Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Như Thu Trúc - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Sử dụng thuốc cho phụ nữ mang thai luôn là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm. Thuốc điều trị các bệnh lý thần kinh bao gồm nhiều nhóm khác nhau như thuốc trầm cảm, thuốc giải lo âu, thuốc ngủ, thuốc an thần. Tất cả các nhóm thuốc này đều cần được kê đơn bởi các bác sĩ chuyên khoa trước khi người bệnh sử dụng. Tác dụng chính của các nhóm thuốc thần kinh là làm giảm nhẹ triệu chứng của các bệnh lý thần kinh tuy nhiên nhiều tác dụng không mong muốn có thể xuất hiện.
Tuyệt đối không được tự ý uống thuốc thần kinh khi mang thai và cần có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Phụ nữ uống thuốc trầm cảm khi mang bầu cũng cần ghi nhớ tái khám thai định kỳ để kiểm tra sức khỏe và đánh giá sự phát triển của thai nhi.
1. Một số bệnh lý thần kinh thường gặp khi mang thai
1.1 Bệnh động kinh
Bệnh động kinh là bệnh lý liên quan đến sự rối loạn dẫn truyền của các kích thích điện tại các tế bào thần kinh ở hai bán cầu đại não. Sự phóng thích các xung động diễn ra lặp lại nhiều lần và mất kiểm soát. Người mắc bệnh động kinh có các biểu hiện lâm sàng đặc trưng bao gồm các cơn động kinh xuất hiện đột ngột có hoặc không kèm theo tình trạng rối loạn ý thức. Những cơn động kinh xuất hiện ngẫu nhiên với tần suất lặp lại tăng dần gây ra nhiều bất tiện cho người bệnh, đôi khi còn nguy hiểm đến tính mạng trong các tình huống như cơn động kinh xuất hiện khi người bệnh đang điều khiển phương tiện giao thông, bơi lội.
Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân động kinh đều trải qua các cơn động kinh và tình trạng mất ý thức. Một số người mắc bệnh động kinh chỉ xuất hiện các triệu chứng không điển hình như đau đầu, đau bụng,... Bệnh lý động kinh được chia thành nhiều thể khác nhau dựa theo nhiều yếu tố, phổ biến nhất là cách phân loại thành bệnh động kinh cục bộ và bệnh động kinh toàn thể. Bệnh lý động kinh thường được phát hiện và chẩn đoán dựa vào các biểu hiện lâm sàng và sự hỗ trợ của một số các phương tiện cận lâm sàng như điện não đồ.
1.2 Trầm cảm
Bệnh lý trầm cảm là một trong những bệnh lý thần kinh ngày càng phổ biến ở xã hội ngày nay. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm có trung bình 850,000 người chết vì tự tử do trầm cảm. Tỷ lệ xuất hiện trầm cảm ở những phụ nữ sau sinh, còn gọi là trầm cảm sau sinh, được ghi nhận tăng dần theo thời gian. Bệnh trầm cảm có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, trong đó nữ giới có tần suất mắc bệnh cao hơn nam giới.
Rối loạn khí sắc là biểu hiện đặc trưng của những người mắc phải bệnh trầm cảm. Những người gặp phải bệnh lý trầm cảm thường mang thần khí buồn bã, nét mặt đơn điệu, vô hồn, chán nản, tiêu cực. Những sở thích trướng kia cũng dần biến mất. Người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ, không muốn gặp gỡ mọi người cũng như cảm thấy không đủ sức khỏe để đến trường học tập và đi làm việc. Mất ngủ về đêm cũng là một trong những dấu hiệu giúp nhận biết trầm cảm.
Người bệnh trầm cảm không phải lúc nào cũng có đầy đủ các biểu hiện kể trên, một số trường hợp chỉ quan sát thấy được một trong các triệu chứng. Nguyên nhân chính xác không được hiểu rõ, tuy nhiên bệnh trầm cảm thường được ghi nhận xảy ra sau những sang chấn tâm lý đưa đến sự thay đổi trong hành vi và suy nghĩ của người bệnh. Việc nhận biết và điều trị bệnh trầm cảm đóng vai trò quan trọng, đặc biệt giúp giảm tỷ lệ tự sát vì trầm cảm trong cộng đồng.
2. Uống thuốc thần kinh khi mang thai có thực sự an toàn?
Thông thường, những bệnh lý thần kinh là những bệnh có diễn tiến kéo dài và việc điều trị cần được tuân thủ đúng theo chỉ dẫn của các bác sĩ chuyên khoa. Việc tự ý ngưng sử dụng thuốc hoặc thay đổi liều lượng là những việc làm nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến hiệu quả kiểm soát tình trạng bệnh tật. Phụ nữ mang thai mắc các bệnh lý thần kinh cần chịu sự giám sát kỹ lưỡng của các bác sĩ chuyên khoa thần kinh và các bác sĩ chuyên khoa sản để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của cả bà mẹ và thai nhi.
Các loại thuốc đang được chỉ định để điều trị bệnh lý động kinh hiện nay chủ yếu có vai trò kiểm soát và làm giảm nhẹ các triệu chứng, nhất là sự ngăn chặn sự tái phát của các cơn động kinh. Bệnh lý động kinh hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu giúp chữa khỏi hoàn toàn. Vì thế, những người mắc bệnh động kinh thường được yêu cầu duy trì việc điều trị trong thời gian dài để đạt được mục tiêu kiểm soát bệnh.
Phụ nữ bị động kinh mang thai có nhiều yếu tố nguy cơ bất lợi hơn cho cả mẹ và thai kỳ. Những cơn động kinh xuất hiện có thể dẫn đến các sang chấn, tai nạn sinh hoạt cho các bác bầu đưa đến các biến chứng cho thai nhi như sảy thai, sinh non. Phụ nữ bị động kinh mang thai vẫn cần tiếp tục sử dụng thuốc điều trị bệnh lý động kinh đều đặn với sự giám sát của bác sĩ điều trị. Các loại thuốc điều trị bệnh động kinh ít qua nhau thai và ít gây ra các tác dụng không mong muốn cho thai nhi sẽ được ưu tiên lựa chọn.
Phụ nữ bị động kinh trước khi có quyết định mang thai nên kiểm soát được bệnh và đến gặp bác sĩ chuyên khoa để nhận được sự tư vấn. Quý một thai kỳ hoặc 3 tháng đầu thai kỳ là giai đoạn dễ hình thành các dị tật bẩm sinh ở thai nhi và đây cũng là thời điểm các thuốc thần kinh có khả năng ảnh hưởng đến thai nhi cao nhất. Bác sĩ điều trị thường cho giảm liều trong giai đoạn này với những thuốc an toàn cho phụ nữ mang thai. Thai phụ cần phối hợp với nhân viên y tế để tuân thủ theo phác đồ điều trị trong suốt thai kỳ một cách chính xác nhất. Một thai kỳ khỏe mạnh khi sức khỏe của bà mẹ và thai nhi đều được đảm bảo.
Bệnh trầm cảm cũng là một bệnh cần được kiểm soát tốt để hạn chế các hậu quả của nó. Phụ nữ mang thai bị trầm cảm vẫn là một vấn đề sức khỏe thách thức. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống thuốc trầm cảm khi mang bầu có thể gây ra các tác dụng không mong muốn lên sự hình thành và phát triển của bào thai cũng như giai đoạn sau khi trẻ sinh ra đời.
Tuy nhiên, việc quyết định sử dụng tiếp các thuốc điều trị trầm cảm trong thai kỳ còn nhiều điều tranh cãi. Vì thế, những người phụ nữ mang thai không may mắc phải trầm cảm cần được khám và tư vấn với các bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Một số các phương pháp điều trị trầm cảm không dùng thuốc có thể được chỉ định tùy theo từng trường hợp cụ thể. Sự tái khám đều đặn tại các trung tâm sản khoa cũng là một biện pháp có lợi khi theo dõi tình trạng sức khỏe của thai nhi mà các bà bầu không nên bỏ qua.
Để bảo vệ sức khỏe thai phụ và bé trong suốt thai kỳ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp dịch vụ thai sản trọn gói như một giải pháp giúp mẹ bầu an tâm vì đã có sự đồng hành của đội ngũ y bác sĩ trong suốt thai kỳ. Khi lựa chọn Thai sản trọn gói, thai phụ được:
- Quá trình mang thai được theo dõi bởi đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao
- Thăm khám đều đặn, phát hiện sớm các vấn đề bất thường
- Thai sản trọn gói giúp thuận tiện cho quá trình sinh đẻ
- Trẻ sơ sinh được chăm sóc toàn diện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.