Dâm bụt là loài hoa phổ biến ở Việt Nam, gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ người Việt. Tuy nhiên không phải ai cũng biết thành phần dinh dưỡng trong hoa dâm bụt rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là khi sử dụng trà từ loại hoa này. Vậy uống trà hoa dâm bụt có lợi ích gì?
1. Thành phần dinh dưỡng trong hoa dâm bụt
Hoa dâm bụt ngoài được biết đến là một loài hoa đẹp, nó còn là một loại thảo dược mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Hoa dâm bụt được phát hiện lần đầu tiên tại Angola nhờ vào hương thơm vô cùng dễ chịu và dần trở nên phổ biến ở các nước khu vực Bắc Phi, Trung Đông và cả châu Âu. Tại Việt Nam, loại hoa thảo dược này cũng xuất hiện rất phổ biến.
Tạp chí Dinh dưỡng (Mỹ) năm 2010 từng công bố kết quả một nghiên cứu về tác dụng kiểm soát huyết áp của hoa dâm bụt ở những bệnh nhân tăng huyết áp độ tuổi từ 30-70 tuổi. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc uống 3 tách trà hoa dâm bụt mỗi ngày giúp huyết áp kiểm soát ổn định hơn so với những người khác.
Hoa dâm bụt còn có các tên gọi khác như hoa hibicus, râm bụt, atiso đỏ, hoa vô thường. Đây là một loại liệu quý có tính sinh dược học cao vì thành phần dinh dưỡng trong hoa dâm bụt rất giàu vitamin A, B1, C, D, E, F và các axit hữu cơ khác. Những chất dinh dưỡng này có khả năng kháng viêm, kháng nấm, kháng khuẩn, tăng cường chức năng hệ tiêu hóa, ức chế quá trình hình thành sỏi tiết niệu, tăng cường và nâng đỡ chức năng gan, mật.
Trà hoa dâm bụt còn có thể kiểm soát cholesterol và triglycerid máu, hạn chế bệnh béo phì do tích mỡ trong cơ thể và bảo vệ thành mạch.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, nhờ hoạt chất bioflavonoids (một chất chống oxy hóa), vitamin C và các khoáng chất khác bên trong mà trà hoa dâm bụt có thể chống lại các gốc tự do, ngăn ngừa tình trạng tổn thương tế bào.
Người dân Ấn Độ thường dùng lá hoa dâm bụt phơi khô tương tự một loại rau còn các khu vực khác trên thế giới lại sử dụng trà hoa dâm bụt.
2. Uống trà hoa dâm bụt có lợi ích gì?
2.1. Kiểm soát huyết áp
Khi nhắc đến trà hoa dâm bụt có lợi ích gì thì nổi bật nhất chính là khả năng kiểm soát huyết áp. Loại trà này có tác dụng như một thuốc lợi tiểu (tăng số lượng nước tiểu), giúp thận tăng loại bỏ lượng muối dư thừa ra khỏi cơ thể và làm giảm huyết áp.
Một nghiên cứu năm 2010 được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Mỹ cho thấy sử dụng trà hoa dâm bụt hàng ngày giúp hạ huyết áp ở những người trưởng thành. Một nghiên cứu khác của Đại học Tufts (Boston, Hoa Kỳ) cũng có kết quả tương tự, kết quả cho rằng việc uống trà hoa dâm bụt mỗi ngày giúp hạ huyết áp hiệu quả và tăng cường sức khỏe tim mạch cho người nguy cơ cao bị tăng huyết áp.
Một phân tích các nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên được công bố vào năm 2015 trên tạp chí Journal of Hypertension khẳng định rằng uống trà hoa dâm bụt làm giảm đáng kể huyết áp (cả tâm thu và tâm trương).
2.2. Cải thiện tâm trạng
Nghiên cứu năm 2012 công bố trên Tạp chí Dược phẩm Ấn Độ đã kiểm tra hiệu quả tác động lên hệ thần kinh trung ương của một thành phần dinh dưỡng trong hoa dâm bụt (flavonoid) trên các cá thể chuột. Kết quả cho thấy các chất chống oxy hóa này có khả năng đề kháng lại nguy cơ trầm cảm tiềm ẩn và có tiềm năng rất lớn để điều trị các rối loạn thần kinh trung ương khác. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu chỉ đạt được ở mức tiền lâm sàng.
Trên thực tế, mỗi khi chúng ta cảm thấy chán nản, chỉ cần uống một tách trà hoa dâm bụt nóng sẽ giúp tâm trạng cảm thấy tốt hơn.
2.3. Kiểm soát mỡ máu
Ngoài việc kiểm soát huyết áp, trà hoa dâm bụt còn mang lại hiệu quả tích cực trong việc kiểm soát cholesterol xấu (LDL). Bên cạnh đó, các hợp chất chống oxy hóa trong trà hoa dâm bụt còn giúp ức chế quá trình oxy hóa, ngăn ngừa các mảng xơ vữa tích tụ trên thành động mạch, do đó hạn chế nguy cơ hình thành xơ vữa động mạch và các bệnh lý tim mạch.
