Vảy nến thể giọt là một dạng vảy nến xuất hiện trên da dưới dạng các đốm đỏ, tím hoặc nâu, có vảy và hình dạng giọt nước. Nhiều người gặp phải tình trạng này khi còn nhỏ hoặc ở độ tuổi thanh niên, thường là sau một cơn nhiễm trùng. Các đốm ngứa thường sẽ tự biến mất mà không cần điều trị.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là vảy nến giọt không nghiêm trọng, vì khoảng một phần ba những người mắc bệnh này sẽ phát triển thành dạng vảy nến mạn tính hơn, một bệnh tự miễn khiến cơ thể tấn công chính các tế bào của mình.
Phân biệt vảy nến thể giọt và vảy nến thể mảng
Vảy nến thể giọt ít phổ biến hơn vảy nến thể mảng. Vảy nến thể mảng xuất hiện dưới dạng các mảng vảy lớn trên da. Các mảng này hình thành thành các mảng lớn; trong khi vảy nến thể giọt tạo ra các đốm đỏ hoặc hồng nhỏ, không phải lúc nào cũng có vảy. Các đốm này thường có da khỏe mạnh xung quanh.
Vảy nến thể mảng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, thường là từ 20 đến 30 tuổi hoặc 50 đến 60 tuổi; vảy nến thể giọt thì chủ yếu xuất hiện ở trẻ em và người trẻ dưới 30 tuổi. Nhiễm trùng do vi khuẩn như viêm họng do liên cầu thường gây ra vảy nến thể giọt, trong khi vảy nến thể mảng có thể xảy ra do nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm yếu tố di truyền.
Nếu bạn hoặc con bạn bị vảy nến thể giọt, các đốm này hay xuất hiện ở thân, tay hoặc chân. Vảy nến thể mảng thường xuất hiện ở khuỷu tay, đầu gối, da đầu, tai và lưng dưới. Vảy nến thể giọt không xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hay móng tay như các dạng vảy nến khác.
Triệu chứng của vẩy nến thể giọt
Các triệu chứng của vảy nến giọt bao gồm:
- Xuất hiện các đốm: Các đốm tròn hoặc hình giọt nước màu hồng hoặc đỏ sẽ xuất hiện trên làn da sáng màu, trong khi ở làn da tối màu thì chúng có thể xuất hiện dưới dạng đốm màu tím hoặc nâu. Các đốm này thường có kích thước từ 2 đến 10 mm. Bạn có thể thấy các vảy khô bong ra từ các đốm đỏ. Các đốm này thường xuất hiện ở tay, chân và khu vực thân.
- Các đốm trên da sẽ bị kích ứng và gây ngứa da.
Trong hầu hết các trường hợp, một đợt bùng phát vảy nến thể giọt kéo dài từ hai đến ba tuần.
Vảy nến thể giọt không lây lan từ người sang người. Tuy nhiên, các nhiễm trùng vi khuẩn có thể gây ra dạng vảy nến này lại có khả năng lây truyền cho người khác.
Các yếu tố gây bùng phát vảy nến giọt
Một đợt bùng phát thường bị kích hoạt bởi nhiễm trùng vi khuẩn — thường là liên cầu khuẩn (ở bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn). Nhiễm trùng sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch và gây ra phát ban trên da.
Trong một số trường hợp, vảy nến thể giọt cũng do di truyền.
Các yếu tố kích thích khác bao gồm:
- Nhiễm trùng đường hô hấp trên
- Nhiễm trùng xoang
- Cúm
- Viêm amidan
- Căng thẳng
- Vết cắt, bỏng hoặc vết cắn trên da
- Một số loại thuốc bạn đang dùng (thuốc chống sốt rét và thuốc chẹn beta)
- Rượu
- Cháy nắng
Các giai đoạn của vảy nến thể giọt
Có ba giai đoạn của vảy nến thể giọt, dựa trên đánh giá mức độ nghiêm trọng:
- Giai đoạn nhẹ: Chỉ có một vài đốm phủ khoảng 3% diện tích da.
- Giai đoạn vừa: Các tổn thương phủ khoảng 3%-10% diện tích da.
- Giai đoạn nặng: Các tổn thương phủ 10% hoặc nhiều hơn diện tích cơ thể và có thể phủ toàn bộ cơ thể.
Mức độ nghiêm trọng cũng được xác định dựa trên mức độ vảy nến ảnh hưởng đến cuộc sống và các hoạt động hàng ngày. Ví dụ, vảy nến ở mặt hoặc da đầu dù chỉ chiếm 2%-3% diện tích cơ thể tổng thể, nhưng có thể được phân loại là nặng vì gây ảnh hưởng đến ngoại hình và công việc. Vảy nến ở tay chỉ chiếm 2% diện tích cơ thể nhưng có thể ảnh hưởng đến công việc nếu người bệnh làm nghề sử dụng tay. Trong trường hợp này, bệnh sẽ được phân loại là vừa đến nặng.
Nguyên nhân gây vẩy nến thể giọt
Có hai nguyên nhân chính liên quan đến vảy nến:
- Nhiễm trùng vi khuẩn: Liên cầu khuẩn nhóm A, vi khuẩn gây viêm họng, thường là nguyên nhân chính dẫn đến vảy nến giọt.
- Di truyền: Vảy nến có liên quan chặt chẽ với ít nhất hai gen mà cộng đồng y tế đã biết đến. Nếu bạn có người thân mắc bất kỳ dạng vảy nến nào, đặc biệt là cha mẹ ruột, bạn có thể có nguy cơ mắc vảy nến cao hơn. Nếu cả hai cha mẹ đều mắc vảy nến, nguy cơ của bạn sẽ cao hơn nữa.
Mọi người có thể có nguy cơ mắc vảy nến giọt cao hơn nếu họ có bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp hoặc đang điều trị hóa trị. Hút thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ mắc vảy nến và làm bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Chẩn đoán bệnh vẩy nến thể giọt
Bác sĩ sẽ cần biết về tiền sử bệnh, đặc biệt là các loại thuốc người bệnh sử dụng. Chẩn đoán cũng bao gồm quan sát da, xét nghiệm, sinh thiết mẫu da, xét nghiệm máu hoặc cấy họng để kiểm tra vi khuẩn liên cầu.
Điều trị vẩy nến thể giọt
Có nhiều phương pháp điều trị vẩy nóng thể giọt. Người bệnh cần trao đổi với bác sĩ để tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất cho trường hợp của mình, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Vảy nến thể giọt mức nhẹ: Người bệnh có thể điều trị các trường hợp vảy nến giọt nhẹ với các biện pháp:
- Kem cortisone không kê đơn để giảm ngứa và sưng
- Dầu gội trị gàu cho da đầu
- Kem dưỡng chứa nhựa than đá để làm dịu da
- Kem dưỡng ẩm
- Thuốc kê đơn có chứa vitamin A
Vảy nến thể giọt mức vừa đến nặng: Bác sĩ có thể đề xuất các phương pháp điều trị sau cho vảy nến giọt nặng:
- Corticosteroid
- Thuốc sinh học như guselkumab (Tremfya) và ixekizumab (Taltz)
- Apremilast (Otezla)
- Deucravacitib (Sotyktu)
- Methotrexate
- Quang trị liệu: phương pháp chiếu ánh sáng tia cực tím lên da. Trong quá trình điều trị, người bệnh có thể được cho uống thuốc hỗ trợ da phản ứng nhanh hơn với ánh sáng.
Thuốc sinh học có hiệu quả đối với vảy nến mảng, nhưng chưa được nghiên cứu kỹ trong các trường hợp vảy nến thể giọt.
Vảy nến thể giọt không lây từ người sang người. Tuy nhiên, viêm họng liên cầu khuẩn và các nhiễm trùng đường hô hấp gây ra vảy nến thể giọt lại có thể lây truyền cho người khác.
Chung sống với bệnh vẩy nến thể giọt
Vảy nến thể giọt thường là tình trạng tạm thời và sẽ tự khỏi. Một số người có thể gặp vảy nến giọt nhiều lần, nhưng điều này không có nghĩa là bệnh sẽ chuyển thành vảy nến mảng mạn tính. Điều quan trọng là người bệnh cần hiểu rõ tình trạng cơ thể khi mắc bệnh vẩy nến, để có thể có các biện pháp cải thiện sức khỏe tinh thần, chất lượng cuộc sống và ngăn ngừa các đợt bùng phát.
Các triệu chứng của vảy nến có thể tái phát, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Vảy nến làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2, bệnh tim mạch, trầm cảm và viêm khớp vảy nến.
Biến chứng bệnh vẩy nến thể giọt: Ngoài nguy cơ phát triển các bệnh lý sức khỏe khác, vảy nến giọt cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và có thể làm thay đổi màu sắc da, khiến da trở nên tối hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Webmd