Ung thư hậu môn: Dấu hiệu cảnh báo sớm

Ung thư hậu môn xảy ra trong ống ngắn ở cuối trực tràng để dẫn phân ra khỏi cơ thể. Ung thư hậu môn có thể có dấu hiệu như chảy máu trực tràng và đau hậu môn.

1. Tình hình mắc ung thư hậu môn hiện nay

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ ước tính có khoảng 8.200 trường hợp ung thư hậu môn sẽ được phát hiện vào năm 2017 và dự kiến khoảng 1.100 trường hợp tử vong trong năm đó do ung thư hậu môn.

Tuy nhiên, chỉ có khoảng nửa trong số các bệnh ung thư hậu môn được chẩn đoán trước khi khối u ác tính lan rộng ra khỏi vị trí ban đầu và 13% đến 25% được chẩn đoán sau khi ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết và 10% được chẩn đoán sau khi ung thư di căn đến các cơ quan xa hơn.

Khi được phát hiện sớm, ung thư hậu môn có khả năng điều trị cao với khả năng sống trong 5 năm đầu sau khi được chẩn đoán ung thư hậu môn là 60% đối với nam và 71% đối với nữ.

2. Triệu chứng cảnh báo sớm của ung thư hậu môn

Triệu chứng phổ biến nhất liên quan đến ung thư hậu môn là chảy máu.

Ngứa hậu môn cũng có thể là triệu chứng của bệnh ung thư, ban đầu nhiều người cho rằng họ bị chảy máu và ngứa là do bệnh trĩ dẫn đến việc chậm trễ chẩn đoán ung thư hậu môn.

Các biểu hiện của ung thư hậu môn cũng có thể như:

  • Đau hoặc cảm thấy nặng nề ở vùng hậu môn
  • Dịch tiết ra bất thường từ hậu môn
  • Sờ có cục gần hậu môn
  • Thay đổi thói quen đại tiện

Triệu chứng phổ biến nhất liên quan đến ung thư hậu môn là chảy máu
Triệu chứng phổ biến nhất liên quan đến ung thư hậu môn là chảy máu

3. Ai là người dễ mắc ung thư hậu môn?

Một số yếu tố đã được tìm thấy làm tăng nguy cơ ung thư hậu môn, bao gồm:

  • Tuổi cao: Hầu hết các trường hợp ung thư hậu môn xảy ra ở những người từ 50 tuổi trở lên.
  • Nhiều bạn tình: Những người có nhiều bạn tình có nguy cơ mắc ung thư hậu môn cao hơn so với những người chung thủy một vợ một chồng.
  • Quan hệ tình dục qua đường hậu môn: Những người thực hiện quan hệ tình dục qua đường hậu môn dễ tăng nguy cơ ung thư hậu môn.
  • Hút thuốc: Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ ung thư hậu môn.
  • Tiền sử bệnh ung thư: Những người đã mắc ung thư cổ tử cung, âm hộ hoặc âm đạo có nguy cơ ung thư hậu môn tăng cao.
  • Papillomavirus ở người (HPV): Nhiễm virus HPV làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bao gồm ung thư hậu môn và ung thư cổ tử cung. Nhiễm virus HPV là bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng có thể gây ra mụn cóc ở bộ phận sinh dục.
  • Thuốc điều trị hoặc bệnh ức chế hệ thống miễn dịch: Người bệnh phải sử dụng thuốc để ức chế hệ thống miễn dịch như người được cấy ghép nội tạng, người nhiễm virus HIV gây ra AIDS.

4. Nguyên nhân dẫn đến ung thư hậu môn

Ung thư hậu môn được hình thành khi đột biến gen ở các tế bào bình thường biến thành các tế bào bất thường. Các tế bào khỏe mạnh sẽ phát triển và nhân lên với tốc độ đã được xác định, cuối cùng sẽ chết theo chương trình đã định sẵn. Các tế bào bất thường phát triển và nhân lên vượt khỏi tầm kiểm soát và chúng không chết. Các tế bào bất thường tích lũy tạo thành một khối tạo thành khối u. Các tế bào ung thư xâm lấn các mô gần đó và có thể tách ra khỏi khối u ban đầu để lan rộng ra nơi khác trong cơ thể được gọi là di căn.

Ung thư hậu môn có liên quan chặt chẽ với siêu vi papilloma ở người (Human papillomavirus – HPV) hay Virus u nhú ở người, đây là bệnh lây truyền qua đường tình dục. Phần lớn người bệnh mắc bệnh ung thư hậu môn đều nhiễm virus HPV và HPV được cho là nguyên nhân phổ biến nhất của ung thư hậu môn.


Các tế bào ung thư xâm lấn các mô gần đó và có thể tách ra khỏi khối u ban đầu
Các tế bào ung thư xâm lấn các mô gần đó và có thể tách ra khỏi khối u ban đầu

5. Biến chứng của ung thư hậu môn

Ung thư hậu môn hiếm khi di căn đến các bộ phận xa của cơ thể. Chỉ một tỷ lệ nhỏ các khối u được phát hiện là đã lan rộng, nhưng những khối u này đặc biệt rất khó điều trị. Ung thư hậu môn di căn phổ biến nhất đến gan và phổi.

6. Phòng ngừa

Hiện nay, không có cách nào để phòng ngừa hoàn toàn bệnh ung thư hậu môn. Để giảm nguy cơ ung thư hậu môn bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau:

  • Quan hệ tình dục an toàn có thể giúp ngăn ngừa HPV và HIV, hai loại virus lây truyền qua đường tình dục có thể làm tăng nguy cơ ung thư hậu môn. Nếu bạn chọn quan hệ tình dục qua đường hậu môn, hãy sử dụng bao cao su.
  • Tiêm vắc-xin chống lại vi-rút. Hiện nay, có một số loại vắc-xin để bảo vệ chống nhiễm trùng HPV được khuyến cáo cho thanh thiếu niên, bao gồm cả bé trai và bé gái, nhưng cũng có thể được tiêm cho người lớn.
  • Bỏ thuốc lá. Hút thuốc làm tăng nguy cơ ung thư hậu môn. Không thử hút thuốc dù chỉ một lần và bỏ thuốc lá nếu bạn đang hút.

Ung thư hậu môn nếu không được xử trí sớm và đúng cách sẽ dẫn đến nhiều biến chứng đáng ngại và bất lợi cho sức khỏe. Vì vậy, người bệnh không nên ngại ngùng giấu kín hoặc điều trị ở những địa chỉ không đáng tin. Các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn cùng với sự trợ giúp của các trang thiết bị hiện đại tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec sẽ nhanh chóng giúp bạn gạt bỏ các phiền toái do bệnh gây ra và nhanh chóng trở lại với sinh hoạt cuộc sống bình thường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Mayoclinic.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe