B1, B6 và B12 là những vitamin có vai trò quan trọng cho cơ thể. Do đó nhu cầu bổ sung vitamin 3B là rất lớn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thắc mắc về việc sử dụng sản phẩm này, trong bao gồm 2 câu hỏi là uống thuốc 3B có tốt không và uống thuốc 3B vào lúc nào?
1. Thuốc Vitamin 3B là gì?
Vitamin 3B bao gồm 3 loại vitamin khác nhau là B1, B6 và B12. Những vitamin này đều đóng những vai trò quan trọng với sức khỏe;
- Vitamin B1 (Thiamin) có nhiều trong gạo. B1 giúp cơ thể phá vỡ và giải phóng năng lượng từ thức ăn, đồng thời giúp duy trì sự khỏe mạnh của hệ thống thần kinh. Ngoài ra, vitamin B1 còn được đánh giá là “vitamin chống căng thẳng” do hỗ trợ tăng cường hệ thống miễn dịch và cải thiện khả năng chống căng thẳng của cơ thể;
- Vitamin B6 (Pyridoxin) có nhiều trong các loại hạt, ngũ cốc, thịt, trứng... Vai trò của Vitamin B6 là giúp cơ thể sử dụng và dự trữ năng lượng từ các dưỡng chất như protein và carbohydrate, đồng thời là một thành phần của trình hình thành Hemoglobin;
- Vitamin B12 (Cobalamin) có nhiều trong gan động vật, sữa, trứng, thịt... với vai trò hỗ trợ sản xuất và duy trì bao Myelin của tế bào thần kinh. Đồng thời, B12 còn hỗ trợ quá trình sản xuất tế bào hồng cầu, phá vỡ một số acid béo và acid amin để cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Hiện nay thuốc vitamin 3B được bào chế ở dạng thuốc (với nhiều đường dùng khác nhau) lẫn dạng thực phẩm chức năng, và tương ứng với mỗi sản phẩm sẽ có những vai trò và tác động nhất định đến sức khỏe:
- Vitamin 3B dạng thuốc được bào chế với hàm lượng cao và do đó thích hợp sử dụng để điều trị tình trạng thiếu vitamin nhóm B do các nguyên nhân, hỗ trợ giải độc do nghiện rượu và giảm đau do thấp khớp hoặc đau thần kinh;
- Vitamin 3B dạng thực phẩm chức năng được bào chế ở hàm lượng thấp hơn, do đó chúng ta có thể uống thuốc 3B với mục đích bổ sung thêm bên cạnh chế độ ăn ngoài bữa ăn, đồng thời giúp cải thiện tình trạng suy nhược cơ thể hoặc giúp ăn ngon miệng.
2. Uống thuốc 3B có tốt không?
Nhìn chung, các sản phẩm vitamin 3B có trên thị trường đều có những tác dụng như sau:
- Nâng cao sức khỏe, chống mệt mỏi và giảm căng thẳng;
- Cải thiện và duy trì hoạt động hệ thần kinh;
- Cải thiện vị giác;
- Duy trì và tăng cường chức năng gan mật;
- Hỗ trợ phục hồi sức khỏe sau thời gian điều trị bệnh lý;
- Hỗ trợ nhanh chóng hồi phục sau thời gian làm việc hoặc học tập quá sức;
- Điều trị hoặc dự phòng thiếu hụt vitamin 3B do vấn đề dinh dưỡng;
- Hỗ trợ giảm đau thần kinh hoặc bệnh lý xương khớp;
- Uống thuốc 3B còn giúp giải độc rượu và cải thiện tình trạng ăn ngủ kém.
Vậy uống thuốc 3B có tốt không? Mặc dù vitamin 3B có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe nhưng không đồng nghĩa bất kỳ cũng cần bổ sung loại thuốc. Theo bác sĩ, chỉ những đối tượng sau đây mới thích hợp để sử dụng vitamin 3B:
- Người được xác định thiếu vitamin nhóm B do dinh dưỡng thiếu hụt;
- Trẻ em ăn kém và chậm lớn;
- Người thường xuyên căng thẳng hoặc mệt mỏi;
- Ăn uống không ngon miệng;
- Bệnh nhân cần cải thiện sức khỏe thần kinh.
Mặc dù những tác dụng của vitamin 3B là không thể phủ nhận, tuy nhiên để đảm bảo an toàn chúng ta chỉ nên uống thuốc 3B theo hướng dẫn của bác sĩ.
3. Uống thuốc 3B vào lúc nào?
Uống thuốc 3B vào lúc nào là thắc mắc của rất nhiều người. Tương tự các sản phẩm bổ sung vitamin khác, thời điểm uống thuốc 3B sẽ ảnh hưởng rất lớn khả năng hấp thu. Theo bác sĩ, tương ứng với mỗi dạng bào chế khác nhau sẽ có những cách sử dụng phù hợp, nhưng nhìn chung vẫn cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Thời điểm uống thuốc 3B:
- Cung cấp năng lượng và giải tỏa căng thẳng: Uống thuốc 3B vào buổi sáng trước bữa ăn để khả năng hấp thụ là tốt nhất;
- Thuốc vitamin 3B dạng tiêm: Chỉ sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt chú ý đảm bảo an toàn khi tiêm thuốc vào cơ thể.
Liều dùng của vitamin 3B:
- Thuốc: Theo chỉ dẫn của bác sĩ, thường là 1-2 viên/lần x 2 lần/ngày. Với chỉ định điều trị các chứng đau, bệnh nhân có thể uống 2 viên/lần x 3-4 lần/ngày;
- Đối với vitamin 3B dạng thực phẩm chức năng: 1 viên x 2 lần mỗi ngày. Với đối tượng trẻ em thì dùng 1⁄2 liều của người lớn.
4. Tác dụng phụ của Vitamin 3B
Khi uống thuốc 3B, ngoài việc phải nắm rõ thông tin về liều dùng và cách dùng, người sử dụng cũng cần biết rõ những tác dụng phụ của sản phẩm này để phòng tránh và điều chỉnh sao cho hợp lý và hiệu quả nhất:
- Nước tiểu chuyển sang màu hồng khi uống thuốc 3B;
- Một số trường hợp xảy ra tình trạng dị ứng khi uống vitamin 3B. Khi đó, người dùng cần ngưng uống thuốc 3B ngay lập tức và đến bệnh viện theo dõi, điều trị.
5. Một số lưu ý khi uống thuốc 3B
Trước khi sử dụng vitamin 3B, chúng ta cần biết những chống chỉ định của sản phẩm này, bao gồm:
- Tiền sử dị ứng với các thành phần của vitamin 3B;
- Có khối u ác tính: Vitamin 3B có thể kích thích khối u phát triển nhanh hơn;
- Tiền sử mắc bệnh hen phế quản;
- Bệnh nhân đang bị viêm da (còn gọi là chàm);
- Người thiếu hụt B12 chưa được chẩn đoán;
- Phụ nữ trong thời gian mang thai.
Một số vấn đề cần thận trọng khi sử dụng thuốc vitamin 3B:
- Không khuyến cáo phụ nữ uống thuốc 3B trong thời gian đang cho con bú vì vitamin B6 có thể ức chế tác dụng của Prolactin và ảnh hưởng đến khả năng bài tiết sữa mẹ. Theo đó, một số trường hợp cần dùng vitamin 3B với mục đích điều trị sẽ được bác sĩ yêu cầu dừng cho con bú;
- Chỉ dùng vitamin 3B cho trẻ em khi được bác sĩ hướng dẫn vì sản phẩm này có thể làm cho quá trình tăng trưởng của bé;
- Khi dùng thiếu liều có thể bỏ qua liều đã quên và dùng liều vitamin 3B tiếp theo như bình thường;
- Trường hợp uống thuốc 3B làm tăng nguy cơ tiến triển bệnh thần kinh giác quan, khi đó bệnh nhân cần liên hệ với bác sĩ để có hướng xử lý;
- Không được dùng quá 2g B6 mỗi ngày;
- Vitamin B6 kích hoạt Enzyme Dopadecarboxylase ngoại biên, do đó không được dùng vitamin 3B đồng thời với Levodopa. Vậy nên, bệnh nhân Parkinson cần phải đặc biệt lưu ý khi muốn dùng thuốc vitamin 3B;
- Vitamin B12 hấp thu khi có sự hiện diện của yếu tố nội tại (glycoprotein) được dạ dày tiết ra, vì vậy vitamin 3B dạng uống sẽ không có tác dụng bổ sung B12 cho người đã cắt bỏ toàn bộ dạ dày;
- Bệnh nhân không tự ý dùng các chế phẩm vitamin 3B khi không cần thiết, tốt nhất nên dùng từng loại vitamin trong các sản phẩm riêng lẻ.