Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thắng - Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) là kỹ thuật nội soi tá tràng dưới màn tăng sáng X quang để chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý đường mật và tụy tạng. Kỹ thuật được tiến hành đưa catheter vào đường mật hoặc đường tụy qua máy nội soi tá tràng, qua đó bơm thuốc cản quang vào đường mật hoặc đường tụy với mục đích chẩn đoán và điều trị bệnh lý đường mật và bệnh lý tuyến tụy. Phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng được áp dụng tại nhiều bệnh viện lớn trong đó có bệnh viện Vinmec. Vậy ưu điểm của nội soi mật tụy ngược dòng tại Vinmec là gì?
1. Nội soi mật tụy ngược dòng là gì?
Kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng ERCP được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa hoặc bác sĩ phẫu thuật - là những người được đào tạo chuyên khoa về kỹ thuật này. Ống soi là một ống dài, mềm, đầu có gắn đèn và camera. Do thủ thuật có an thần hoặc gây mê toàn thân nên bệnh nhân sẽ được bác sĩ gây mê tư vấn trước thủ thuật.
Kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng là ống soi được được đưa vào miệng, đi qua thực quản, dạ dày, rồi đến nơi ống mật đổ vào tá tràng; đây gọi là nhú tá tràng. Một ống thông bằng nhựa (mỏng) được luồn vào trong ống soi để đi đến đầu ống rồi sau đó đưa vào nhú tá tràng và ống dẫn mật. Tiếp theo, bác sĩ sẽ tiêm chất cản quang vào ống dẫn mật và tiến hành chụp X-quang. Bằng cách khảo sát ống dẫn mật theo cách này, các hình ảnh tắc nghẽn, sỏi mật, khối u, hoặc các bất thường của ống dẫn đều có thể được phát hiện.
Nếu phát hiện bất thường, bác sĩ có thể thực hiện các kỹ thuật để can thiệp điều trị hoặc cải thiện tình trạng bệnh. Ví dụ, nếu phát hiện có sỏi, bác sĩ có thể nong hoặc cắt rộng nhú tá tràng để lấy sỏi ra khỏi ống dẫn mật bằng dây dẫn. Nhú có cơ vòng thường được cắt bằng dao đốt (có dòng điện) trong quá trình thủ thuật (cắt cơ vòng), giúp ống dẫn mật được dẫn lưu tốt hơn. Nếu có tình trạng hẹp ống mật, bác sĩ sẽ đặt một ống nhựa hoặc kim loại ngắn gọi là giá đỡ (stent) vào chỗ hẹp để dẫn lưu dịch mật.
2. Chỉ định nội soi mật tụy ngược dòng trong trường hợp nào?
Phương pháp này được sử dụng trong chẩn đoán các bệnh lý đường mật tụy như:
- Vàng da tắc mật ngoài gan chưa rõ nguyên nhân;
- Giãn đường mật;
- Sỏi túi mật mà có giãn ống mật chủ;
- U đường mật;
- Rối loạn chức năng vận động cơ Oddi;
- Giãn ống tụy.
Kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng điều trị các bệnh sau:
- Lấy sỏi ống mật chủ trong trường hợp sỏi ống mật chủ;
- Lấy sỏi tụy;
- Cắt cơ Oddi;
- Dẫn lưu mật mũi;
- Đặt stent đường mật trong các trường hợp ung thư đường mật vùng rốn gan, ung thư đường mật vùng ngoài rốn gan khi không còn khả năng phẫu thuật, hẹp đường mật lành tính, sỏi lớn ống mật chủ chưa thể lấy ngay được, sỏi ống mật chủ nhưng người bệnh trong tình trạng nặng không cho phép lấy sỏi, nhiễm trùng đường mật cần dẫn lưu;
- Đặt stent đường tụy.
3. Biến chứng có thể xảy ra sau thực hiện ERCP
Đa phần các ca ERCP được thực hiện an toàn và không có vấn đề gì. Một vài người bị đau họng nhẹ một vài ngày sau đó. Bạn có thể thấy mệt mỏi hoặc buồn ngủ trong vài giờ do thuốc an thần. Những biến chứng ít gặp bao gồm: tổn thương ruột, ống mật hoặc ống tụy do ống nội soi gây chảy máu, nhiễm trùng và hiếm hơn nữa là thủng.
Nếu các triệu chứng dưới đây xảy ra trong vòng 48 giờ sau ERCP, hãy gặp bác sĩ để kiểm tra lại:
- Đau bụng - đặc biệt là đau tăng dần, đau dữ dội và có tính chất khác với triệu chứng ợ nóng, khó tiêu thông thường;
- Sốt;
- Khó thở;
- Ói/nôn ra máu;
- Viêm tụy: Biến chứng này có thể trầm trọng trong vài trường hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.