Thuốc Abatron: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Thuốc Abantron là hỗn hợp các vitamin và khoáng chất, giúp cung cấp vitamin và khoáng chất cho cơ thể trong trường hợp chế độ ăn cung cấp không đủ hoặc khi nhu cầu cơ thể tăng cao như đang mang thai.

1. Công dụng của thuốc Abatron

Thuốc Abatron chứa các vitamin tổng hợp và khoáng chất, được sử dụng để điều trị hoặc dự phòng các trường hợp thiếu hụt vitamin và chất khoáng do chế độ ăn uống kém, mắc một số bệnh hoặc thiếu vitamin khi mang thai.

Cách sử dụng thuốc vitamin tổng hợp Abatron như sau:

  • Thuốc được sử dụng bằng đường uống, chú ý không dùng thuốc nhiều hơn liều lượng được khuyến cáo trên nhãn sản phẩm hoặc chỉ định của bác sĩ.
  • Nếu dùng thuốc Abatron dạng lỏng, hãy dùng cốc chia vạch để đong thuốc. Không dùng thìa gia dụng để lấy thuốc vì có thể lấy lượng thuốc không chính xác.
  • Một số dạng bào chế của thuốc Abatron nên sử dụng khi bụng đói (1 giờ trước hoặc 2 giờ sau bữa ăn). Nếu bị đau dạ dày, bạn có thể dùng thuốc cùng với thức ăn. Để tránh tương tác làm giảm hiệu quả của thuốc, bạn nên tránh dùng thuốc kháng axit, các sản phẩm từ sữa, trà hoặc cà phê trong vòng 2 giờ trước hoặc sau khi dùng thuốc Abatron.

XEM THÊM: Những loại vitamin nào cần bổ sung trước khi mang thai?


Thuốc Abatron chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất quan trọng
Thuốc Abatron chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất quan trọng

2. Các tác dụng phụ của thuốc Abatron

Khi sử dụng thuốc Abatron, người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ như táo bón, tiêu chảy hoặc đau bụng. Các tác dụng phụ này thường là tạm thời và biến mất một thời gian ngắn khi cơ thể thích nghi với thuốc. Hãy liên hệ bác sĩ hoặc dược sĩ nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào kéo dài hoặc trở nên trầm trọng hơn.

Thành phần sắt trong thuốc có thể khiến phân của người sử dụng chuyển sang màu đen, điều này không gây hại. Phản ứng dị ứng nghiêm trọng với thuốc hiếm khi xảy ra, tuy nhiên hậu quả rất nghiêm trọng. Bạn cần cảnh giác nếu sau khi dùng thuốc có các triệu chứng như ngứa, phát ban, chóng mặt nghiêm trọng, sưng mặt, sưng lưỡi, cổ họng,...

Trên đây không phải danh sách đầy đủ các tác dụng phụ có thể xảy ra. Nếu trong quá trình sử dụng, cơ thể bạn xuất hiện các triệu chứng không được liệt kê ở trên, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn.

3. Các biện pháp thận trọng khi sử dụng thuốc Abatron

Trước khi sử dụng thuốc Abatron, hãy báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu bạn:

  • Dị ứng với các thành phần của thuốc Abatron hoặc có bất kỳ dị ứng với thuốc, thức ăn nào khác.
  • Các tiền sử bệnh của bản thân, đặc biệt là các tình trạng như rối loạn quá tải sắt (trong bệnh huyết sắc tố, bệnh hemosiderosis,...); các vấn đề về gan; bệnh dạ dày ruột (như loét, viêm đại tràng); thiếu vitamin B12 (do thiếu máu ác tính); nghiện rượu;
  • Đang mang thai hoặc cho con bú

Bác sĩ sẽ có sự điều chỉnh kê đơn, liều dùng cho phù hợp với tình trạng của người bệnh.

Các chế phẩm Abatron dạng lỏng có thể chứa đường và/hoặc cồn. Những người bệnh tiểu đường, bệnh gan, nghiện rượu hãy thận trọng, tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ khi sử dụng.


Người bị bệnh gan cần cân nhắc khi sử dụng thuốc
Người bị bệnh gan cần cân nhắc khi sử dụng thuốc

4. Các tương tác thuốc

Để tránh các tương tác thuốc có thể xảy ra, bạn hãy báo với bác sĩ hoặc dược sĩ tất cả các thuốc kê đơn, không kê đơn, thực phẩm chức năng đang sử dụng, đặc biệt là một số loại thuốc chống động kinh (như Phenytoin), Methyldopa.

Thuốc Abatron có thể làm giảm hấp thu một số loại thuốc như:

  • Bisophosphonates,
  • Levodopa
  • Penicillamine
  • Kháng sinh nhóm quinolone như Ciprofloxacin, Levofloxacin
  • Kháng sinh tetracycline như Doxycycline, Minocycline
  • Thuốc tuyến giáp như Levothyroxine

Do đó hãy sử dụng thuốc Abatron cách các loại thuốc này càng xa càng tốt. Hãy nhờ bác sĩ hoặc dược sĩ tư vấn về lịch uống các loại thuốc cho phù hợp.

Thuốc Abatron có thể gây ảnh hưởng đến kết quả một số xét nghiệm, do đó hãy cho bác sĩ và nhân viên phòng thí nghiệm biết bạn đang sử dụng thuốc này.


Thuốc Abatron có thể gây ra một số tương tác nhất định
Thuốc Abatron có thể gây ra một số tương tác nhất định

5. Một số lưu ý khác khi sử dụng Abatron

5.1. Xử trí khi sử dụng thuốc Abatron quá liều

Khi sử dụng thuốc Abatron quá liều, người bệnh có thể có các triệu chứng như đau dạ dày, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy,... Một số trường hợp hiếm gặp có thể khó thở hoặc ngất đi. Nếu có các triệu chứng nêu trên, hãy đưa người bệnh đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

5.2. Làm gì nếu quên uống một liều thuốc Abatron?

Nếu bạn bỏ lỡ một liều thuốc Abatron, hãy dùng thuốc ngay khi nhớ ra. Nếu đã gần đến thời điểm của liều thuốc tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều thuốc tiếp theo vào thời điểm như bình thường. Không được dùng gấp đôi liều thuốc Abatron để bù lại liều đã quên.


Khi quên liều bạn có thể bổ sung nhưng không được gấp đôi liều
Khi quên liều bạn có thể bổ sung nhưng không được gấp đôi liều

5.3. Cách bảo quản thuốc

Bảo quản thuốc Abatron ở nhiệt độ phòng dưới 30 độ C, tránh ánh sáng trực tiếp và hơi ẩm. Lưu ý giữ thuốc Abatron tránh xa tầm tay trẻ em.

Thuốc Abatron giúp cung cấp vitamin và khoáng chất cho cơ thể, tuy nhiên chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết trong một khoảng thời gian nhất định, không nên lạm dụng thuốc vì có thể gây các tác dụng phụ nguy hiểm. Hãy bổ sung vitamin qua chế độ ăn uống lành mạnh cân bằng với các thực phẩm giàu vitamin và chất khoáng như thịt đỏ (đặc biệt là gan), cá, đậu, trái cây, ngũ cốc,...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe