Futagrel có thành phần chính là Clopidogrel, thuộc nhóm thuốc điều trị bệnh tim mạch, dạng bào chế viên nén bao phim. Tuân thủ chỉ định, liều dùng Futagrel sẽ giúp người bệnh nâng cao hiệu quả điều trị và tránh được những tác dụng phụ không mong muốn.
1. Chỉ định và công dụng thuốc Futagrel
Hiện nay, thuốc Futagrel được chỉ định để:
- Dự phòng nguyên phát các tình trạng bị rối loạn do nghẽn mạch huyết khối như: Đột quỵ, nhồi máu cơ tim và bệnh động mạch ngoại biên.
- Kiểm soát và dự phòng thứ phát ở những người bị xơ vữa động mạch mới bị nhồi máu cơ tim, mới bị đột quỵ hoặc bệnh lý động mạch ngoại biên đã xác định.
2. Chống chỉ định dùng thuốc Futagrel
Thuốc Futagrel chống chỉ định với:
- Người bị quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc Futagrel.
- Bệnh nhân có tiền sử xuất huyết như: Xuất huyết nội sọ hoặc loét đường tiêu hóa.
- Những người bị suy gan nặng.
3. Liều lượng và cách dùng thuốc Futagrel
Cách dùng: Thuốc Futagrel dùng bằng đường uống, có thể cùng hoặc không cùng với thức ăn. Người bệnh nên nuốt toàn bộ viên thuốc Futagrel. Bẻ, nhai hoặc nghiền nát thuốc Futagrel có thể làm gia tăng các tác dụng phụ.
Liều dùng:
- Điều trị bệnh xơ vữa động mạch: Uống 1 viên hàm lượng 75mg/ ngày.
- Để dự phòng rối loạn huyết khối tắc mạch như: Bệnh động mạch ngoại biên, nhồi máu cơ tim và đột quỵ là: 1 viên hàm lượng 75mg/ ngày.
- Điều trị hội chứng mạch vành cấp tính (nhồi máu cơ tim không có sóng Q/ chứng đau thắt ngực không ổn định): Liều Futagrel khởi đầu là 300mg. Liều duy trì là 75mg/ ngày.
Cách xử trí khi quên liều, quá liều thuốc Futagrel:
- Trong trường hợp quên liều thuốc Futagrel thì nên bổ sung bù càng sớm càng tốt. Tuy nhiên nếu thời gian gần đến lần sử dụng tiếp theo thì nên bỏ qua liều Futagrel đã quên và sử dụng liều mới.
- Khi sử dụng thuốc Futagrel quá liều thì có thể xảy ra tình trạng chảy máu kéo dài, nôn, khó thở, mệt mỏi, xuất huyết tiêu hóa...Người bệnh cần ngừng thuốc ngay lập tức và đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
4. Tác dụng phụ của thuốc Futagrel
Khi dùng thuốc Futagrel, người bệnh có thể gặp tác dụng không mong muốn như:
- Thường gặp: Tiêu chảy, khó tiêu, đau bụng, buồn nôn, dị ứng da.
- Ít gặp: Chảy máu cam hoặc tức ngực.
- Hiếm gặp: Loét dạ dày, xuất huyết đường tiêu hóa, chứng mất bạch cầu không hạt nghiêm trọng, chứng giảm bạch cầu trung tính hoặc chứng giảm tiểu cầu, bệnh thiếu máu bất sản, ban xuất huyết do giảm tiểu cầu, bệnh thận như hội chứng viêm thận, viêm khớp cấp, mất vị giác.
- Tác dụng phụ khác của Futagrel: Xuất huyết nội sọ, giảm tiểu cầu, xuất huyết ở mắt.
Nếu gặp phải triệu chứng trên thì cần ngừng sử dụng thuốc Futagrel và thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ để có hướng xử trí phù hợp.
5. Tương tác của thuốc Futagrel
Futagrel có thể xảy ra phản ứng tương tác thuốc nếu kết hợp cùng với:
- Thuốc Aspirin;
- Thuốc Heparin;
- Thuốc Warfarin;
- Các thuốc kháng viêm không Steroid (NSAIDs);
- Các thuốc chuyển hóa bởi hệ Cytochrom P450;
- Thuốc ức chế hoạt động của enzyme CYP2C19: Omeprazole và Esomeprazole, Fluoxetine, Fluvoxamine, Moclobemide, Fluconazole, Voriconazole, Ticlopidine, Cimetidine, Ciprofloxacin, Carbamazepine, Chloramphenicol và Oxcarbazepine.
6. Lưu ý khi dùng thuốc Futagrel
- Cần thận trọng khi sử dụng thuốc Futagrel cho người làm nghề lái xe hoặc vận hành máy móc.
- Thận trọng khi dùng Futagrel cho người bị xuất huyết do phẫu thuật, chấn thương hoặc bệnh lý khác.
- Phụ nữ cho con bú cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi muốn dùng thuốc Futagrel.
- Tuyệt đối không sử dụng khi thuốc Futagrel có dấu hiệu bị đổi màu, mốc, chảy nước hay hết hạn dùng.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Futagrel, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Futagrel điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.