Vảy nến thể mủ có nguy hiểm? Chẩn đoán và điều trị thế nào?

Vẩy nến thể mủ là tình trạng các mụn mủ không nhiễm trùng xuất hiện trên mảng da đỏ. Mụn mủ bao gồm các tế bào bạch cầu, đây không phải là một bệnh nhiễm trùng, cũng không phải là bệnh truyền nhiễm.

1. Bệnh vẩy nến mủ

Bệnh vẩy nến là tình trạng da xuất hiện các mảng da đỏ và có vảy. Bệnh vẩy nến có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên cơ thể, nhưng thường được tìm thấy ở quanh đầu gối và khuỷu tay. Tình trạng này xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng độ tuổi trung bình mắc bệnh này là từ 15 tuổi đến 35 tuổi. Bệnh thường ít gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi.

Bệnh vẩy nến có thể xuất hiện ở các dạng khác nhau. Một trong những loại bệnh vẩy nến là bệnh vẩy nến mủ tạo ra mụn mủ không nhiễm trùng. Bệnh vẩy nến thể mủ có những những mụn mủ gần hoặc bên trong các đốm da đỏ.

Bệnh vẩy nến mủ có thể xảy ra kết hợp với các dạng bệnh vẩy nến khác như bệnh vẩy nến thể mảng bám. Nó có thể bùng phát ở những khu vực đơn lẻ như tay, chân, nhưng hiếm khi xuất hiện trên khuôn mặt.

Bệnh vẩy nến thể mủ thường bắt đầu với một vùng da mềm và đỏ. Trong vòng vài giờ, các mụn nước lớn ở dạng mủ không nhiễm trùng. Cuối cùng, những mụn nước này chuyển sang màu nâu. Sau khi chúng bong ra, da trở nên sáng bóng hoặc có vảy.


Vảy nến mủ có thể kết hợp với các dạng vảy nến thể mảng bám
Vảy nến mủ có thể kết hợp với các dạng vảy nến thể mảng bám

Các loại bệnh vẩy nến mủ

  • Bệnh vẩy nến Von Zumbusch có thể xuất hiện đột ngột trên da. Đặc trưng của bệnh vẩy nến Von Zumbusch là xuất hiện các vùng da bị đỏ ở diện rộng, gây đau đớn. Trong vài giờ, các mụn mủ xuất hiện. Trong vòng 24 đến 48 giờ tiếp theo, mụn mủ khô lại, để lại làn da sáng bóng và mịn màng. Trẻ em hiếm khi phát triển bệnh vẩy nến Von Zumbusch. Những người bị bệnh vẩy nến Von Zumbusch thường phải nhập viện để bù nước và bắt đầu điều trị tại chỗ và toàn thân. Các triệu chứng của bệnh thường gặp như: sốt, ớn lạnh, ngứa dữ dội, mất nước, nhịp tim nhanh, kiệt sức, thiếu máu, sụt cân và yếu cơ.
  • Mụn mủ ở lòng bàn tay - bàn chân: gây ra mụn mủ ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Mụn mủ ban đầu xuất hiện trong một mô hình đính trên đỉnh các mảng đỏ của da, nhưng sau đó chuyển sang màu nâu, bong tróc và trở nên giòn. Bệnh này thường theo chu kỳ với các loại mụn mủ mới theo sau là thời gian hoạt động thấp. Những người thường xuyên hút thuốc tăng nguy cơ mắc bệnh này.
  • Acropustulosis là một loại bệnh vẩy nến hiếm gặp đặc trưng bởi các tổn thương da ở đầu ngón tay, ngón chân. Cơn đau có thể khiến người bệnh khó sử dụng ngón tay hoặc ngón chân. Trong một số ít trường hợp, nó có thể gây tổn thương móng hoặc thậm chí là xương.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh vẩy nến thể mủ như:

  • Một số loại thuốc
  • Tiếp xúc quá nhiều với tia UV
  • Thai kỳ
  • Nhiễm trùng
  • Căng thẳng

Tiếp xúc quá nhiều với tia UV cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Tiếp xúc quá nhiều với tia UV cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh

2. Chẩn đoán

Bệnh vẩy nến mủ không phải là phát ban da điển hình. Người bệnh nên đến gặp bác sĩ để nhận được phương pháp điều trị tốt nhất nếu bị phát ban, phồng rộp, vết thương hở không cải thiện hoặc xấu đi.

Dựa trên các triệu chứng bệnh nhân gặp phải cũng như tiền sử bệnh, tiền sử gia đình về bệnh vẩy nến, bác sĩ da liễu có thể chẩn đoán bệnh. Ngoài ra, người bệnh có thể cần làm thêm một số xét nghiệm để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh như:

  • Sinh thiết: Bác sĩ da liễu sẽ lấy một mẫu nhỏ da bị viêm để dưới kính hiển vi
  • Xét nghiệm máu: để tìm dấu hiệu của số lượng tế bào bạch cầu, tình trạng thận và gan, mức độ chất điện giải, canxi, ...
  • Đôi khi, các bác sĩ sẽ kiểm tra một mẫu mụn mủ để chẩn đoán tình trạng.

3. Điều trị

Để điều trị hiệu quả bệnh vẩy nến thể mủ, các bác sĩ sẽ dựa vào loại bệnh vẩy nến mủ bạn gặp phải. Các phương pháp điều trị cho các loại bệnh vẩy nến mủ bao gồm:

  • Bệnh vẩy nến Acropustulosis: Mục tiêu của điều trị là ngăn ngừa nhiễm trùng, mất chất lỏng, ổn định nhiệt độ của cơ thể và khôi phục cân bằng hóa học của da. Các loại thuốc thường được bác sĩ kê đơn: Acitretin, cyclosporine, methotrexate, PUVA đường uống (thuốc nhạy cảm với ánh sáng psoralen cộng với tia cực tím A) và thuốc chẹn TNF-alpha như Infliximab.
  • Mụn mủ ở lòng bàn tay - bàn chân: Chỉ định điều trị tại chỗ là bước đầu tiên điều trị mụn mủ ở lòng bàn tay - bàn chân. Bác sĩ có thể kê toa PUVA, tia cực tím B (UVB), acitretin, methotrexate hoặc cyclosporine.

Tùy loại bệnh vảy nến mủ mà bác sĩ sẽ kê toa thuốc điều trị phù hợp
Tùy loại bệnh vảy nến mủ mà bác sĩ sẽ kê toa thuốc điều trị phù hợp

  • Bệnh vẩy nến Von Zumbusch: Phương pháp điều trị bệnh bao gồm kháng sinh, bù nước và kem bôi. Các loại thuốc điều trị thường bao gồm acitretin, cyclosporine hoặc methotrexate. Một số bác sĩ có thể kê toa thuốc steroid cho những người không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác hoặc đã bị bệnh nặng. Nhưng việc sử dụng các loại thuốc này gây tranh cãi vì việc sử dụng steroid đột ngột có thể kích hoạt bệnh vẩy nến mụn mủ Von Zumbusch.

Bác sĩ có thể thử phương pháp điều trị liệu pháp quang, nghĩa là sử dụng tia cực tím trên vùng da bị viêm. Không có gì lạ khi các bác sĩ kết hợp hoặc xoay vòng các phương pháp điều trị bệnh vẩy nến mủ do tác dụng phụ tiềm tàng của thuốc toàn thân và liệu pháp quang.

Bài viết tham khảo nguồn: psoriasis.org, webmd.com, healthline.com

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe