Những điều cần biết về bệnh vẩy nến mủ

Vẩy nến mủ là một bệnh da liễu gây ra các nốt mụn trắng đầy mủ ở gần hoặc trong những vùng da đỏ. Những nốt mủ gây đau, có vảy, bong tróc hoặc ngứa. Chúng thường xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, các ngón tay và ngón chân. Mặc dù các nốt mụn xuất hiện mủ nhưng đây không phải là một nhiễm trùng. Bệnh vẩy nến mủ cũng không lây truyền từ người này sang người khác.

Vẩy nến mủ thường gặp ở người lớn và có thể di truyền trong gia đình. Người bệnh thường mắc chỉ vẩy nến mủ, có trường hợp kèm theo một loại vẩy nến khác gọi là vẩy nến thể mảng.

Triệu chứng của vẩy nến mủ

Các triệu chứng của vẩy nến mủ bao gồm:

  • Nốt mụn trắng hoặc vàng đầy mủ
  • Các nốt gây đau
  • Viêm da
  • Da đỏ

Các loại vẩy nến mủ

Có nhiều loại vẩy nến mủ, được chia thành hai nhóm lớn: toàn thân hoặc cục bộ, tùy thuộc vào phạm vi ảnh hưởng và tốc độ xuất hiện của các mụn mủ. 

  • Vẩy nến mủ lòng bàn tay, bàn chân : Mụn mủ xuất hiện trên các vùng nhỏ của cơ thể, thường là lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân. Những mụn mủ này có thể chuyển sang màu nâu, bong ra hoặc đóng vảy. Da của bạn cũng có thể bị nứt. Loại vẩy nến này có thể tái phát và biến mất. Bạn có nguy cơ mắc phải loại này nếu hút thuốc.
  • Vảy nến mủ đầu chi (Viêm đầu chi liên tục của Hallopeau): Các tổn thương nhỏ và đau đớn sẽ xuất hiện trên đầu ngón tay hoặc ngón chân. Cơn đau khiến người bệnh gặp khó khăn khi sử dụng ngón tay hoặc ngón chân. Trong trường hợp hiếm, bệnh cũng gây tổn thương móng tay hoặc thậm chí là xương.
  • Vẩy nến mủ hình khuyên: Vẩy nến mủ sẽ có hình dạng vòng, có màu đỏ, có vảy và mủ ở các cạnh. Loại này không nghiêm trọng bằng các loại khác.
  • Chốc lở dạng herpes: Loại vẩy nến mủ này xảy ra trong thời kỳ mang thai và liên quan đến tình trạng thiếu canxi hoặc nhiễm trùng trong thai kỳ. Người bệnh sẽ có những nốt mụn đầy mủ kích thước bằng đầu ghim, tụ thành nhóm hoặc vòng quanh các mảng da đỏ. Chúng tạo thành các mảng vảy vàng khi khô lại. Loại này thường không xuất hiện trên mặt, tay hoặc chân, mà thường thấy trên da đầu hoặc cổ.
  • Vẩy nến mủ toàn thân hoặc vẩy nến von Zumbusch: Da bạn sẽ xuất hiện những mảng đỏ, đau và nhạy cảm trên diện rộng, và mụn mủ sẽ xuất hiện ngay sau đó. Dạng vẩy nến này thường rất ngứa, dễ kèm theo tình trạng mệt mỏi hoặc gặp các triệu chứng như:
    • Sốt
    • Ớn lạnh
    • Mất nước
    • Buồn nôn
    • Yếu cơ
    • Đau đầu
    • Đau khớp
    • Nhịp tim nhanh
    • Giảm cân

Đây là một bệnh hiếm gặp và nghiêm trọng. Hãy gặp bác sĩ ngay nếu bạn có các triệu chứng này. Nó có thể liên quan đến các bất thường di truyền.

Vẩy nến mủ có phải là phát ban toàn thân cấp tính?

