Bài viết được viết bởi ThS.BS Lã Thị Thùy - Bác sĩ Tim mạch can thiệp, Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Bệnh động mạch ngoại biên là bệnh lý tắc nghẽn mạch máu ngoại biên, do các mảng xơ vữa và huyết khối. Các động mạch đó không bao gồm mạch máu nuôi tim và não.
1. Bệnh động mạch ngoại biên là gì?
Bệnh động mạch ngoại biên thường gặp nhất là các tổn thương động mạch vùng tiểu khung, chi dưới và chi trên. Về sinh bệnh học, tình trạng tắc nghẽn ở các mạch này cũng tương tự như tắc động mạch vành hay động mạch cảnh. Điểm khác biệt là vùng cấp máu của các động mạch: động mạch vành cấp máu cho cơ tim, động mạch cảnh cấp máu cho não còn các động mạch ngoại biên cấp máu cho các chi.
Xơ vữa động mạch ngoại biên là hiện tượng cứng và dày lên của thành các động mạch có khẩu kính lớn và trung bình, là nguyên nhân gây nên các bệnh như: thiếu máu cục bộ cơ tim, bệnh mạch máu ngoại biên, các cơn đột quỵ do thiếu máu cục bộ não (nhồi máu não), phình động mạch chủ bụng...
Trước hết vì một lý do nào đó làm cho các tế bào nội mạc động mạch bị tổn thương, và làm mất chức năng bảo vệ thành mạch. Nguyên nhân gây tổn thương tế bào nội mạc có thể do ảnh hưởng của dòng máu có áp lực cao liên tục tác động đến như: trong bệnh tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, do ảnh hưởng của thuốc lá, một số thuốc và hóa chất, thức ăn, nhiễm khuẩn và virus, các yếu tố miễn dịch...
Các tế bào nội mạc tại chỗ mất khả năng tiết ra prostacyclin, khi bị tổn thương. Tiểu cầu lập tức tách ra khỏi dòng máu để tập trung vào chỗ đó và làm kết dính lại, sau đó phóng thích ra nhiều chất trong đó có yếu tố tăng trưởng, yếu tố này kích thích sự di chuyển của các tế bào cơ trơn ở lớp trung mạc ra lớp nội mạc và phát triển mạnh tại đó. Các bạch cầu đơn nhân từ dòng máu cũng di chuyển đến chỗ tổn thương và được chuyển dạng thành đại thực bào. Các đại thực bào này “nuốt” các LDL-C và trở thành các “tế bào bọt” tích nhiều mỡ. Đến khi bị quá tải, các tế bào này sẽ bị vỡ và đổ cholesterol ra ngoài, làm cho lớp dưới nội mạc dày lên tạo ra các vạch lipid hoặc các mảng xơ vữa đặc trưng của bệnh
Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh động mạch ngoại biên là cảm giác chuột rút ở vùng đùi, hông và bắp chân xuất hiện khi đi bộ, trèo cầu thang hoặc khi gắng sức. Triệu chứng này đỡ hoặc hết khi được nghỉ ngơi dù chỉ vài phút.
Cơ chế gây đau là khi cơ hoạt động, chúng cần được cấp máu nhiều hơn, nhưng do lòng mạch bị hẹp tắc bởi mảng xơ vữa, cơ bị thiếu máu nên gây ra triệu chứng đau. Khi nghỉ ngơi, nhu cầu oxy giảm xuống nên triệu chứng đau cũng giảm và hết. Hiện tượng đó gọi là đau cách hồi.
Nhiều người cho rằng đau chân là một triệu chứng thường gặp ở người già. Người bệnh thường cho rằng đó là triệu chứng của bệnh viêm khớp hay đau dây thần kinh tọa hay hiện tượng cứng khớp ở người già.
Đau chân do bệnh động mạch ngoại biên thường xuất hiện ở cơ (như cơ bắp chân) chứ không phải ở khớp. Với những bệnh nhân bị tiểu đường thì triệu chứng này có thể bị che lấp bởi triệu chứng đau, tê bì ở bàn chân hoặc đùi do biến chứng thần kinh, một biến chứng thường gặp của bệnh.
Triệu chứng nặng của bệnh động mạch ngoại biên bao gồm:
- Đau chân không đỡ khi nghỉ ngơi.
- Vết thương ở ngón chân hay bàn chân khó lành.
- Hoại tử bàn chân, ngón chân.
- Chân bên bị bệnh lạnh hơn chân lành hoặc lạnh hơn so với các phần chi phía trên
2. Bệnh thường gặp những đối tượng nào?
Bệnh động mạch ngoại biên có thể xảy ra ở nữ và nam với số lượng cân bằng nhau ở cả hai giới.
Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh động mạch ngoại biên bao gồm:
- Người trên 70 tuổi
- Người trên 50 tuổi và mắc bệnh đái tháo đường hoặc hút thuốc nhiều
- Người dưới 50 tuổi nhưng mắc bệnh đái tháo đường và có những yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch ngoại biên như béo phì hoặc cao huyết áp
Tuy nhiên, tỉ lệ bị xơ vữa động mạch liên quan trực tiếp đến tuổi. Một số nghiên cứu cho thấy trong những năm đầu tiên của đời người có thể xảy ra quá trình xơ vữa động mạch, thậm chí có người còn thấy hiện tượng xơ vữa động mạch xuất hiện ở ngay trong thời kỳ bào thai.
Các tổn thương trung gian được hình thành vào những năm 30 tuổi, các mảng xơ vữa thực sự hình thành kể từ năm 40 tuổi và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim. Từ 50 tuổi trở đi, quá trình xơ vữa động mạch tiếp tục tiến triển trở nên trầm trọng hơn, nó gây nên các bệnh như: bệnh mạch máu ngoại biên, bệnh mạch máu não.
- Dưới 20 tuổi có tới 17% người bị xơ vữa động mạch
- Độ tuổi từ 20 - 29 tuổi tỉ lệ này là 37%
- Độ tuổi từ 30 - 39 là 60%
- Độ tuổi từ 40 - 49 tuổi là 71%
- Độ tuổi từ 50 trở lên là 85%
Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Hút thuốc
- Bệnh tiểu đường
- Béo phì
- Cholesterol cao (cholesterol trong máu hơn 240 mg/ dL hoặc 6,2 milimoles/ lít)
- Lịch sử gia đình có mắc bệnh động mạch ngoại biên, bệnh tim hay đột quỵ
- Homocysteine vượt mức, một phần protein giúp duy trì và xây dựng mô
3. Vì sao cần phát hiện sớm bệnh động mạch ngoại biên
Việc phát hiện bệnh mạch máu ngoại biên có vai trò rất quan trọng. Ngoài việc giúp điều trị sớm tình trạng thiếu máu chi, trước khi có những biến chứng nặng nề như hoại tử chi, phải cắt cụt chi, người bị bệnh động mạch ngoại biên thường có tình trạng xơ vữa ở các động mạch khác bao gồm cả động mạch cấp máu cho tim và não. Thực tế, bệnh nhân bị bệnh động mạch ngoại biên có nguy cơ nhồi máu cơ tim hay đột quỵ cao gấp 6 đến 7 lần so với người không có bệnh.
Nhiều bệnh nhân bị bệnh động mạch ngoại biên không có bất cứ một triệu chứng nào nhất là trong giai đoạn sớm của bệnh. Đó là lý do mà bệnh dễ bị bỏ sót chẩn đoán. Một số chỉ có biểu hiện đau bắp chân hoặc chuột rút khi đi lại xa.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp bị chẩn đoán nhầm do nguyên nhân viêm khớp, bệnh lý của cơ hay chỉ là biểu hiện của tuổi già. Phần lớn các trường hợp bị bệnh chỉ được phát hiện khi đã có biểu hiện muộn hay biến chứng của bệnh như có những vết loét trên da chân khó lành, đau nhiều và tím đầu chi hay hoại tử chi.
Những người hút thuốc lá và bị tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh rất cao. Nếu bạn bị bệnh động mạch ngoại biên, điều trị hiệu quả sẽ làm giảm triệu chứng và giảm các nguy cơ bị cắt cụt chân, nhồi máu cơ tim hay nguy cơ bị đột tử trong tương lai.
Tình hình chung của bệnh động mạch ngoại biên:
- Gần 75% bệnh nhân bị bệnh động mạch ngoại biên không biểu hiện triệu chứng
- Nhiều bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm triệu chứng của bệnh động mạch ngoại biên với các bệnh lý khác.
- Triệu chứng thường gặp nhất là đau như chuột rút hay cảm giác mỏi ở vùng cơ chân và hông khi đi lại hoặc trèo cầu thang, đỡ đau khi nghỉ và đau lại xuất hiện trở lại khi tiếp tục đi bộ với khoảng cách như vậy. Khoảng cách đi được trước khi xuất hiện đau cho phép ước đoán mức độ nặng của bệnh.
- Việc thông báo cho bác sĩ về các yếu tố nguy cơ của bạn là rất quan trọng để bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm sàng lọc để phát hiện bệnh sớm.
- Những người bị bệnh động mạch ngoại biên có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
- Nếu không được điều trị, bệnh động mạch ngoại biên có thể dẫn đến hoại tử và cắt cụt chân.
- Bệnh động mạch ngoại biên có thể được phát hiện sớm bằng các phương pháp đơn giản và không gây chảy máu.
- Bạn có thể phòng bệnh bằng cách duy trì một lối sống lành mạnh và thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ.
- Phần lớn các trường hợp cần được điều trị bằng chế độ luyện tập, chế độ ăn giảm cholesterol, giảm chất béo bão hòa và dùng thuốc với các trường hợp nặng.
Để tìm hiểu thêm về chẩn đoán và điều trị bệnh động mạch ngoại biên, mời bạn click TẠI ĐÂY.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.
Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org, Hội Tim mạch Học Việt Nam