Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Khắc Khôi Nguyên - Bác sĩ chấn thương chỉnh hình, Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Thuật ngữ bàn tay tiểu đường được đặt ra để mô tả biến chứng của bệnh đái tháo đường ở bàn tay, chủ yếu là hạn chế vận động các khớp ở bàn tay hoặc hội chứng cứng bàn tay. Hiện tượng cứng khớp ngón tay ở người đái tháo đường được mô tả lần đầu tiên bởi Lundback vào năm 1957.
Trong vài thập kỷ qua, các thầy thuốc ít quan tâm đến bàn tay bệnh nhân tiểu đường và hầu hết người bệnh cũng có xu hướng bỏ qua nó. Để làm rõ vấn đề này, điều quan trọng là phải trả lời hai câu hỏi: Hiện tượng cứng khớp ngón tay có phổ biến và nghiêm trọng không? Đây có phải là một biến chứng khác của bệnh tiểu đường?
1. Bệnh phổ biến hơn ở người đái tháo đường
Tỷ lệ bị cứng khớp ngón tay ở người bệnh đái tháo đường nhìn chung khá thay đổi, dao động từ 8% đến 50% tuỳ tài liệu. Nếu xét riêng thì tỷ lệ mắc từ 8 đến 58% ở đái tháo đường type 1, từ 25 đến 76% người đái tháo đường type 2. Ở những người không mắc bệnh tiểu đường, tỷ lệ này từ 1 đến 20%.
Người đái tháo đường bị cứng khớp ngón tay phổ biến hơn và mức độ trầm trọng hơn người không đái tháo đường. Mức độ nặng của biến chứng cứng khớp bàn tay có liên quan với việc kiểm soát đường huyết kém.
Tỷ lệ bị cứng khớp ngón tay ở người bệnh đái tháo đường không phụ thuộc vào chủng tộc. Hiện tượng này xảy ra đồng đều ở cả giới nam và nữ. Thời gian mắc bệnh tiểu đường càng lâu và người bệnh càng lớn tuổi đều làm tăng nguy cơ bị cứng khớp ngón tay.
Biến chứng ở bàn tay xuất hiện ở độ tuổi từ 10 - 20 trở lên và không phổ biến trước 10 tuổi. Tỷ lệ bị cứng khớp bàn tay ở người trẻ tuổi trong các thập kỷ qua đã giảm mạnh, rất có thể là kết quả của việc kiểm soát đường huyết được cải thiện.
2. Vì sao người đái tháo đường dễ bị cứng khớp ngón tay?
Nguyên nhân của hiện tượng cứng khớp ngón tay chưa được hiểu đầy đủ. Người ta cho rằng đó là một quá trình đa yếu tố. Yếu tố di truyền trong bệnh cứng khớp ngón tay đã được ghi nhận ở bệnh nhân đái tháo đường type 2. Vài nghiên cứu cho thấy yếu tố gia đình cũng có liên quan ở đái tháo đường type 1.
Trong các nghiên cứu gia đình ở bệnh đái tháo đường type 1, trẻ em tiểu đường bị cứng khớp ngón tay có nhiều khả năng có cha mẹ hoặc anh chị em bị ảnh hưởng tương tự (35% người thân) so với trẻ em tiểu đường không bị cứng khớp ngón tay (13% người thân).
Tăng glycosyl hóa collagen nonenzymatic do tăng đường huyết mãn tính có thể dẫn đến tăng liên kết chéo giữa các phân tử collagen, do đó làm tăng khả năng kháng lại collagenase- enzyme huỷ collagen. Chính điều này dẫn đến biểu hiện lâm sàng là cứng khớp. Hơn nữa, tăng đường huyết có thể dẫn đến tăng kích hoạt con đường polyol, dẫn đến tăng nước nội bào và phù tế bào.
Cuối cùng, bệnh mạch máu nhỏ cũng là giả thuyết trong sinh bệnh học của hiện tượng cứng khớp ngón tay. Giả thuyết này dựa trên sự hiện diện của các biến chứng mạch máu nhỏ khác (bệnh võng mạc, bệnh thận và bệnh lý thần kinh).
Đáng chú ý, bệnh vi mạch máu có thể dẫn đến tình trạng thiếu oxy mô, dẫn đến việc sản xuất các gốc tự do, do đó, dẫn đến việc sản xuất quá mức các yếu tố tăng trưởng và cytokine. Cuối cùng, dòng thác này có thể dẫn đến tăng sản tế bào quanh khớp, dẫn đến hiện tượng các khớp không còn mềm mại.
Điều trị cứng khớp ngón tay ở người bệnh đái tháo đường cho đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Vật lý trị liệu đóng vai trò cơ bản giúp cải thiện biên độ vận động ở bàn tay. Song song đó, nền tảng của mọi điều trị là vấn đề kiểm soát đường huyết tốt. Bởi lẽ tăng đường huyết sẽ làm nặng thêm tình trạng cứng khớp ngón tay.
Một số thuốc như sorbitol với cơ chế ức chế aldose reductase, Aminoguanidine ức chế liên kết ngang collagen đã giúp cải thiện triệu chứng cho người bệnh, nhưng vẫn chưa được khuyến cáo điều trị rộng rãi. Nên cho đến nay, vấn đề kiểm soát đường huyết vẫn được xem là rất quan trọng trong việc làm giảm khả năng và mức độ cứng khớp ngón tay.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.