Trước đây, bệnh phát ban toàn thân cấp tính được coi là một loại vẩy nến mủ, nhưng hiện nay các bác sĩ nhận ra nó là một bệnh lý khác có nhiều điểm tương đồng với vẩy nến mủ. Phát ban toàn thân cấp tính có các mụn mủ không bị nhiễm trùng, nhưng chúng xảy ra do một phản ứng da, không phải từ viêm toàn thân.

Loại vẩy nến mủ này xảy ra trong thời kỳ mang thai và liên quan đến tình trạng thiếu canxi hoặc nhiễm trùng trong thai kỳ
Loại vẩy nến mủ này xảy ra trong thời kỳ mang thai và liên quan đến tình trạng thiếu canxi hoặc nhiễm trùng trong thai kỳ

Nguyên nhân gây bệnh vẩy nến mủ

Vẩy nến là một bệnh tự miễn. Hệ miễn dịch con người đưa các tế bào bạch cầu chống lại bệnh tật trong cơ thể. Tuy nhiên khi mắc bệnh tự miễn, hệ miễn dịch lại tấn công nhầm các tế bào da khỏe mạnh. Nguy cơ gây bệnh cao do ngừng sử dụng steroid đột ngột, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách sản xuất một lượng lớn các hóa chất gây viêm (cytokines) khiến các tế bào bạch cầu tích tụ trong da. Cùng lúc đó, các tế bào da khác phát tán các yếu tố có thể làm cho mụn mủ xuất hiện.
Cả vẩy nến mủ và vẩy nến thể mảng mạn tính đều có mức độ cao của các chất miễn dịch interleukin - những yếu tố điều khiển phản ứng miễn dịch và viêm. Tuy nhiên, có sự khác biệt về các chất miễn dịch interleukin. Một đột biến hoặc thay đổi trong một trong hai gen đặc biệt (IL36RN hoặc CARD14) có thể làm bạn dễ mắc vẩy nến mủ hơn.

Những yếu tố kích thích vẩy nến mủ

Nguyên nhân chính xác của các đợt bùng phát vẩy nến mủ thường không rõ ràng. Tuy nhiên, một số yếu tố mang nguy cơ cao kích thích tình trạng này, bao gồm:

  • Loại thuốc sử dụng, bao gồm lithium, i-ốt, penicillin và interferon-alpha
  • Ngừng sử dụng steroid đột ngột
  • Nhiễm trùng do vi khuẩn Staph hoặc các nhiễm trùng da khác
  • Các yếu tố kích ứng da, như kem bôi ngoài da hoặc sản phẩm chăm sóc da mạnh
  • Tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời
  • Căng thẳng
  • Mang thai
  • Nhiễm trùng
  • Hormone
  • Mất cân bằng điện giải
  • Hạ canxi trong máu
  • Phản ứng với liệu pháp quang trị liệu
  • Các loại vắc xin như BCG hoặc H1N1

Chẩn đoán vẩy nến mủ

Bác sĩ sẽ kiểm tra toàn bộ da, cũng như kiểm tra màng nhầy và móng tay để tìm các dấu hiệu khác của vẩy nến. Chẩn đoán có thể sử dụng phương pháp sinh thiết xét nghiệm mấu da dưới kính hiển vi. Nếu bạn có đợt bùng phát nghiêm trọng, bác sĩ cần xét nghiệm máu để kiểm tra số lượng bạch cầu, kiểm tra chức năng gan và thận,...

Các xét nghiệm có thể được chỉ định như:

  • Xét nghiệm công thức máu (CBC)
  • Xét nghiệm điện giải đồ để kiểm tra mức canxi trong máu
  • Xét nghiệm chức năng gan
  • Xét nghiệm thai kỳ
  • Sinh thiết da
  • Cấy vi khuẩn da

Cần loại trừ các bệnh lý khác bao gồm:

  • Viêm da nhiễm khuẩn
  • Phản ứng dị ứng thuốc
  • Pemphigus, pemphigus lá
  • Nhiễm trùng bọng nước
  • Viêm da dạng herpes
  • Eczema bị nhiễm trùng
  • Erythroderma (đỏ da toàn thân)
  • Lupus da cấp tính
  • Eczema móng tay
  • Nhiễm Virus Herpes simplex (HSV)
Căng thẳng là yếu tố mang nguy cơ cao kích thích tình trạng vẩy nến mủ
Căng thẳng là yếu tố mang nguy cơ cao kích thích tình trạng vẩy nến mủ

Điều trị vẩy nến mủ

Mục tiêu của điều trị là giảm triệu chứng và kiểm soát các đợt bùng phát. Các phương pháp điều trị phụ thuộc vào loại vẩy nến mủ và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

  • Đợt bùng phát nhỏ, cục bộ: Điều trị ban đầu thường được chỉ định sử dụng kem steroid bôi ngoài da để điều trị các vết loét. Kem chứa nhựa than đá hoặc axit salicylic giúp làm dịu làn da bị vảy. Vitamin D tổng hợp có thể làm giảm viêm.
  • Đợt bùng phát vẩy nến thể mủ trong thai và mục mủ đầu chi có thể khó chữa: Bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng phương pháp quang trị liệu.

Các thuốc uống như cyclosporine hoặc methotrexate hỗ trợ làm dịu hệ thống miễn dịch. Acitretin (Soriatane) là một loại thuốc khác có thể làm chậm quá trình phát triển của vẩy nến. Đây là một loại retinoid, một dạng tổng hợp của vitamin A.

Tất cả các loại thuốc này đều có thể có tác dụng phụ, vì vậy người dùng có thể cần thay đổi phương pháp điều trị theo thời gian.

Hút thuốc làm cho vẩy nến khó điều trị hơn. Người bệnh nên tích cực giảm căng thẳng với các biện pháp như tập thể dục, yoga, thái cực quyền hoặc thiền định.

  • Đợt bùng phát rộng: Cần đi khám ngay nếu vẩy nến mủ lây ra toàn thân hoặc bạn bị vẩy nến von Zumbusch. Người bệnj sẽ cần được truyền dịch cùng với các phương pháp điều trị để ngăn ngừa nhiễm trùng, giảm sốt và làm dịu làn da viêm, nứt nẻ..

Quá trình điều trị có thể bao gồm tiêm kháng thể spesolimab-sbzo (Spevigo) giúp ngừng tín hiệu trong hệ thống miễn dịch để ngừng đợt bùng phát; sử dụng acitretin, cyclosporine, methotrexate, steroid hoặc các loại thuốc sinh học để kiểm soát đợt bùng phát. Đôi khi một phương pháp điều trị đơn lẻ không đủ hiệu quả và cần kết hợp nhiều phương pháp điều trị với nhau.

Cách tránh sẹo do vẩy nến mủ

Vẩy nến không gây sẹo, nhưng gãi mạnh các vùng da bị ngứa dễ gây tổn thương và để lại sẹo. Do đó, người bệnh cần tránh gãi, duy trì tình trạng bệnh được kiểm soát tốt. Hãy trao đổi với bác sĩ để có biện pháp phòng ngừa sẹo tốt nhất.

Sống chung với vẩy nến mủ

Tình trạng xuất hiện vẩy nến mủ gây đau đớn và sự tự ti cho người bệnh. Hơn thế nữa, người bệnh không thể biết trước được khi nào bệnh vẩy nến bùng phát, dẫn đến tâm trạng lo âu. Một số cách có thể giúp người bệnh cải thiện tình trạng, bao gồm: 

  • Giảm thiểu căng thẳng
  • Sử dụng kem chống côn trùng và kem chống nắng để bảo vệ da khỏi bị tổn thương.
  • Hạn chế rượu vì rượu có thể làm giảm hiệu quả của thuốc điều trị vẩy nến.
  • Không hút thuốc và tránh xa khói thuốc.
  • Không tắm quá lâu, sử dụng nước ấm và bôi ngay kem dưỡng ẩm không mùi.
  • Cẩn thận khi cạo râu.
  • Tuân thủ đơn thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Webmd

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe