Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Viết Nhân, chuyên gia tư vấn di truyền, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Để có một thai kỳ khỏe mạnh, bên cạnh việc ăn uống đầy đủ, nhiều mẹ bầu còn lo lắng không biết trước khi mang thai cần bổ sung thuốc gì hay không? Việc uống thuốc khi mang thai có ảnh hưởng gì không? Để giải đáp những thắc mắc trên, hãy cùng tìm hiểu về uống thuốc khi mang thai trong bài viết dưới đây.
1. Phân biệt thuốc và thực phẩm chức năng
Hiện nay trong việc sử dụng thuốc, nhiều bạn nhầm lẫn giữa thuốc và thực phẩm chức năng dẫn đến việc lạm dụng hoặc sử dụng không đúng cách.
Năm 2004, Bộ Y tế đã đưa ra thông tư khái niệm về Thực phẩm chức năng như sau: “Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng bổ sung dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật”, như vậy công dụng của thực phẩm chức năng không phải là thuốc chữa bệnh mà chỉ là sản phẩm giúp bổ sung những chất còn thiếu trong cơ thể trong quá trình chuyển hóa và giúp cải thiện tình trạng bệnh trong một số trường hợp.
Khác với Thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh tác động trực tiếp vào quá trình chuyển hóa các chất, làm thay đổi cấu trúc sinh lý và bệnh lý, qua đó sửa chữa và cải thiện những tổn thương trong cơ thể người bệnh.
Đối với thực phẩm chức năng, người ta không yêu cầu kỹ thuật chế biến quá cao người tiêu dùng có thể tự mua và uống không cần chỉ định nhưng với thuốc chữa bệnh thì hoàn toàn ngược lại luôn đòi hỏi các tiêu chuẩn rất khắt khe, không chỉ loại thuốc mà liều lượng cũng như thời điểm sử dụng trong ngày cũng hết sức quan trọng và cần có chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Tuy nhiên trong một vài trường hợp thực phẩm chức năng cũng có thể được coi như là thuốc. Ví dụ như bị chuột rút bởi thiếu canxi và vitamin D3 thì chỉ cần bổ sung thực phẩm chức năng (vitamin D3 và canxi) là đủ. Tuy nhiên, trong trường hợp người bệnh mắc bệnh lý phức tạp hơn, chỉ bổ sung thực phẩm chức năng không có giá trị nhiều và đôi khi lại không có tác dụng. Tốt hơn hết người dùng nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ.
Để phân biệt giữa thuốc và thực phẩm chức năng bạn có thể hỏi ý kiến của nhà thuốc, dược sĩ hoặc bạn có thể tự kiểm tra trên nhãn thuốc theo cách đơn giản sau:
- Đối với thực phẩm chức năng: Số đăng ký ghi trên hộp là số công bố tiêu chuẩn (SCBTC) ví dụ: SCBTC: 2204/2012/YT-CNTC và luôn có ghi dòng chữ: Thực phẩm chức năng hoặc Thực phẩm dinh dưỡng hoặc Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh
- Đối với thuốc, trên hộp phải có số đăng ký (SĐK), Ví dụ: SĐK: V... – 1200 – 12
Bạn cần cẩn trọng với loại các thực phẩm chức năng và thuốc được gọi là “xách tay” từ Mỹ, Úc hoặc từ các nước phát triển khác vì mức độ tin cậy khá thấp.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?
Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!
2. Uống thuốc khi mang thai có ảnh hưởng gì không?
Các loại thuốc bạn sử dụng trong thai kỳ đều có thể qua nhau thai để ảnh hưởng lên thai nhi và có thể gây ra các hậu quả như:
- Tác động trực tiếp lên thai nhi gây sẩy thai, thai lưu, dị tật bẩm sinh
- Làm thay đổi chức năng của bánh rau, làm giảm nguồn cung cấp oxygen và chất dinh dưỡng cho thai có thể làm thai kém phát triển
- Có thể tác động lên tử cung, gây co bóp và qua đó gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của thai hoặc gây sinh non
- Thuốc có thể gây ra những thay đổi trên cơ thẻ mẹ và gián tiếp ảnh hưởng tới thai như thuốc hạ huyết áp có thể làm giảm lượng máu tới bánh rau và làm giảm lượng oxygen và chất dinh dưỡng cung cấp cho thai nhi
Việc gây ra các hậu quả cho thai phụ thuộc vào những yếu tố sau:
- Giai đoạn phát triển của thai nhi
- Loại thuốc và liều lượng sử dụng
- Đặc điểm của cơ thể mẹ (vai trò của yếu tố di truyền) trong đáp ứng với từng loại thuốc.
- Những yếu tố khác liên quan tới đặc điểm sinh lý của mẹ ví dụ như mẹ bị nôn sau khi uống thuốc (hay gặp trong 3 tháng đầu của thai kỳ) sẽ không hấp thụ được nhiều thuốc vì vậy thuốc sẽ tác động lên thai nhi ít hơn
3. Làm thế nào để biết loại thuốc nào có thể uống trong thời kỳ mang thai?
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phân loại thuốc thành năm loại theo thứ tự A, B, C, D, X theo mức độ rủi ro mà chúng gây ra cho thai nhi nếu chúng được sử dụng trong thai kỳ. Thuốc được phân loại từ A là những loại thuốc mà nghiên cứu trên phụ nữ mang thai sử dụng thuốc thì không thấy có ảnh hưởng trên bào thai đến X những loại mà nghiên cứu cho thấy có độc tính cao và không bao giờ được sử dụng cho phụ nữ mang thai vì có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Ví dụ như thalidomide, một loại thuốc trước đây được sử dụng để điều trị ốm nghén trong 3 tháng đầu thai kỳ, thuốc đã gây ra tình trạng kém phát triển của cánh tay và chân và các khuyết tật của ruột, tim và mạch máu ở trẻ sơ sinh của phụ nữ dùng thuốc trong khi mang thai.
Hệ thống phân loại này của FDA chủ yếu dựa trên thông tin từ các nghiên cứu trên động vật và ít dựa trên các nghiên cứu được thiết kế tốt ở phụ nữ mang thai vì vậy việc áp dụng hệ thống phân loại trong các tình huống cụ thể là hết sức khó khăn.
Vì những khó khăn và phức tạp này mà FDA yêu cầu trên nhãn thuốc phải bao gồm thông tin cụ thể hơn như sau:
- Có nguy cơ khi dùng thuốc trong khi mang thai và cho con bú
- Đã có những bằng chứng được xác định về những nguy cơ này
- Thông tin giúp bác sĩ quyết định có nên sử dụng thuốc trong thai kỳ hay không và giúp giải thích những nguy cơ và lợi ích của việc sử dụng thuốc đối với người phụ nữ
Thông thường, các bác sĩ khi cho thuốc đều tuân theo một quy tắc chung: Chỉ xem xét cho phụ nữ mang thai sử dụng một loại thuốc để điều trị rối loạn khi lợi ích tiềm năng vượt xa những nguy cơ đã biết.
Các bác sĩ sẽ lựa chọn một loại thuốc an toàn hơn để thay thế cho một loại có khả năng gây hại trong thai kỳ ví dụ như để phòng ngừa sự tạo thành cục máu đông, thuốc chống đông máu heparin sẽ được thay cho warfarin. Một số loại kháng sinh an toàn cho thai kỳ, như penicillin, sẽ được sử dụng để điều trị nhiễm trùng v.v...
Hoặc một số loại thuốc có thể gây nguy cơ sau khi đã dừng sử dụng như isotretinoin, một loại thuốc dùng để điều trị mụn da, thuốc được lưu trữ trong vùng mỡ dưới da và được giải phóng chậm vì vậy Isotretinoin có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nếu phụ nữ có thai trong vòng 2 tuần sau khi ngừng thuốc. Do đó, phụ nữ nên đợi ít nhất 3 đến 4 tuần sau khi ngừng thuốc trước khi mang thai.
Qua những thông tin này bạn có thể thấy những nguy hiểm của việc uống thuốc tùy tiện, vì vậy tốt nhất trong thai kỳ, khi cần phải sử dụng thuốc và ngay cả thực phẩm chức năng bạn cần có ý kiến của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.