Ung thư phổi giai đoạn 4 sống được bao lâu là vấn đề khiến nhiều bệnh nhân lo lắng. Đây là giai đoạn muộn nhất của bệnh, do đó tiên lượng sống bệnh nhân không mấy khả quan. Tuy nhiên, với những tiến bộ vượt bậc trong y học, đặc biệt là trong lĩnh vực điều trị ung thư, nhiều bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 4 đã có thể kéo dài thêm sự sống một cách đáng kể.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Bác sĩ Lê Thị Nhã Hiền - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
1. Những tiến bộ mới trong điều trị giúp kéo dài sự sống của bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 4
Nhìn chung, tiên lượng sống cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 4 đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây nhờ vào sự ra đời của các phương pháp điều trị mới. Tuy nhiên, do ung thư ở giai đoạn 4 tiến triển khá nghiêm trọng, nên việc điều trị vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để tìm kiếm những phương pháp điều trị hiệu quả hơn, giúp kéo dài thêm sự sống cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 4.
Điều trị nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch là hai phương pháp điều trị ung thư phổi giai đoạn 4 mang lại nhiều hứa hẹn tốt hơn cho tiên lượng sống của bệnh nhân.
2. Ung thư phổi giai đoạn 4 sống được bao lâu?
Câu hỏi về tuổi thọ của bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối luôn là mối quan tâm lớn của nhiều người. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm cho những người được chẩn đoán mắc ung thư phổi ở giai đoạn 4 là khoảng 4,7%.
Tuy nhiên, những ước tính này dựa trên dữ liệu của những bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị ít nhất 5 năm trước. Những chỉ số về tỷ lệ sống sót chỉ là dự đoán và mỗi người có phản ứng riêng với bệnh và phương pháp điều trị.
Ung thư phổi giai đoạn 4 sống được bao lâu sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm:
- Sức khỏe tổng thể: Bệnh nhân khỏe mạnh hơn tại thời điểm chẩn đoán thường có khả năng chịu đựng và phản hồi tốt hơn với các phương pháp điều trị.
- Tuổi tác: Một số nghiên cứu cho thấy tuổi càng cao tỷ lệ sống sót sau ung thư phổi càng thấp hơn.
- Phản ứng với điều trị: Hiệu quả của phương pháp điều trị có thể ảnh hưởng đáng kể đến tỷ lệ sống sót.
3. Chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối tại nhà
Khi ung thư phổi tiến triển đến giai đoạn cuối, khối u đã lan rộng, gây ra nhiều biến chứng phức tạp và suy giảm sức khỏe nghiêm trọng cho người bệnh. Sự hiểu biết về các triệu chứng và cách xử lý là rất quan trọng đối với người nhà để cung cấp sự chăm sóc thích hợp, quá trình chăm sóc bao gồm:
3.1 Đối phó với các vấn đề hô hấp
Ho liên tục và khó thở là hai triệu chứng phổ biến ở bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối do tác động của khối u đến các cơ quan xung quanh. Các biện pháp có thể áp dụng bao gồm:
- Khi bệnh nhân không ngừng ho: Đưa bệnh nhân đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và điều trị theo chỉ định, bao gồm việc sử dụng thuốc long đờm và kháng sinh;
- Thay đổi tư thế nằm, nâng cao đầu gối để giảm khó thở và tránh sặc sụa;
- Khuyến khích bệnh nhân uống nhiều nước để làm loãng đờm và dễ tống khạc ra ngoài;
- Trong trường hợp khó thở nghiêm trọng, sử dụng thiết bị cung cấp oxy tại nhà để đảm bảo bệnh nhân thở được liên tục;
- Nếu có tràn dịch màng phổi, cần đưa bệnh nhân đến cấp cứu kịp thời.
3.2 Hỗ trợ bệnh nhân trong việc ăn uống và sinh hoạt hàng ngày
Bệnh nhân ung thư phổi cần nhiều năng lượng để chống lại sự tấn công của tế bào ung thư và duy trì sức chịu đựng qua các đợt điều trị. Người nhà cần chú ý đến chế độ ăn uống bao gồm:
- Bổ sung đầy đủ bốn nhóm dinh dưỡng thiết yếu: Tinh bột (gạo, ngũ cốc), vitamin và khoáng chất (thịt, sữa, cá, trứng), chất béo và protein (hoa quả tươi, rau xanh);
- Chuẩn bị thức ăn mềm, nhừ để dễ nuốt, và thêm gia vị giúp bệnh nhân có cảm giác ngon miệng.
Do sức khỏe yếu, bệnh nhân cũng sẽ gặp khó khăn trong việc đi lại và vệ sinh cá nhân. Người thân cần thường xuyên hỗ trợ, khích lệ tinh thần và đảm bảo cung cấp đủ các nhu cầu cơ bản của bệnh nhân, giúp bệnh nhân không cảm thấy mặc cảm hay chán nản. Nên khuyến khích bệnh nhân vận động nhẹ nhàng để cải thiện tuần hoàn và tránh đau nhức do nằm một chỗ quá lâu.
3.3 Động viên tinh thần cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối
Các bệnh nhân ung thư phổi ở giai đoạn cuối không chỉ đối mặt với những cơn đau thể xác mà còn phải chống chọi với cảm giác tuyệt vọng, suy sụp, và nuối tiếc về những điều chưa kịp thực hiện trong đời.
Trong khoảng thời gian còn lại, đôi khi tính bằng ngày, bằng tháng, việc nhận được sự ủng hộ và động viên từ người thân và bạn bè trở nên vô cùng thiết yếu. Sự quan tâm, hỗ trợ từ gia đình và bạn bè có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp bệnh nhân có thêm động lực và tinh thần để chiến đấu với bệnh tật.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.