Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Võ Hà Băng Sương - Bác sĩ điều trị - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc. Bác sĩ đã có hơn 15 năm kinh nghiệm trong điều trị các bệnh lý nội.
Sốt phát ban có thể gây ngứa ngáy với những trường hợp làn da nhạy cảm. Tổn thương da do sốt phát ban thường không gây nguy hiểm và có thể tự thuyên giảm mà không cần điều trị. Tuy nhiên triệu chứng này có thể khiến người bệnh khó chịu và bứt rứt.
1. Mẩn ngứa khi sốt phát ban
Sốt phát ban là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Sốt phát ban có đặc điểm là xuất hiện những vết mẩn nổi, ban đỏ trên toàn thân, bệnh thường bị nhầm lẫn với bệnh sởi.
Sốt phát ban chỉ nổi những ban đỏ nhưng mịn và sáng, ít hoặc không gồ lên mặt da, ban nổi đồng loạt khắp cơ thể, không ngứa ngáy và sau khi khỏi thường không để lại sẹo hoặc vết thâm.
Tuy nhiên trường hợp phát ban do sởi thì đầu tiên ban đỏ sẽ xuất hiện ở sau tai, sau đó lan ra mặt, dần xuống ngực, bụng và ra toàn thân. Đặc điểm ban sởi là ban dạng sẩn nên gồ ghề, sần sùi trên da gây mẩn ngứa khó chịu, khi bay sẽ để lại những vết thâm.
Trẻ bị sốt phát ban với các triệu chứng toàn thân là sốt, mệt mỏi, khó chịu nên làm tăng cảm giác ngứa ngáy trên da.
2. Giải pháp giảm mẩn ngứa khi bị sốt phát ban
- Tinh dầu bạc hà
Tinh dầu từ cây bạc hà có khả năng làm mát, giảm ngứa và kháng viêm. Ngoài ra, tinh dầu này còn có khả năng sát trùng và kháng viêm, giúp ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn.
Để làm giảm ngứa do sốt phát ban gây ra, người bệnh có thể thoa 1 ít tinh dầu vào vùng da tổn thương. Thực hiện khoảng 2 lần/ ngày sẽ nhận thấy các triệu chứng trên da thuyên giảm.
- Gel nha đam
Gel nha đam có chứa nhiều nước và các thành phần chống oxy hóa. Sử dụng gel lên vùng da bị ngứa có thể làm dịu niêm mạc, bổ sung ẩm và giảm viêm. Ngoài ra thành phần trong nha đam còn hỗ trợ da phục hồi và tái tạo các mô bị tổn thương. Tuy nhiên nếu có tiền sử kích ứng với nha đam, cần tránh sử dụng nguyên liệu này để khắc phục triệu chứng sốt phát ban gây ngứa.
- Chườm khăn lạnh
Chườm khăn lạnh là biện pháp giúp giảm ngứa khá an toàn và hiệu quả. Biện pháp này có thể thích hợp với mọi đối tượng, kể cả trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.
Để thực hiện, chúng ta sử dụng khăn sạch thấm nước lạnh. Sau đó vắt cho khăn bớt nước và chườm lên các vùng da ngứa ngáy. Bên cạnh khả năng giảm ngứa, chườm khăn lạnh còn có khả năng giảm thân nhiệt.
- Vệ sinh cơ thể
Một số quan niệm từ dân gian cho rằng khi bị sốt phát ban cần kiêng nước và kiêng gió. Tuy nhiên quan niệm sai lầm này chính là nguyên nhân khiến da tích tụ bụi bẩn, dầu thừa và gây ngứa ở các nốt sẩn đỏ.
Vì vậy khi mắc bệnh, người bệnh nên vệ sinh cơ thể 1 lần/ ngày với nước ấm nhẹ. Tuy nhiên trong trường hợp ớn lạnh và run khi tắm, người bệnh có thể dùng khăn ẩm để vệ sinh cơ thể. Bên cạnh đó, cần mặc quần áo có chất liệu mát và rộng để tránh ma sát lên vùng da bị phát ban.
- Tắm lá trà xanh
Để giảm ngứa do sốt phát ban, chúng ta có thể dùng 1 nắm lá trà xanh tươi, rửa sạch và nấu sôi. Sau đó bỏ bã, pha nước ấm và tắm hằng ngày. Ngoài ra có thể thêm 1 – 2 thìa muối biển vào nước tắm để tăng khả năng sát trùng và giảm ngứa.
- Sử dụng thuốc bôi chứa corticosteroid
Các loại thuốc bôi ngoài da chứa corticosteroid có thể làm giảm phản ứng viêm và ngứa trên da. Tuy nhiên loại thuốc này không được khuyến khích dùng cho trẻ nhỏ bị sốt phát ban. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc chứa corticosteroid cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như teo da, xuất hiện vết rạn và hạn chế quá trình phục hồi da.
- Thuốc kháng histamine
Thuốc kháng histamine (Diphenhydramine, Loratadine, Cetirizine,...) có thể được sử dụng để làm giảm ngứa ngáy. Loại thuốc này tác động chọn lọc lên thụ thể H1 nhằm làm giảm ngứa, sưng viêm, buồn nôn và khó chịu,...Tuy nhiên chỉ nên sử dụng thuốc nếu các biện pháp chăm sóc tại nhà không cải thiện được triệu chứng ngứa do sốt phát ban gây ra. Bên cạnh đó, cần liên hệ với bác sĩ để biết liều dùng và tần suất cụ thể.
- Điều trị sốt phát ban
Để cải thiện hoàn toàn triệu chứng sốt phát ban gây ngứa, người bệnh nên tiến hành điều trị dứt điểm bệnh lý này. Sau khi bệnh được kiểm soát, các triệu chứng như phát ban da, ngứa, mệt mỏi, đau họng,... sẽ có xu hướng thuyên giảm.
Khi triệu chứng bệnh phát sinh, người bệnh nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và chỉ định các phương pháp phù hợp. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng virus hay bất cứ loại thuốc nào trong quá trình điều trị bệnh lý này.
Sốt phát ban gây ngứa là triệu chứng thường gặp của bệnh và có thể thuyên giảm sau khi thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên nếu da bị ngứa ngáy dữ dội và gây ra cảm giác bứt rứt, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để sử dụng các loại thuốc giảm ngứa đặc hiệu.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.