Men gan cao ở trẻ em ngày càng trở nên phổ biến và có xu hướng gia tăng về số lượng. Tuy nhiên, còn rất nhiều bậc phụ huynh chủ quan, không biết về nguyên nhân cũng như triệu chứng và cách phòng tránh men gan cao ở các bé.
1. Men gan cao là gì?
Men gan còn được gọi là enzyme xúc tác trong gan, men gan có 4 loại chính:
- Phosphatase kiềm (ALP);
- Aspartate transaminase (AST);
- Alanine transaminase (ALT);
- Gamma – glutamyl transpeptidase (GGT).
Khi tế bào gan bị tổn thương do một nguyên nhân nào đó, nồng độ của các enzyme xúc tác này sẽ tăng cao và hòa tan vào máu. Từ đó tạo ra một nồng độ men gan nhất định vượt quá giới hạn tiêu chuẩn. Bình thường chỉ số men gan nên nằm trong mức:
- ALT < 40U/L đối với nam và < 37 U/L đối với nữ;
- AST ở cả nam và nữ nên < 40U/L;
- GGT ở nam nên < 60U/L, ở nữ nên nằm trong khoảng 07 - 32UL;
- ALP ở nam và nữ nên nằm trong khoảng 30 - 115U/L.
Khi chỉ số men gan vượt quá tiêu chuẩn kể trên được gọi là men gan cao. Men gan cao bị làm sao? Khi chỉ số men gan cao hơn so với mức tiêu chuẩn cho thấy các vấn đề xấu ở gan đang diễn ra. Nếu không được kiểm soát kịp thời, tình trạng men gan cao có thể tiến triển thành những bệnh nguy hiểm hơn như: xơ gan, viêm gan, ung thư gan...
2. Vì sao men gan cao ở trẻ em?
Tình trạng men gan cao ở trẻ em ngày càng gia tăng về số lượng và độ tuổi. Nếu như nguyên nhân tăng men gan ở người lớn đến từ thói quen ăn uống, thói quen sinh hoạt và do một số bệnh lý gây ra thì men gan cao ở trẻ em có nguyên nhân chủ yếu là do bẩm sinh, do các rối loạn chuyển hóa hoặc do nguyên nhân di truyền từ mẹ sang lúc mang thai.
2.1. Nguyên nhân bẩm sinh
Men gan cao ở trẻ em có thể do bẩm sinh hoặc di truyền nếu người thân trong gia đình, đặc biệt là bố mẹ của trẻ bị tăng men gan hoặc có các bệnh về gan như: viêm gan, gan nhiễm mỡ...
2.2. Môi trường ô nhiễm
Môi trường bị ô nhiễm, thức ăn nhiễm nhiều hóa chất độc hại sẽ khiến gan phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ các độc tố này ra ngoài cơ thể. Đây là nguyên nhân dẫn tới men gan cao ở trẻ em do gan trẻ phải làm việc quá sức.
2.3. Men gan cao ở trẻ em do viêm gan
Nếu người mẹ nhiễm viêm gan A, viêm gan B hoặc viêm gan C khi mang thai thì nguy cơ truyền bệnh viêm gan sang cho thai nhi và em bé sinh ra rất cao. Trường hợp, bé không được tiêm phòng viêm gan kịp thời sẽ bị mắc viêm gan từ mẹ, dẫn tới tình trạng men gan tăng cao.
Do đó nếu thai phụ bị viêm gan A, B hoặc C trong thai kỳ cần được thăm khám định kỳ để bác sĩ tư vấn cách phòng tránh lây nhiễm sang thai nhi. Khi vừa sinh xong, bé cần được tiêm phòng viêm gan ngay trong 24 giờ đầu tiên sau sinh nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con.
2.4. Thuốc kháng sinh
Một số thuốc kháng sinh mà trẻ sử dụng để điều trị bệnh có thể cho tác dụng phụ ảnh hưởng đến gan, làm men gan của trẻ tăng cao hơn so với mức bình thường.