Một nghiên cứu năm 2009 trên Tạp chí Alternative and Complementary Medicine cho thấy bệnh nhân đái tháo đường uống trà hoa dâm bụt 2 lần mỗi ngày kéo dài trong 1 tháng có nồng độ HDL (cholesterol tốt) cao hơn và LDL thấp hơn.
2.4. Hỗ trợ giảm cân
Một số thành phần dinh dưỡng trong hoa dâm bụt có thể giúp ức chế quá trình hấp thu các chất béo và carbohydrate của cơ thể. Bên cạnh đó, trong trà hoa dâm bụt có chứa một chất có khả năng ức chế enzyme sản xuất men amylase (amylase có tác dụng phân hủy tinh bột, đường để cơ thể cơ thể). Qua đó giúp hạn chế hấp thụ carbohydrate và tinh bột, giúp giảm cân.
Sử dụng trà hoa dâm bụt hàng ngày làm tăng tốc độ trao đổi chất của cơ thể, một yếu tố quan trọng góp phần hỗ trợ giảm cân. Trà hoa dâm bụt có tác dụng như thuốc lợi tiểu nên có thể giúp giảm lượng nước dư thừa tích tụ trong cơ thể.
2.5. Tăng cường hệ miễn dịch
Thành phần dinh dưỡng trong hoa dâm bụt có rất nhiều vitamin C. Do đó uống trà hoa dâm bụt là một biện pháp tuyệt vời để chống lại các bệnh cảm lạnh và nhiễm trùng thông qua cơ chế tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Các chất chống oxy hóa mạnh mẽ của trà hoa dâm bụt sẽ chống lại các tổn thương cơ bản và thúc đẩy quá trình tạo ra tế bào bạch cầu, củng cố cơ chế phòng thủ của cơ thể.
Ngoài ra, đặc tính kháng viêm và diệt khuẩn của hoa dâm bụt sẽ mang lại hiệu quả trong việc ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng khác.
2.6. Giảm chuột rút trong chu kỳ kinh nguyệt
Nếu thường xuyên bị đầy hơi hoặc chuột rút khi hành kinh, uống trà hoa dâm bụt là một biện pháp cải thiện tình trạng này hiệu quả. Khi uống trà hoa dâm bụt nóng sẽ mang lại tác dụng làm êm dịu và giảm đau toàn thân.
Trà hoa dâm bụt giúp khôi phục sự cân bằng nội tiết tố, từ đó làm giảm các triệu chứng như chán nản, trầm cảm và ăn quá nhiều trong những ngày hành kinh.
3. Cách pha trà hoa dâm bụt
Trà hoa dâm bụt có thể pha theo 2 cách là uống trà nóng hoặc trà lạnh:
- Cách 1: Cho 2-4 muỗng đài quả dâm bụt khô vào nước nóng vừa phải, ngâm kín trong 10-15 phút rồi lọc lấy nước uống. Nếu không uống được vị chua thì có thể thêm một chút mật ong vào trà cho dễ uống. Ngoài ra, bỏ thêm một vắt chanh, vỏ cam quýt hay vài mẩu quế sẽ giúp tăng thêm hương vị thơm ngon của trà hoa dâm bụt. Lưu ý nếu muốn uống trà lạnh thì hãy thêm ít đá;
- Cách 2: Ngâm hoa dâm bụt khô trong nước 2 ngày (không yêu cầu đun sôi), sau đó lọc lấy nước uống. Trà hoa dâm bụt còn có thể ngâm trong nước đường hoặc mật ong để làm siro hoặc ngâm với rượu nhẹ để làm rượu vang rất tốt cho sức khỏe.
4. Một số lưu ý khi sử dụng trà hoa dâm bụt
Để những lợi ích sức khỏe của trà hoa dâm bụt phát huy hiệu quả, bạn chỉ nên sử dụng ở mức độ vừa phải (1-2 cốc/ngày), đồng thời tuân theo các lưu ý sau đây:
- Người bệnh đái tháo đường cần theo dõi mức đường máu thường xuyên trong khi uống trà hoa dâm bụt;
- Theo dõi huyết áp chặt chẽ khi vừa dùng trà hoa dâm bụt vừa sử dụng các thuốc hạ áp khác;
Không uống trà hoa dâm bụt trong các trường hợp sau:
- Huyết áp thấp;
- Dùng thuốc có chứa chloroquine, thuốc sốt rét;
- Đang mang thai hoặc cho con bú;
- Có tình trạng dị ứng sau khi uống trà;
- Mắc các bệnh về phổi (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và ho kéo dài).
Ngoài công dụng làm đẹp, hoa râm bụt còn có rất nhiều công dụng đối với sức khỏe. Vì thế, bạn có thể áp dụng các phương pháp sử dụng trên để đem lại nhiều lợi ích nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.