Ung thư gan có di truyền không là một trong những câu hỏi được bệnh nhân quan tâm nhiều, vì đây là căn bệnh ung thư khá phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn rất ít người biết vẫn có rất nhiều yếu tố khác cần chú ý hơn về bệnh này.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Công nghệ cao Vinmec.
1. Vấn đề về đột biến gen và ung thư gan
Ung thư xuất phát từ các thay đổi trong ADN, hay còn được gọi là đột biến gen. Các thay đổi này có thể kích hoạt một số gen sinh ung thư hoặc tắt đi chức năng của gen ức chế khối u.
Các gen kiểm soát quá trình phát triển hay phân chia tế bào gan có thể bị ảnh hưởng bởi sự đột biến này. Vì vậy, người bệnh cần phải biết rõ về các loại gen ức chế khối u và phân biệt chúng với các loại gen gây ung thư.
- Gen gây ung thư là những gen giúp tế bào ung thư phát triển, phân chia và sống sót trước sự tấn công của hệ miễn dịch.
- Gen ức chế khối u là những gen giữ cho việc phân chia tế bào được kiểm soát, sửa chữa các lỗi trong ADN hoặc đảm bảo tế bào chết đi đúng thời điểm.
Thông thường, cần phải có nhiều thay đổi gen khác nhau để tạo điều kiện cho tế bào trở thành ung thư.
Ung thư gan là tình trạng mà các tế bào ung thư trong lá gan phát triển và lan rộng. Điều này xảy ra khi các tế bào gan chứa các đoạn ADN hoặc gen bị đột biến, dẫn đến sự phát triển quá mức và làm ảnh hưởng đến hoạt động của tế bào gan và các tế bào lân cận.
Ung thư gan sẽ gây ra tình trạng suy giảm chức năng của cơ quan này. Ở giai đoạn đầu của bệnh, hầu hết bệnh nhân không có triệu chứng rõ ràng, điều này khiến việc phát hiện ung thư gan thông qua các dấu hiệu bên ngoài trở nên khó khăn.
Tại Việt Nam, ung thư gan là một trong những loại ung thư phổ biến nhất, xếp thứ tư trong số các loại bệnh ung thư thường gặp. Bệnh thường xuất hiện ở người lớn tuổi, đặc biệt là trong độ tuổi từ 50 đến 60. Nam giới thường có nguy cơ mắc ung thư gan cao hơn khoảng 7 đến 8 lần so với phụ nữ.
Tuy nhiên, ung thư gan có di truyền không vẫn là một điều cần phải được cân nhắc vì nhiều lý do bên ngoài lẫn bên trong.
2. Ung thư gan có di truyền không?
Mặc dù ung thư gan không được xem là một căn bệnh có yếu tố di truyền mạnh mẽ, nhưng nếu như lịch sử gia đình của người bệnh có nhiều người mắc bệnh, đặc biệt là ung thư gan, câu trả lời cho việc ung thư gan có di truyền hay không sẽ là “có”, nhưng ở một mức độ rất thấp.
Có ba loại gen di truyền chính có thể gây ra ung thư gan theo nghiên cứu, bao gồm APC, HNF1A, AXIN2:
- Gen APC (đa polyp dị thường): Gen này nằm trên nhiễm sắc thể số 5 và đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát quá trình tế bào. Quá trình này bao gồm các chức năng như ức chế khối u và sự phát triển của tế bào.
- Gen HNF1A (yếu tố tế bào gan 1 homeobox A): Gen này nằm trên nhiễm sắc thể số 12 và xuất hiện trong các tuyến tụy hay gan. Gen này có chức năng kiểm soát các gen liên quan đến sự phát triển của gan và ức chế sự phân chia không kiểm soát của tế bào.
- Gen AXIN2 (hay protein giống Axin hoặc protein ức chế trục 2): Gen này có chức năng quan trọng trong việc điều chỉnh sự ổn định của beta-catenin trong đường tín hiệu Wnt, một vấn đề quan trọng trong sự phát triển của các khối u ác tính.
Ngoài ra, nhiễm virus viêm gan B (HBV) và viêm gan C (HCV), cùng với việc sử dụng rượu quá nhiều là các yếu tố nguy cơ cao gây ra ung thư gan. HBV và HCV có thể được truyền từ mẹ sang con qua đường máu, tuy nhiên không thông qua gen, do đó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cho trẻ nhỏ nếu người mẹ đã mắc bệnh trước khi sinh.
Tương tự như nhiều loại ung thư khác, ung thư gan ít có tính di truyền. Mặc dù ung thư gan không phụ thuộc nhiều vào yếu tố di truyền, nhưng việc xem xét các yếu tố gen di truyền liên quan đến ung thư gan có ý nghĩa quan trọng đối với những người có tiền sử gia đình mắc ung thư gan để có các biện pháp phòng tránh.
Chỉ khoảng 10% các trường hợp ung thư gan có thể được chuyển giao từ các thành viên trong gia đình có quan hệ huyết thống. Nếu ung thư gan được phát hiện sau tuổi 50, khả năng mắc ung thư gan do di truyền là rất ít.
Tuy nhiên, những người có quan hệ huyết thống với người mắc ung thư gan vẫn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người không có mối quan hệ huyết thống.
Việc ung thư gan có di truyền không cũng xuất hiện một phần rất nhỏ phụ thuộc vào giới tính của người bệnh.
3. Các nguyên nhân khác gây ung thư gan
Đến 80% trường hợp ung thư gan phát sinh trên nền bệnh xơ gan, với các nguyên nhân phổ biến bao gồm viêm gan B, viêm gan C và tiêu thụ quá nhiều rượu. Viêm gan C được xem là nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư gan.
Tuy nhiên, ở các nước châu Á như Việt Nam, viêm gan B thường là nguyên nhân chính gây ra căn bệnh ung thư gan. Nếu một người bệnh bị nhiễm cả hai loại virus này, rủi ro mắc ung thư gan sẽ tăng lên rất cao, đặc biệt là trong trường hợp của những người bệnh nghiện rượu nặng.
Viêm gan B, một nguyên nhân thường gặp, có thể được phòng tránh thông qua xét nghiệm và tiêm phòng vacxin chống viêm gan B.
Bên cạnh đó, các nguyên nhân khác gây ra ung thư gan bao gồm nhiễm độc bởi chất aflatoxin từ nấm và xơ gan do sắt ứ đọng hoặc tích tụ trong cơ thể. Hút thuốc lá và béo phì cũng là các yếu tố làm tăng nguy cơ cho sự xuất hiện của ung thư gan.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.