2.5. Men gan cao ở trẻ em béo phì
Trẻ em có chế độ ăn bổ sung quá nhiều đạm và dầu mỡ rất dễ bị béo phì, điều này dễ dẫn đến chứng gan nhiễm mỡ kèm theo men gan tăng.
2.6. Do sữa công thức
Trong sữa công thức không cung cấp được chất antitrypsin,vì vậy gan của trẻ không thể chuyển hóa được hết tất cả các chất có trong sữa. Điều này có thể gây nguy hiểm cho gan dẫn đến men gan tăng cao ở trẻ.
3. Dấu hiệu nhận biết
Ở giai đoạn đầu, trẻ khám men gan cao thường khó khăn do không có các triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, việc xét nghiệm và phát hiện sớm tình trạng men gan cao ở trẻ em giúp ích rất nhiều cho quá trình điều trị. Vì vậy, bố mẹ nên chú ý những biểu hiện dù là nhỏ nhất ở con trẻ, đặc biệt là những dấu hiệu bất thường sau:
- Vàng da: Men gan cao ở trẻ em có thể khiến da trẻ vàng hơn bình thường, đôi khi xuất hiện lớp màng nhầy trong khoang miệng. Khi đó phụ huynh nên đưa con đến các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời;
- Phân màu vàng nhạt: Ở điều kiện bình thường, gan sẽ bài tiết dịch mật và xuống ruột non để tham gia tiêu hóa thức ăn. Tăng men gan ở trẻ em có thể xảy ra sau những tổn thương ở gan khiến dịch mật đi ngược vào máu và gây đầy bụng, khó tiêu hay phân nhạt màu (do không có sắc tố mật);
- Ngứa da: Khi chức năng gan bị rối loạn, tăng men gan do làm việc quá sức sẽ dẫn đến hệ quả các loại độc tố không được đào thải ra bên ngoài và có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngứa da toàn thân hoặc khu trú một vùng cơ thể;
- Phù nề: Đây là dấu hiệu điển hình của tình trạng men gan cao ở trẻ em, hay gặp ở các vị trí như mắt cá chân, bàn chân;
- Các triệu chứng khác: Trẻ khám mem gan cao còn có thể ghi nhận các triệu chứng như buồn nôn, đau bụng, mệt mỏi, suy nhược cơ thể...
Cha mẹ nếu phát hiện con có những biểu hiện bất thường như trên thì cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được chẩn đoán sớm, có biện pháp điều trị kịp thời. Một số xét nghiệm khác cần được chỉ định bao gồm các xét nghiệm tìm nguyên nhân (như phát hiện các loại virus gây viêm gan), siêu âm bụng tổng quát đánh giá tình trạng chung của gan.
Những triệu chứng men gan cao ở trẻ em thường có xu hướng nặng hơn vào ban đêm, gây khó chịu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Nếu tình trạng này kéo dài và không có biện pháp can thiệp phù hợp có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm hơn như suy gan, ung thư gan...
4. Phòng ngừa tình trạng men gan cao ở trẻ em
- Đối với trường hợp tiền sử người mẹ mắc các bệnh lý viêm gan, trước và trong quá trình mang thai cần được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa để có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho con. Đặc biệt, trong thời gian 24 giờ đầu sau sinh, trẻ cần được tiêm vắc xin phòng ngừa viêm gan B;
- Bà bầu cần xây dựng chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, hỗ trợ tối đa cho thai nhi phát triển khỏe mạnh;
- Trẻ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn ít nhất trong 6 tháng đầu và có thể kéo dài đến 2 năm tuổi. Sữa mẹ từ lâu được xem là nguồn dinh dưỡng vừa an toàn vừa đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết và không loại sữa nào có thể thay thế được. Những bé bú sữa công thức có thể dẫn đến thiếu hụt một số dưỡng chất, đồng thời có thể gây men gan cao ở một số trẻ;
- Mẹ bầu cần duy trì cân nặng ở mức lý tưởng, hạn chế tối đa tình trạng thừa cân, béo phì
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.