Bệnh vảy nến là một bệnh da tự miễn, ngoài những biểu hiện trên da như đỏ da, tróc vảy, da có mủ....thì người bệnh còn cảm thấy vô cùng khó chịu, ngứa ngáy, mất thẩm mỹ, thậm chí nhiều bệnh nhân còn cảm thấy tự ti, cô lập khi bị người khác kỳ thị. Bệnh rất khó để điều trị. Nếu bệnh nhân không có phương pháp kiểm soát và điều trị bệnh kịp thời, những người mắc bệnh vảy nến rất dễ bị tái phát nhiều lần
1. Bệnh vảy nến là gì?
Bệnh vẩy nến thường được gọi là "bệnh qua trung gian tế bào T". Tế bào T là một loại tế bào hệ thống miễn dịch (tế bào bạch cầu) được chứng minh đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình nội khoa của bệnh vẩy nến. Các tế bào T lưu thông tự nhiên khắp cơ thể để tìm kiếm các chất lạ. Các chất lạ này, được gọi là kháng nguyên, chúng thường là những kẻ tấn công cơ thể từ bên ngoài như vi khuẩn hoặc virus, kích hoạt tế bào T, sau đó bắt đầu phản ứng miễn dịch để vô hiệu hóa kháng nguyên.
Đối với bệnh vẩy nến, các tế bào T là yếu tố được kích hoạt cuối cùng trong da. Hiện vẫn chưa lý giả được tại sao điều này xảy ra, nhưng nó có thể liên quan trực tiếp đến tính di truyền ở những người mắc bệnh vẩy nến.
Nếu các tế bào T không được tác động, phản ứng miễn dịch và chu kỳ của bệnh vẩy nến không bao giờ diễn ra. Nếu tế bào T được kích hoạt, phản ứng miễn dịch của cơ thể bắt đầu diễn ra dẫn đến sự phát triển của các tổn thương da. Một phần trong phản ứng này bao gồm việc tạo ra các Cytokine. Cytokine là protein mà hệ thống miễn dịch sử dụng để truyền đạt thông tin. Với những bệnh nhân mắc bệnh vẩy nến, cytokine bảo các tế bào da được sản sinh ra và trưởng thành với tốc độ nhanh.
Kết quả cuối cùng là một chu kỳ của các tế bào da phát triển quá nhanh, tăng tốc độ sản sinh tế bào da trên cơ thể. Những tế bào này nhanh chóng di chuyển lên bề mặt da và chồng chất lên nhau tạo thành các màu da màu trắng đục, hay còn được gọi là da chết. Lớp trên cùng, hoặc lớp biểu bì của da dày lên, các mạch máu mở rộng và nhân lên, và lưu lượng máu đến da tăng lên. Hệ miễn dịch sẽ tấn công các tế bào khỏe mạnh. Bạn sẽ mắc phải bệnh vảy nến khi làn da không có sự cân bằng giữa việc sản sinh các tế bào với tiêu hủy các tế bào mới.
Theo thống kê, hiện số lượng bệnh nhân mắc bệnh vảy nến tại Việt Nam chiếm 5-7% trong số những người mắc bệnh da liễu. Số người mắc bệnh sẽ có tỉ lệ khác nhau tùy thuộc vào điều kiện sống và khu vực khác nhau. Bệnh vảy nến thường tiến triển thành nhiều đợt. Hiện tại, bệnh vảy nến vẫn chưa có thuốc để điều trị, tuy nhiên người bệnh có thể kiểm soát được căn bệnh này bằng chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày.
Bất kể mọi đối tượng đều có thể nguy cơ mắc bệnh vảy nến. Tuy nhiên, thường độ tuổi mắc bệnh phổ biến trong khoảng từ 20 đến 50 tuổi, và trẻ nhỏ dưới 10 tuổi. Bệnh vảy nến tuy không lây, không gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nhưng lại rất khó chịu, khó chữa trị dứt điểm.
2. Triệu chứng của bệnh vảy nến
Người mắc bệnh vảy nến thường cảm thấy rất ngứa, vô cùng khó chịu, da bóc vảy...Tình trạng này có thể xuất hiện ở bất cứ khu vực nào trên cơ thể, tuy nhiên thường sẽ xảy ra ở đầu gối, khuỷu tay, bàn tay, bàn chân, da đầu, lưng hoặc rốn.
Bạn cũng có thể bị rỗ ở móng tay và móng chân. Điều này chỉ xảy ra với khoảng một nửa số người mắc bệnh vảy nến. Khoảng 30% bệnh nhân mắc vảy nến có thể bị viêm khớp vảy nến gây đau, sưng và cứng khớp.
Tác động của bệnh vảy nến đối với từng người bệnh sẽ có sự khác nhau tùy thuộc vào sức khỏe của từng đối tượng. Các triệu chứng của bệnh ở người này có thể nghiêm trọng hơn so với người bệnh khác. Có lẽ bởi vì đây là vấn đề về hệ miễn dịch của từng đối tượng. Bệnh vảy nến có liên quan đến yếu tố di truyền.
Triệu chứng bệnh vẩy nến sẽ thay đổi theo thời gian. Đôi lúc, bệnh xuất hiện kèm theo các triệu chứng nhẹ, ít ảnh hưởng đến người bệnh, có lúc các triệu chứng này lại trở nên vô cùng nghiêm trọng. Một số yếu tố, chẳng hạn như thời tiết hanh khô hoặc căng thẳng, có thể khiến bệnh bùng phát.
3. Bệnh vảy nến có nguy hiểm không?
Bệnh vảy nến mặc dù hiếm khi gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng, có thể khiến người bệnh gặp nguy hiểm. Bạn cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa nếu tình trạng vảy nến bao phủ lấy phần lớn cơ thể bạn hoặc cơ thể bạn có dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như sốt cao.
4. Bệnh vảy nến ảnh hưởng đến hệ miễn dịch như thế nào?
Nếu bạn bị bệnh vẩy nến, một loại tế bào bạch cầu, tế bào B, tạo ra các kháng thể phá hủy các tế bào da bình thường. Trong khi đó, một loại tế bào khác, tế bào T tạo ra quá nhiều protein gọi là cytokine. Điều này gây ra sự ảnh hưởng đến sự phát triển của các tế bào da. Thông thường, các tế bào da tồn tại khoảng một tháng, sau đó chúng chết đi, bong ra và được thay thế bởi những tế bào mới. Nếu bạn bị bệnh vẩy nến, sự thay đổi tế bào này xảy ra trong vài ngày thay vì vài tuần. Các lớp da tích tụ và có nhiều máu chảy đến khu vực này, dẫn đến đỏ và sưng.
Bình thường, hệ miễn dịch sẽ hoạt động bảo vệ cơ thể chống lại những kẻ tấn công bằng cách tiêu diệt vi khuẩn, vi rút và các loại protein ngoại lai khác. Đối với những người bị bệnh vảy nến, hệ thống miễn dịch hoạt động không bình thường và gây ra tình trạng viêm, sự sản sinh nhanh chóng của các tế bào da.
Mục tiêu của điều trị là ngăn chặn hoặc thay đổi phản ứng của cơ thể bằng cách tập trung vào các tế bào miễn dịch rất đặc hiệu, do đó tránh được các tác động lan rộng trên phần còn lại của cơ thể.
Ví dụ, methotrexate (một loại thuốc toàn thân theo toa dùng để điều trị bệnh vẩy nến) liên kết với một loại enzyme liên quan đến sự phát triển nhanh chóng của các tế bào được kích hoạt bởi phản ứng của hệ miễn dịch của những bệnh nhân mắc bệnh vẩy nến. Nhưng methotrexate cũng ảnh hưởng đến các hệ thống khác trong cơ thể. Các loại thuốc mới, được gọi là thuốc sinh học, đã được nghiên cứu để nhắm mục đích điều trị các giai đoạn rất cụ thể bởi phản ứng của hệ miễn dịch.
5. Chẩn đoán bệnh vảy nến
Để chẩn đoán bệnh vảy nến, thông thường các bác sĩ chuyên khoa sẽ kiểm tra tình trạng da của bạn. Tuy nhiên, bệnh vảy nến có thể trông giống như bệnh chàm và các bệnh ngoài da khác. Vì vậy, việc chẩn đoán bệnh vảy nến còn gặp nhiều khó khăn.
Nếu không chắc chắn liệu bạn có bị bệnh vẩy nến hay không, bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện sinh thiết. Bác sĩ sẽ loại bỏ một mẫu da nhỏ của bạn và quan sát dưới kính hiển vi. Nếu bạn xuất hiện các triệu chứng viêm khớp vẩy nến, chẳng hạn như sưng và đau khớp, bác sĩ có thể tiến hành xét nghiệm máu và chụp X-quang để loại trừ các dạng viêm khớp khác.
6. Cách kiểm soát bệnh vảy nến
Càng hiểu rõ về tình trạng của bản thân, bạn sẽ kiểm soát tốt những tác động do bệnh vảy nến gây ra. Dưới đây là một số cách giúp bạn kiểm soát tốt bệnh vảy nến.
- Thường xuyên thăm khám
Bạn cần cố gắng để bệnh vảy nến không ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc cũng như sự tự tin của bản thân. Bạn hoàn toàn có thể làm bất cứ điều gì mà người khác có thể làm. Nếu bạn cảm thấy tâm trạng không được tốt, bạn nên nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn.
