh có thể gây ra biến chứng nặng hơn như viêm màng não, bại liệt và thậm chí là tử vong.

1. Tại sao trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh tay chân miệng?

Bệnh tay chân miệng là bệnh lây lan do một số chủng virus, thường gặp nhất đó là chủng virus coxsackie A16 hoặc virus Entero 71 gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi với nhiều nguyên nhân khác nhau như:

  • Tiếp xúc với dịch ở mũi, cổ họng, hoặc phân của trẻ đang nhiễm bệnh.
  • Thường trẻ dưới 5 tuổi có thói quen ngậm đồ chơi và chơi chung đồ chơi với nhau. Vì thế bệnh tay chân miệng rất dễ lây lan ở khoảng tuổi này. Môi trường nhà trẻ là môi trường thuận lợi cho virus tay chân miệng phát tán nhanh chóng nhất.
  • Ngoài ra, là những đối tượng chưa hề có kiến thức trong việc phòng ngừa bệnh tật. Nếu trẻ không được hướng dẫn vệ sinh tay thường xuyên với xà bông cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

2. Triệu chứng của bệnh tay chân miệng


Trẻ có dấu hiệu đau họng,sốt có thể là triệu chứng của bệnh tay chân miệng
Trẻ có dấu hiệu đau họng,sốt có thể là triệu chứng của bệnh tay chân miệng

Thời gian ủ bệnh của bệnh tay chân miệng thường kéo dài từ 3-6 ngày. Bao gồm 2 giai đoạn chính là giai đoạn khởi phát và toàn phát.

2.1 Giai đoạn khởi phát

Trẻ sẽ có triệu chứng đau họng, sốt từ 37,5 – 39 độ C, có cảm giác đau rát ở răng và miệng, chảy nước bọt, chán ăn hay bỏ ăn.

2.2 Giai đoạn toàn phát

Diễn ra sau giai đoạn khởi phát 1,2 ngày với các triệu chứng bao gồm:

  • Phát ban giống dạng mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông, các nốt mụn nước có thể ẩn hoặc mọc lồi trên da. Khi sờ vào các vết này không có cảm giác đau hay ngứa.
  • Đau, loét miệng: Trẻ xuất hiện các vết loét miệng ở niêm mạc má, lưỡi và lợi. Có thể xuất hiện các bọng nước đường kính từ 2-3 mm, dễ vỡ. Khi vỡ thì để lại các vết loét khiến trẻ đau đớn, khó chịu, quấy khóc và bỏ ăn.
  • Ngoài ra, còn có thể gặp các triệu chứng như: Rối loạn tri giác, co giật, mê sảng, xuất hiện các mụn lở, rộp da trên mông.

3. Điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ


Trẻ có thể bị co giật do trẻ mắc thể tay chân miệng nặng
Trẻ có thể bị co giật do trẻ mắc thể tay chân miệng nặng

Hiện bệnh tay chân miệng không có thuốc điều trị vì bệnh gây ra do virus. Điều trị thông thường chỉ nhằm mục đích điều trị triệu chứng. Tuỳ thuộc vào sức đề kháng của mỗi bé mà triệu chứng nặng nhẹ có thể khác nhau.

Nếu mẹ chăm sóc bé tích cực thì bệnh tay chân miệng sau 7-10 ngày có thể khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên nếu trẻ mắc thể tay chân miệng nặng, các triệu chứng của bé khó kiểm soát như: Sốt cao, quấy khóc liên tục, co giật, nôn, run rẩy chân tay,... thì bố mẹ cần đưa trẻ đến điều trị tay chân miệng tại các cơ sở khám chữa bệnh đáng tin cậy. Trẻ mắc tay chân miệng vẫn có thể tái mắc khi mắc một loại virus gây bệnh khác.

Bệnh tay chân miệng có thể gây biến chứng nghiêm trọng đến tính mạng trẻ

  • Gây viêm não, viêm màng não, liệt dây thần kinh sọ não
  • Giật mình, cơ rung giật từng cơn ngắn, co giật, hôn mê, suy hô hấp, suy tuần hoàn
  • Tăng huyết áp, suy tim, phù phổi cấp, viêm cơ tim, trụy mạch.

4. Các biện pháp dự phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ


Tạo thói quen rửa tay với xà phòng thường xuyên trước khi ăn cơm giúp phòng tránh tay chân miệng
Tạo thói quen rửa tay với xà phòng thường xuyên trước khi ăn cơm giúp phòng tránh tay chân miệng

4.1 Đối với các cơ sở dạy học, trường mầm non

  • Cần vệ sinh lau phòng học cho trẻ, thường xuyên rửa đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng diệt khuẩn.
  • Tăng cường giáo dục cho trẻ và phụ huynh về bệnh tay chân miệng.
  • Khi trẻ bắt đầu có những biểu hiện của bệnh, trẻ cần nghỉ ngơi ở nhà, tránh đến trường lây lan cho nhiều trẻ khác.

4.2 Phòng tránh tay chân miệng tại gia đình

  • Thường xuyên làm sạch nhà cửa và các đồ vật trong nhà bằng các dung dịch tẩy rửa thông thường.
  • Tạo thói quen rửa tay với xà phòng thường xuyên trước khi ăn cơm, sau khi đi vệ sinh, sau khi chơi đùa với những trẻ khác.
  • Hướng dẫn trẻ dùng khuỷu tay che miệng, mũi khi trẻ ho hoặc hắt hơi.
  • Tránh xa những trẻ đang có biểu hiện ốm và trẻ đang nghi ngờ mắc tay chân miệng.

Hiện tại, bệnh chân tay miệng chưa có vắc-xin và thuốc đặc hiệu, vì vậy cần nâng cao ý thức phòng bệnh bằng việc vệ sinh cá nhân. Một khi trẻ có những dấu hiệu của bệnh cần đưa ngay đến các cơ sở uy tín để thăm khám kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe