Giấc ngủ là 1 phần thời gian quan trọng trong đời sống của bất kỳ cá thể nào. Không chỉ giúp thư giãn và nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động mà giấc ngủ còn có thể đem lại những giấc mơ đẹp khi ngủ khiến con người hạnh phúc. Một số giấc mơ thậm chí còn “cao cấp” hơn còn gọi là giấc mơ sống động với trải nghiệm chân thực về những thứ đang mơ ngay cả khi bạn vẫn còn ngủ. Vậy tại sao lại mơ khi ngủ và những giấc mơ sống động có thực sự tốt không?
1. Giấc mơ sống động là gì?
Thông thường, mọi người đều nghĩ rằng giấc ngủ là thời gian cho phép cơ thể được nghỉ ngơi, hồi phục sau một ngày lao động. Tuy nhiên, thực tế thì bộ não con người vẫn hoạt động trong xuyên suốt giấc ngủ thông qua một cơ chế thường được gọi là giấc mơ. Những giấc mơ của con người có thể khá thư giãn, thoải mái hoặc giúp ích cho việc hồi phục nhưng cũng có những giấc mơ tương đối đáng sợ, giấc mơ kì ảo và một phần là những giấc mơ sống động.
Cho tới hiện nay, con người vẫn chưa có câu trả lời hoàn chỉnh cho sự khởi nguồn của giấc mơ nhưng đa phần cho rằng những giấc mơ sẽ liên quan đến ký ức và trí nhớ của con người. Có thể nói giấc mơ giúp não bộ loại bỏ những thông tin không cần thiết, đồng thời xử lý và lưu trữ những thông tin quan trọng. Do đó con người thường cảm thấy thoải mái sau khi ngủ mơ hay không nhớ những gì đã mơ.
Hầu hết con người thường sẽ thức dậy mà không thể lưu dữ lại phần nhiều ký ức trong giấc mơ. Bên cạnh đó, cũng có một số người có thể hoàn toàn khơi gợi được những gì đã mơ vì những giấc mơ quá mức ấn tượng và chân thực. Các giấc mơ kiểu này được gọi là “giấc mơ sống động”. Các giấc mơ sống động có thể tích cực hoặc tiêu cực, chân thực hoặc kỳ ảo. Các nhà khoa học tin rằng phần lớn các giấc mơ sống động xảy ra suốt giai đoạn giấc ngủ mắt chuyển động nhanh (còn gọi là giấc ngủ REM) và một chu trình của giấc ngủ REM thường kéo dài 90 phút mỗi tối.
2. Vì sao các giấc mơ thường sống động?
Như đã đề cập, hầu hết các giấc mơ sẽ không được lưu trữ lại trong não bộ con người sau khi tỉnh dậy nhưng các giấc mơ sẽ thường sống động và có xu hướng ghi nhớ lâu hơn do các nguyên nhân sau:
- Stress, lo âu: Là lý do phổ biến của các giấc mơ sống động khi cuộc sống thực tế của con người gặp nhiều khó khăn hoặc có các sự kiện lớn như kết hôn, mua nhà hay tiêu cực hơn là mất mát người thân, lạm dụng tình dục, tai nạn giao thông. Càng có nhiều sự lo âu thì các cơn ác mộng có thể gặp phải nhiều hơn.
- Rối loạn giấc ngủ: Các vấn đề về giấc ngủ có thể dẫn tới thiếu ngủ là nguyên nhân làm tăng nguy cơ trải nghiệm những giấc mơ sống động. Ngoài ra, việc thay đổi thời gian ngủ thông thường của bản thân như đi du lịch tới một múi giờ khác cũng có thể khiến giấc ngủ đảo lộn gây ra các giấc mơ không mong muốn.
- Do thuốc: Có một số loại thuốc được ghi nhận có thể dẫn tới việc người bệnh gặp phải các giấc mơ sống động như thuốc trầm cảm, thuốc chẹn beta, thuốc hạ áp, thuốc chữa bệnh Parkinson, thuốc cai nghiện thuốc lá
- Lạm dụng chất kích thích: Nghiện rượu, ma tuý đều là các nguyên nhân gây ra sự mất cân bằng của giấc mơ, thường xuyên gặp ác mộng
- Các rối loạn cảm xúc khác: Trầm cảm hoặc tâm thần phân liệt cũng có thể khiến bệnh nhân gặp những giấc mơ sống động.
- Mang thai: Phụ nữ mang thai có sự thay đổi lớn về nồng độ hormone trong cơ thể, chu kỳ giấc ngủ và cả thay đổi cảm xúc nên thường được ghi nhận gặp phải các giấc mơ sống động trong thời gian đầu của thai kỳ.
3. Giấc mơ sống động có thể gây ra tác hại như thế nào?
Thông thường, các giấc mơ sống động không gây ảnh hưởng đến con người hoặc chỉ đơn giản được ghi nhận như ký ức trong giấc mơ. Tuy nhiên, các giấc mơ sống động có xu hướng tiêu cực và kéo dài hàng tuần, hàng tháng có thể gây khó chịu cho cảm xúc và chất lượng giấc ngủ. Các tác động có hại cho sức khỏe con người gồm:
- Giảm năng suất hoạt động: Các giấc mơ sống động tiêu cực có thể gây mất tập trung và mau quên trong các hoạt động sống hàng ngày như công việc hay học tập. Thậm chí chúng còn tác động nguy hiểm đến các hoạt động cơ bản hàng ngày như lái xe ví có thể gây xao nhãng bất thường.
- Rối loạn cảm xúc: Các giấc mơ sống động có thể tác động tiêu cực tới cảm xúc, gây ra rối loạn lo âu hoặc trầm cảm.
- Mất ngủ: Việc các giấc mơ sống động lặp lại hàng ngày có thể khiến con người có xu hướng né tránh giấc ngủ, lâu dần gây ra vấn đề mất ngủ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ.
- Suy nghĩ tự sát: Là mức độ nghiêm trọng nhất của vấn đề giấc ngủ này khi con người nảy sinh ý định tự sát trong hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống, các giấc mơ sống động khiến người bệnh hoài nghi về thế giới thực và không có cách nào thoát khỏi các ý nghĩ tự sát trong cuộc sống thực.
4. Làm sao để thoát khỏi các giấc mơ sống động?
Thực tế, không thể tìm ra nguồn gốc dẫn tới các nguyên nhân gây ra các giấc mơ sống động kéo dài và trong nhiều trường hợp tình trạng này sẽ biến mất trước cả khi con người có can thiệp. Tuy nhiên, nếu các giấc mơ sống động tiêu cực và kéo dài gây ảnh hưởng tới sức khoẻ tinh thần thì bạn nên tham khảo các trị liệu về tâm lý hoặc thay đổi lối sống. Một số phương pháp tránh các giấc mơ sống động tiêu cực gồm:
- Can thiệp tâm lý: Nếu các giấc mơ sống động này là do bạn đang gặp các vấn đề về tâm lý, sức khỏe tinh thần thì cách tốt nhất chính là giải quyết thông qua việc gặp gỡ bác sĩ, đưa ra các trị liệu tâm lý hoặc sử dụng thuốc.
- Lối sống khỏe mạnh: Chế độ dinh dưỡng tốt, duy trì cân nặng và sức khỏe, uống đủ nước, ngủ giấc có thể cải thiện đáng kể sức khỏe tinh thần, bạn cũng sẽ ngủ ngon và ít mộng mị hơn.
- Đối phó với căng thẳng lo âu: Các liệu pháp như hít thở sâu, thư giãn, trị liệu nghệ thuật, tập thể dục hoặc sử dụng thuốc theo toa bác sĩ có thể giúp con người đối phó với các vấn đề căng thẳng lo âu, thoát khỏi sự quá tải trong tâm lý và tránh các cơn ác mộng.
- Trị liệu tâm lý bằng khơi gợi hình ảnh: Đây là phương pháp trị liệu tâm lý cho bệnh nhân gặp phải các giấc mơ sống động tiêu cực trong thời gian dài. Sau mỗi lần gặp phải các giấc mơ này thì chuyên gia tâm lý sẽ cố gắng khơi gợi và thay đổi hình dung về giấc mơ nhằm hướng tới việc loại bỏ các tác động động tiêu cực, khiến người bệnh không còn cảm giác bị đe dọa bởi các giấc mơ không có thật.
- Sử dụng thuốc: Các thuốc ngủ hoặc thuốc chống lo âu có thể được sử dụng nhưng dưới sự giám sát của bác sĩ có chuyên môn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com