Công dụng thuốc Rapozil

Thuốc Rapozil được chỉ định trong điều trị động kinh cục bộ có hoặc không kèm theo cơn động kinh toàn thể thứ phát... Cùng tìm hiểu về công dụng, lưu ý khi sử dụng thuốc Rapozil qua bài viết dưới đây.

1. Công dụng của thuốc Rapozil

Thuốc Rapozil chứa hoạt chất Gabapentin, được bào chế dạng viên nén bao phim với 2 hàm lượng là Gabapentin 300mg và Gabapentin 600mg.

Thuốc Rapozil được chỉ định như là đơn trị liệu trong điều trị cơn động kinh cục bộ có hoặc không kèm theo cơn động kinh toàn thể thứ phát thoái hóa ở người trưởng thành và trẻ em trên 12 tuổi.

2. Liều dùng của thuốc Rapozil

Liều thuốc Rapozil được chỉ định phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của người bệnh như sau:

Điều trị đau dây thần kinh ở người trưởng thành:

  • Ngày đầu tiên uống liều duy nhất Rapozil 300;
  • Ngày thứ 2 uống liều Rapozil 600 chia làm 2 lần sáng tối;
  • Ngày thứ 3 dùng liều Rapozil 900 chia làm 3 lần sáng, trưa và tối;
  • Liều thuốc duy trì sau đó có thể là 1800mg, chia làm 3 lần sáng, trưa và tối.

Điều trị bệnh động kinh:

Quá trình điều trị động kinh kéo dài nên bác sĩ chỉ định thuốc dựa vào tác dụng và khả năng dung nạp của người bệnh. Khi cần giảm liều thuốc, ngưng thuốc hoặc thay thế điều trị bằng thuốc khác cần tiến hành từ từ với thời gian ít nhất 1 tuần. Liều thuốc Rapozil khuyến cáo trong điều trị động kinh như sau:

  • Ngày đầu tiên uống liều duy nhất Rapozil 300mg;
  • Ngày thứ 2: Uống 300mg/ lần x 2 lần/ ngày;
  • Ngày thứ 3: Uống 300mg/ lần x 3 lần/ ngày;
  • Người trưởng thành và trẻ em trên 12 tuổi có hiệu lực với liều 900 – 3600mg/ ngày. Quá trình điều trị có thể bắt đầu với liều chuẩn như trên hoặc liều 300mg/ lần x 3 lần/ ngày, sau đó điều chỉnh liều dựa vào đáp ứng của người bệnh. Thời gian ít nhất để đạt liều 1800mg là 7 ngày, 2 tuần đối với liều 2400mg và 3 tuần đối với liều 3600mg.

Đối với người cao tuổi: Liều thuốc Razopil nên khởi đầu với liều 100mg vào buổi tối và tăng lên 100mg mỗi ngày cho đến liều 600mg/ngày chia làm 2 – 3 lần uống.

Người bệnh suy thận: Liều thuốc Rapozil ở người bệnh suy thận cần được hiệu chỉnh dựa vào độ thanh thải Creatinin.

3. Tác dụng không mong muốn

Thuốc Rapozil có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như sau:

  • Tác dụng phụ nghiêm trọng cần đi khám bác sĩ bao gồm: Sốt, ớn lạnh, tăng cơn co giật, đau nhức cơ thể, triệu chứng cảm cúm, sưng mắt cá chân hoặc bàn chân, nhầm lẫn, run, dễ bầm tím, ở trẻ em dùng Gabapentin xuất hiện triệu chứng hung hăng, thù địch, hành động không ngừng nghỉ, có vấn đề về trí nhớ và thay đổi hành vi...
  • Tác dụng phụ ít nghiêm trọng bao gồm: Buồn ngủ, chóng mặt, suy nhược, mệt mỏi, thiếu sự phối hợp, mờ mắt, nôn, buồn nôn, đau bụng, mất cảm giác ngon miệng, táo bón, tiêu chảy, khô miệng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau họng, đau đầu, vấn đề về giấc ngủ, mụn trứng cá và giấc mơ bất thường.

Nếu gặp phải các triệu chứng này, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Rapozil và thông báo cho bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Rapozil

Chống chỉ định sử dụng thuốc Rapozil 300 và Rapozil 600 ở người bệnh mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Một số lưu ý khi sử dụng Rapozil như sau:

  • Không dừng thuốc 1 cách đột ngột vì nguy cơ làm tăng cao tần số co giật, người bệnh cần được hướng dẫn chỉ dùng Gabapentin khi có chỉ định của bác sĩ điều trị;
  • Người bệnh cần được cảnh báo là thuốc Rapozil có thể gây buồn ngủ, choáng váng, co giật và các triệu chứng khác về hệ thần kinh trung ương. Vì vậy không được lái xe, vận hành máy móc phức tạp cho đến khi Gabapetin được đánh giá là không gây hại đến tâm thần hoặc vận động;
  • Đối với phụ nữ đang mang thai: Hiện chưa có nghiên cứu cụ thể về hiệu quả và độ an toàn khi dùng Gabapentin ở phụ nữ đang mang thai nên chỉ dùng thuốc ở đối tượng này khi lợi ích lớn hơn nguy cơ điều trị;
  • Đối với phụ nữ đang cho con bú: Chưa rõ khả năng bài tiết qua sữa mẹ của Gabapentin nên việc dùng thuốc ở phụ nữ đang cho con bú cần được chỉ định bởi bác sĩ khi lợi ích lớn hơn nguy cơ.

5. Tương tác thuốc

Thuốc Rapozil có thể gây ra một số tương tác như sau:

  • Cimetidine: Độ thanh lọc trung bình của Gabapentin sẽ bị giảm 14% và độ thanh lọc creatinin giảm 10% khi dùng đồng thời với Cimetidine. Ngoài ra, Cimetidine có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình đào thải qua thận của Gabapentin.
  • Thuốc ngừa thai: Các nghiên cứu cho thấy nồng độ của hoạt chất Norethindrone trong thuốc tránh thai hàng ngày tăng lên 13% khi dùng phối hợp với thuốc Gabapentin;
  • Thuốc kháng acid: Sinh khả dụng của Gabapentin bị giảm đi khi sử dụng đồng thời với thuốc kháng acid. Vì vậy khuyến cáo dùng Rapozil ít nhất 2 giờ trước khi uống thuốc kháng aicd;
  • Probenecid: Probenecid phong bế sự đào thải tích cực qua ống thận của Gabapentin, từ đó làm tăng nồng độ của Gabapentin, tăng tác dụng và nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc Rapozil.
  • Các nghiên cứu khoa học cho thấy không có sự ảnh hưởng khi dùng chung Rapozil với các thuốc Phenytoin, Acid Valproic, Phenobarbital, Carbamazepin...

Tương tác thuốc xảy ra làm tăng nguy cơ gặp tác dụng và giảm tác dụng điều trị của thuốc Rapozil. Vì vậy, để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc, thực phẩm đang sử dụng trước khi dùng thuốc Rapozil.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe