Ung thư phổi có di truyền không là câu hỏi mà nhiều người đặt ra, đặc biệt là những người có người thân mắc phải căn bệnh này. Câu trả lời không hoàn toàn đơn giản, vì ung thư phổi là một căn bệnh phức tạp, chịu ảnh hưởng của cả yếu tố di truyền và môi trường. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này hãy tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của BS Hoàng Văn Quý, thuộc khối Di truyền y học - Trung tâm Công nghệ cao Vinmec.
1. Ung thư phổi là bệnh gì?
Ung thư phổi, với tỷ lệ mắc bệnh cao nhất toàn cầu, là một trong những dạng ung thư phổ biến nhất. Ở Việt Nam, ung thư phổi thường xuyên đứng trong danh sách ba loại ung thư có tỷ lệ mắc mới và tử vong cao nhất, bên cạnh ung thư gan và ung thư vú. Khoảng 80% bệnh nhân ung thư phổi tử vong sớm do bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn và hiệu quả điều trị bị giảm đi. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở giai đoạn này chỉ khoảng 5,2%.
2. Có bao nhiêu loại ung thư phổi?
Ung thư phổi có thể được phân thành hai loại chính dựa vào loại tế bào ung thư phát triển: ung thư phổi không tế bào nhỏ (Non small cell lung cancer – NSCLC) và ung thư phổi tế bào nhỏ (Small cell lung cancer – SCLC).
Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (NSCLC) là loại ung thư phổi phổ biến nhất, chiếm khoảng 85% tổng số ca ung thư phổi. Ngược lại, ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC) ít gặp hơn, nhưng có tốc độ phát triển nhanh chóng và dễ di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể. Hơn 50% bệnh nhân được chẩn đoán khi tế bào ung thư đã di căn ra ngoài phổi.
Hầu hết các bệnh nhân mắc ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC) sống không quá một năm sau điều trị và tỷ lệ sống sót sau 5 năm thấp hơn 7%. Cả 2 dạng ung thư phổi có thể di căn tới các vùng như phổi đối bên, màng phổi, não, gan, xương và tuyến thượng thận.
Bệnh ung thư phổi không nhỏ tế bào (NSCLC) chủ yếu gây ra bởi việc hút thuốc lá, bao gồm cả việc hút chủ động và hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc từ người khác). Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác có thể bao gồm ô nhiễm không khí, các bệnh phổi như lao và viêm phế quản mãn, tiếp xúc với hóa chất độc hại, bức xạ ion hóa và nghiện rượu.
3. Ung thư phổi có di truyền không?
Đối với câu hỏi ung thư phổi có di truyền không thì câu trả lời là có khả năng di truyền trong các thế hệ trong gia đình. Khi một người được chẩn đoán mắc bệnh hoặc qua đời vì ung thư phổi, những người trong gia đình có mối quan hệ huyết thống gần nhất (như cha mẹ, anh chị em ruột thịt và con cái) cũng có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này.
Khi gia đình một người có người thân đã từng mắc bệnh ung thư phổi, nguy cơ người đó mắc phải căn bệnh này có thể dao động từ 30% đến 50%. Đặc biệt, trong các trường hợp di truyền, ung thư có thể bắt đầu phát triển từ khi còn trẻ, ngay cả khi người đó không hút thuốc hay thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc và các chất hóa học độc hại.
Nguy cơ mắc ung thư phổi của các cá nhân có anh chị em ruột đã bị ung thư phổi là rất cao, dù đã thực hiện các biện pháp điều chỉnh lối sống và từ bỏ thuốc lá. Theo nghiên cứu, những người có người thân trong gia đình mắc ung thư phổi có khả năng mắc bệnh này cao hơn đáng kể so với người không có tiền sử gia đình mắc bệnh.
Đột biến gen có thể truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Tuy nhiên, hầu hết các đột biến gen gây ung thư phát sinh trong quá trình sống và không di truyền cho thế hệ sau. Tỷ lệ ung thư phổi di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác chỉ chiếm khoảng 8%.
Trong một nghiên cứu được thực hiện trên 230 cá nhân mắc bệnh ung thư phổi không hút thuốc, 18% trong số bệnh nhân đã được xác định có tiền sử gia đình mắc ung thư phổi. Tuy nhiên, để xác định chính xác nguyên nhân gây ung thư phổi của từng bệnh nhân, cần phải cân nhắc nhiều yếu tố nguy cơ khác như tiếp xúc với khói thuốc lá (dù là trực tiếp hay gián tiếp), ô nhiễm môi trường, tiếp xúc với hóa chất độc hại, phóng xạ…
Không chỉ tập trung vào ung thư phổi có di truyền không, bệnh nhân cũng nên lưu ý đến các nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao nhất để thực hiện các biện pháp phòng tránh phù hợp.
4. Đâu là những người dễ mắc ung thư phổi nhất?
Những yếu tố nguy cơ làm gia tăng nguy cơ bị ung thư phổi có thể kể đến như:
- Hút thuốc lá: Đây được coi là yếu tố chính gây nguy cơ phát triển ung thư phổi. Theo các nghiên cứu, từ 80% đến 90% trường hợp ung thư phổi có liên quan đến thuốc lá. Hỗn hợp khói thuốc lá chứa trên 7.000 hóa chất độc hại, trong đó có ít nhất 70 chất có khả năng gây ung thư cho người và động vật. Nguy cơ mắc ung thư phổi và tử vong vì bệnh này ở những người hút thuốc lá cao hơn từ 15 đến 30 lần so với người không hút.
- Hút thuốc lá thụ động: Việc tiếp xúc với khói thuốc từ người khác có thể gây ra nguy cơ tương đương với việc trực tiếp hút thuốc. Để giảm thiểu khả năng mắc ung thư phổi, bệnh nhân nên tránh tiếp xúc với người hút thuốc, tốt nhất nên nhắc nhở bản thân và người thân ngừng sử dụng thuốc lá càng sớm càng tốt.
- Hút thuốc lá điện tử: Mặc dù chưa có nghiên cứu nào xác định thuốc lá điện tử là yếu tố gây ung thư phổi, nhưng sản phẩm này vẫn mang theo nhiều hóa chất nguy hiểm. Việc tiêu thụ thuốc lá điện tử vẫn có thể đe dọa sức khỏe.
- Tiếp xúc với Radon: Khí phóng xạ tự nhiên Radon là nguyên nhân phổ biến dẫn đến ung thư phổi ở nhiều quốc gia, đặc biệt đối với những người không có thói quen hút thuốc lá.
- Khi tiếp xúc với amiăng (asbestos), một khoáng chất tự nhiên dạng sợi mảnh mịn, nguy cơ mắc ung thư phổi có thể gia tăng do việc hít phải các sợi amiăng.
- Nguy cơ ung thư phổi do tiếp xúc với chất gây ung thư trong môi trường làm việc: Một số chất gây ung thư độc hại, hiện diện trong môi trường làm việc, có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi.
- Tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc ung thư phổi: Nguy cơ mắc bệnh của con cái sẽ cao hơn nếu cha mẹ từng mắc ung thư phổi, đây cũng là câu trả lời cho “Ung thư phổi có di truyền không?”.
- Điều trị bằng tia xạ: Nguy cơ ung thư phổi có thể xảy ra ở những bệnh nhân đã từng được điều trị bằng tia xạ cho các loại ung thư khác.
- Ô nhiễm không khí: Các vùng có mật độ giao thông cao có thể khiến ô nhiễm không khí trở nên nghiêm trọng hơn, từ đó làm gia tăng khả năng mắc bệnh ung thư phổi.
Bệnh nhân nên chú ý rằng nguyên nhân gây ung thư phổi không chủ yếu từ yếu tố di truyền đơn lẻ mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Thói quen hút thuốc, sự ô nhiễm trong môi trường sống và làm việc, tiếp xúc với các hóa chất độc hại, cùng với các bệnh lý về phổi mãn tính đều có vai trò quan trọng trong việc xác định nguy cơ mắc ung thư phổi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.