Bạn cần được thăm khám thường xuyên bởi bác sĩ chuyên khoa và nhận được sự hỗ trợ từ phía gia đình, bạn bè.
Khi bạn bị bệnh vẩy nến, điều quan trọng là làm theo lời khuyên của bác sĩ. Song, bạn có thể tự mình làm rất nhiều việc để giúp kiểm soát và ngăn ngừa bùng phát.
- Giữ ẩm da
Các triệu chứng của bệnh sẽ trở nên tồi tệ hơn khi da bạn khô, vì vậy hãy giữ ẩm làn da bằng cách sử dụng kem dưỡng da. Những người có làn da nhờn thường sẽ ít bị ảnh hưởng hơn bởi da nhờn hoạt động tốt hơn trong việc giữ độ ẩm bên dưới da. Để giúp loại bỏ vảy, trước hết bạn cần bôi kem dưỡng, sau đó phủ lên khu vực bằng bọc nhựa hoặc vật liệu chống thấm khác. Giữ nguyên như vậy trong một vài giờ, sau đó rửa sạch mặt.
Bạn cần phải cẩn thận với làn da của mình. Không chà xát mạnh tại các vị trí có vảy bởi điều này có thể khiến cho bệnh vảy nến càng trở nên tồi tệ hơn. Ngoài ra, cần thận trọng khi cắt tỉa móng tay, nếu bạn tự cắt, điều này cũng có thể khiến cho các dấu hiệu của bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Với những bệnh nhân mắc bệnh vảy nến ở da đầu, nên sử dụng những loại dầu gội đầu chứa thành phần nhựa than hoặc sử dụng dung dịch nhựa than để tắm cũng giúp kiểm soát tốt tình trạng ngứa, bong vảy...
Bên cạnh đó, khí hậu gây ảnh hưởng rất lớn đến những người mắc bệnh vẩy nến. Đối với một số trường hợp, thời tiết lạnh, khô làm cho các triệu chứng của bệnh tồi tệ hơn. Tác động của bệnh sẽ giảm đi khi vào thời tiết nóng, nhưng không phải lúc nào cũng vậy.
Điều quan trọng nhất bạn cần lưu ý chính là giữ cho làn da luôn ẩm. Bật máy tạo độ ẩm khi thời tiết hanh khô.
- Lưu ý khi sử dụng thuốc
Một số loại thuốc mà bạn sử dụng cũng khiến cho bệnh vẩy nến tồi tệ hơn bao gồm:
- Lithium: Được sử dụng để điều trị rối loạn tâm thần.
- Propranolol và có thể các thuốc chẹn beta khác, được kê đơn cho những bệnh nhân mắc bệnh tim
- Quinidine (Cardioquin hoặc Quinidex): Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim
Nếu bạn sử dụng bất kỳ loại thuốc nào trong số này, hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu có thể thay đổi bằng cách sử dụng loại thuốc khác.
- Tránh va đập và chấn thương ở da
Một trong những điều quan trọng đối với những người mắc bệnh vảy nến chính là tránh va đập và chấn thương ở da. Tình trạng tổn thương ở da có thể gây ra hiện tượng Koebner. Da bị nhiễm trùng cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng này, đặc biệt là khi bạn cạo râu, cần hết sức cẩn thận. Tránh châm cứu, xăm mình và cố gắng không để bị côn trùng cắn.
- Tránh lo lắng, căng thẳng
Các chuyên gia cho rằng có mối liên hệ giữa bệnh vảy nến và căng thẳng. Vì vậy, hãy cố gắng để tinh thần luôn được thoải mái. Điều đó tuy có thể khó thực hiện, nhưng bạn có thể thử áp dụng các kỹ thuật thư giãn như thiền hoặc yoga, cho người mới bắt đầu.
- Không nên sử dụng rượu
Một số ý kiến cho rằng rượu có thể làm các dấu hiệu của bệnh vảy nến trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt ở nam giới. Rượu có thể nguy hiểm nếu bạn đang sử dụng một số loại thuốc trị vẩy nến, vì vậy hãy tham khảo ý kiến với bác sĩ điều trị.
- Chế độ ăn uống lành mạnh
Các chuyên gia khuyên rằng những người mắc bệnh vảy nến nên áp dụng chế độ ăn uống cân bằng gồm nhiều trái cây và rau quả. Một số người nói rằng các triệu chứng của bệnh được cải thiện khi họ loại bỏ sữa hoặc gluten trong chế độ ăn uống hàng ngày. Tập thể dục cũng có thể hữu ích. Một số nghiên cứu cho thấy trọng lượng cơ thể dư thừa có thể là yếu tố khiến bệnh trở nên tồi tệ hơn, vì vậy hãy giữ cân nặng ở mức hợp lý.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com, psoriasis.org
XEM THÊM