Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Quyết - Bác sĩ Ngoại khoa phẫu thuật chi trên - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Cứng khớp ngón tay là tình trạng thường gặp ở người lớn tuổi, nhất là sau khi ngủ dậy. Tê cứng khớp ngón tay khi ngủ dậy có thể là biểu hiện của một trong những bệnh lý về xương khớp, thoái hóa khớp...
1. Cứng khớp ngón tay khi ngủ dậy là như thế nào?
Tê cứng khớp ngón tay có biểu hiện là tê, cứng, sưng khớp ngón tay, dẫn đến đau cả bàn tay, nhất là vào buổi sáng sau khi thức dậy, nhưng cũng có thể gặp khi ngủ trưa hoặc tỉnh dậy lúc nửa đêm. Tình trạng này có thể kéo dài trong khoảng 15 - 30 phút, sau đó người bệnh mới cử động lại bình thường.
Nếu khi ngủ người bệnh không lấy tay kê đầu, gối lên tay, không chèn ép để tay được thoải mái thì tê cứng khớp ngón tay sẽ giảm hơn. Bệnh cứng khớp ngón tay nếu không chữa trị có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, gặp khó khăn khi dùng tay cầm, nắm đồ vật. Khi đó, không cử động trong thời gian dài có thể khiến cơ bàn tay bị teo nhỏ.
2. Vì sao bị cứng khớp ngón tay khi ngủ dậy?
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tê cứng khớp ngón tay khi ngủ dậy, đó có thể là do một số bệnh lý xương khớp hoặc thiếu hụt khoáng chất quan trọng như canxi.
- Viêm đa khớp dạng thấp: Đây được xem là nguyên nhân đầu tiên gây sưng cứng các khớp, đặc biệt là khớp ngón tay. Viêm đa khớp dạng thấp thường gặp ở phụ nữ ở độ tuổi từ 30 - 60 tuổi với biểu hiện đau nhức, sưng nóng, đỏ các khớp vào buổi sáng khi thức dậy. Nếu để lâu không điều trị có thể dẫn đến biến dạng khớp, ngón tay bị sưng phồng, cong quặp, ảnh hưởng đến sinh hoạt và giao tiếp hàng ngày.
- Thoái hóa khớp: Sau viêm khớp dạng thấp thì thoái hóa khớp cũng là nguyên nhân phổ biến gây tê cứng khớp ngón tay. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, nữ giới và thừa cân, béo phì, khi các khớp dần thoái hóa. Khi các mô dịch khớp, sụn khớp thoái hóa sẽ hình thành những chồi xương làm chèn ép dây thần kinh và gây ra các cơn đau ở khớp ngón tay. Đau cứng khớp ngón tay có thể thuyên giảm khi nghỉ ngơi, giảm vận động.
- Bệnh Lupus ban đỏ: Bệnh Lupus tự miễn cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến các khớp, làm tê cứng, viêm sưng khớp ngón tay. Nguy hiểm nhất là tình trạng co thắt mạch máu do Lupus gây ra (hay còn gọi là hội chứng Raynaud), làm ngón tay, chân bị tím.
- Bệnh Gout: Gout cũng là một trong những nguyên nhân khiến các khớp đau sưng vì bị viêm do axit uric không được đào thải hết ra bên ngoài. Bệnh Gout gây sưng cứng khớp ngón tay, bàn tay nhưng chủ yếu thường gặp ở ngón chân, bàn chân, đầu gối.
- Hội chứng ống cổ tay thường gặp ở người làm công việc văn phòng hoặc bà nội trợ, sử dụng nhiều và thường xuyên bàn tay, ngón tay sẽ khiến các khớp ở tay bị đau.
- Hội chứng De Quervain: Hội chứng này xuất hiện do tình trạng viêm bao gân dạng dài và duỗi ngắn ngón cái, làm ảnh hưởng và chi phối gân ngón tay, dẫn đến đau cứng khớp ngón tay.
- Ung thư xương: Mặc dù rất hiếm gặp nhưng nếu mắc phải sẽ gây ra những cơn đau, sưng và cứng khớp nghiêm trọng.
- Thiếu hụt canxi: Thường gặp ở phụ nữ có chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, đặc biệt sau giai đoạn mang thai và sinh nở, cơ thể bị thiếu hụt canxi hoặc giảm hấp thụ canxi có thể ảnh hưởng đến xương khớp, gây đau nhức xương khớp tay, chân và toàn cơ thể.
3. Chữa cứng khớp ngón tay như thế nào?
Tê cứng khớp ngón tay khi ngủ dậy có thể được chữa trị bằng những phương pháp như:
- Bảo vệ và phòng tránh hỏng sụn khớp: Có thể sử dụng thuốc để bảo vệ và giảm nguy cơ hư hỏng sụn khớp cũng như xương dưới sụn thay vì dùng thuốc giảm đau mỗi khi bị đau cứng khớp ngón tay. Người bệnh cần lưu ý, việc dùng thuốc giảm đau, kháng viêm chỉ có tác dụng tạm thời. Lạm dụng thuốc còn gây tác dụng phụ cho gan, thận, thậm chí có thể dẫn đến đột quỵ, tử vong. Bảo vệ sụn khớp là phương pháp có tác dụng trong thời gian dài có tác dụng giúp sụn khớp và xương dưới sụn khoẻ mạnh hơn, phòng ngừa được các biến chứng về sau.
- Tập vật lý trị liệu: Một số bài tập vật lý trị liệu được thực hiện có thể giúp khắc phục chứng tê cứng khớp ngón tay. Tác dụng của những bài tập này là giúp lưu thông máu đến nuôi dưỡng khớp, từ đó giúp giảm viêm, sưng. Để nâng cao hiệu quả của bài tập này cần kết hợp với chế độ ăn uống và bổ sung dưỡng chất dành cho khớp.
- Chế độ ăn lành mạnh: Một chế độ ăn ít mỡ, giàu đạm và tăng cường vitamin và khoáng chất sẽ giúp cải thiện việc điều trị bệnh xương khớp nói chung và tê cứng khớp ngón tay nói riêng.
- Hạn chế gây áp lực lên ngón tay: Thường xuyên sử dụng tay để cầm nắm, mang, xách vật nặng, cũng như bẻ ngón tay sẽ tạo áp lực lên các khớp ngón tay dẫn đến nhanh lão hoá khớp. Vì vậy, hạn chế những việc này sẽ làm giảm ảnh hưởng đến khớp.
Tê cứng khớp ngón tay khi ngủ dậy là tình trạng phổ biến gặp nhiều ở người cao tuổi và những người mắc bệnh về xương khớp hoặc thường xuyên sử dụng bàn tay, ngón tay. Chứng tê cứng khớp ngón tay hoàn toàn có thể được khắc phục khi hạn chế gây áp lực, chèn ép xương khớp ngón tay, đồng thời kết hợp sử dụng thuốc bảo vệ sụn khớp với các bài tập vật lý trị liệu và chế độ ăn lành mạnh.
Bệnh có thể ảnh hưởng lớn đến chất lượng đời sống và do rất nhiều nguyên nhân gây ra nhưng hoàn toàn có thể khắc phục nếu người mắc thay đổi thói quen sinh hoạt, đồng thời thường xuyên khám sức khỏe định kỳ. Trong quá trình thăm khám phát hiện các nguy cơ, người bệnh sẽ được bác sĩ tư vấn các điều trị, tập luyện, chế độ dinh dưỡng để cải thiện sức khỏe.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong thăm khám và điều trị các bệnh lý cơ xương khớp, hệ thống các Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã trở thành một trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe uy tín tại Việt Nam với đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn, được đào tạo bài bản và có hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại. Tại đây, người bệnh mắc các bệnh cơ xương khớp cấp tính và mãn tính thăm khám, điều trị và theo dõi sau điều trị, đồng thời lên các kế hoạch phục hồi, tập vật lý trị liệu để sớm phục hồi sức khỏe và trở lại sinh hoạt bình thường..
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.