Khớp vai là khớp duy nhất trong cơ thể được giữ vững chắc hoàn toàn thông qua các cấu trúc phần mềm như cơ, gân, dây chằng vai. Trong số đó, dây chằng cùng quạ đóng vai trò khá quan trọng trong việc giữ vững khớp vai bằng cả cơ chế động và tĩnh. Ngoài ra, dây chằng cùng quạ đóng vai trò trong cơ chế gây nên hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai và rách chóp xoay.
1. Vai trò của dây chằng cùng quạ
Dây chằng cùng quạ là một trong những dây chằng vai, bên cạnh dây chằng cùng đòn, dây chằng quạ đòn và dây chằng quạ cánh tay. Đúng như tên gọi, dây chằng cùng quạ liên kết mỏm cùng vai với mỏm quạ xương vai. Vị trí nằm ở phía trước trên của khớp vai nên vai trò đầu tiên là ngăn không cho chỏm xương cánh tay trật ra khỏi vị trí giải phẫu một cách thụ động. Đây được xem là cơ chế giữ vững khớp vai "tĩnh".
Dây chằng cùng quạ tham gia vào dẫn truyền lực tác động từ các nhóm cơ (như cơ quạ cánh tay, cơ ngực nhỏ hay cơ nhị đầu cánh tay) lên mỏm quạ, đến mỏm cùng vai và cuối cùng là xương bả vai. Ở chiều ngược lại, các lực tác động lên xương bả vai của cơ delta và cơ thang cũng điều chỉnh, dẫn truyền qua dây chằng cùng quạ xuống mỏm quạ.
Dây chằng cùng quạ là một thành phần tham gia vào quá trình kết nối động của đai vai (gồm xương bả vai và xương đòn) và có khả năng giữ vững khớp vai theo cơ chế “động”. Cấu tạo mô học của dây chằng cùng quạ bao gồm rất nhiều thụ thể cơ học như:
- Thụ thể Pacini: Có vai trò cảm nhận động tác nâng khớp vai lên;
- Thụ thể Ruffini và Golgi: Đóng vai trò cung cấp các đặc điểm về vị trí động trong không gian và góc của chuyển động xoay vai;
- Các thông tin do các thụ thể cơ học này thu nhận sẽ phản hồi ngược để cơ thể tự điều chỉnh hoạt động các nhóm cơ, từ đó đảm bảo sự ổn định khi khớp vai vận động.
Bên cạnh đó, dây chằng cùng quạ được xem là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau khi chóp xoay cọ xát với cung cùng quạ (cung cùng quạ gồm có: mỏm cùng vai, dây chằng cùng quạ, mỏm quạ). Một hội chứng kinh điển miêu tả tình trạng này được gọi là hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng (hay External Impingement Syndrome).
Trong quá trình vận động khớp vai, sự tiếp xúc giữa chóp xoáy và cung cùng quạ được coi là một hiện tượng sinh lý. Tuy nhiên, sự tiếp xúc này lặp đi lặp lại có thể dẫn đến tổn thương, gây thoái hoá cho cả chóp xoay và cung cùng quạ.
Trong một nghiên cứu đáng tin cậy khi so sánh giữa những bệnh nhân rách chóp xoay và nhóm chứng, các nhà nghiên cứu ghi nhận có mối liên quan giữa tổn thương rách chóp xoay với các thay đổi hình thái ở những bó collagen của dây chằng cùng quạ. Khi các bó collagen thay đổi hình thái dẫn đến tình trạng dây chằng cùng quạ mất đi sự đàn hồi, từ đó làm gia tăng áp lực khi dây chằng cùng quạ tiếp xúc với chóp xoay và cuối cùng dẫn đến các tổn thương, thoái hoá.
Một nghiên cứu khác đã khảo sát hình thái dây chằng cùng quạ chứng minh rằng hình thái hơi cong và lồi ra trước của dây chằng vai này gặp nhiều hơn ở những bệnh nhân có dấu hiệu hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai.
Những thay đổi cấu trúc, hình thái của các bó collagen trong dây chằng cùng quạ được cho là có liên quan đến hiện tượng xuất hiện các chồi xương trong dây chằng vai, trong đó vị trí hay gặp ở 2 đầu bám tận và đặc biệt nhất là phía mỏm cùng vai. Những thay đổi hình thái collagen của dây chằng cùng quạ thường xảy ra ở các bó phía ngoài hơn là phía trong.
2. Thoái hóa dây chằng cùng quạ
Thoái hóa dây chằng cùng quạ là một trong những thoái hóa xương khớp liên quan đến khớp vai. Thoái hóa dây chằng cùng quạ được phân thành 4 mức độ thông qua phương pháp nội soi, bao gồm:
- Độ 0: Dây chằng cùng quạ bình thường;
- Độ 1: Sờn nhẹ bề mặt dây chằng cùng quạ;
- Độ 2: Bề mặt dây chằng vai này sờn nhiều hơn;
- Độ 3: Có các chồi xương trong dây chằng cùng quạ.
Một số nghiên cứu cho kết quả, thoái hóa dây chằng cùng quạ độ 1 và 2 có mối liên quan chặt chẽ với hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai, do đó đề xuất khi điều trị nên hạ 1 phần dây chằng cùng quạ trong quá trình tạo hình khoang dưới mỏm cùng vai qua nội soi.
Tuy nhiên một số nhà nghiên cứu khác chưa đồng ý việc này, theo họ hạ một phần dây chằng cùng quạ vô tình làm giảm cơ chế "tĩnh" khi giữ vững khớp vai, giảm khả năng ngăn chặn chỏm xương cánh tay trượt lên trên.
Tác giả Budoff nhấn mạnh kết quả nghiên cứu của mình khi chứng minh những người bệnh khi tạo hình khoang dưới mỏm cùng vai và có hạ dây chằng cùng quạ sẽ gia tăng khoảng 25-30% áp lực lên chóp xoay trong quá trình giữ ổn định khớp vai. Các tranh luận khoa học diễn ra đa số đều liên quan đến biện pháp điều trị hội chứng hẹp khoang có cần hạ dây chằng cùng quạ hay không.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây cho kết quả khả quan khi chỉ hạ bán phần dây chằng cùng quạ trong khi tạo hình khoang dưới mỏm cùng vai ở người bệnh không khâu chóp xoay. Ở những bệnh nhân này khi được theo dõi trong thời gian dài vẫn không xảy ra các biến chứng liên quan. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy có thể tái tạo dây chằng cùng quạ sau vài năm hạ điểm bám.
3. Dây chằng cùng quạ - một thành phần quan trọng
Dây chằng cùng quạ là một thành phần quan trọng cấu tạo nên cung cùng quạ, góp phần vào sự chuyển động và giữ vững chắc cho khớp vai. Dây chằng cùng quạ vừa tham gia cơ chế "tĩnh", ngăn không cho chỏm xương cánh tay dịch chuyển lên trên và phân phối lực tác động giữa các thành phần đai vai (gồm xương bả vai, mỏm cùng, mỏm quạ và xương đòn). Dây chằng cùng quạ còn đóng vai trò trong cơ chế giữ vững khớp vai “động”.
Những thay đổi thoái hóa theo tuổi và theo cấp độ tế bào khiến dây chằng cùng quạ dày lên và cứng hơn, giảm độ đàn hồi. Chính tình trạng này đóng vai trò then chốt trong cơ chế bệnh sinh của hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai và bệnh lý của chóp xoay.
Giải phóng và hạ dây chằng cùng quạ trong khi tạo hình mỏm cùng vai vẫn còn nhiều tranh cãi, tuy nhiên việc hạ bán phần dây chằng cùng quạ đã mang lại một số kết quả tích cực, giảm thời gian theo dõi và hạn chế xảy ra các biến chứng sau điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.