Mặc dù u trung thất có thể lành tính hoặc ác tính nhưng nếu không được điều trị, nó sẽ gây biến chứng cho phổi và đe dọa đến tính mạng người bệnh. Do đó, việc cắt bỏ khối u là một chỉ định cần thiết cho bệnh nhân.
1. Tổng quan về u trung thất
Trung thất là một phần trung tâm của ngực, bên trong có các cơ quan như tuyến ức, mạch máu lớn, dây thần kinh, thực quản đoạn ngực, tim và màng ngoài tim,... Xét về mặt cấu trúc giải phẫu, trung thất được bao quanh bởi giới hạn:
- Phía trước là xương ức và các sụn sườn;
- Phía sau là các đốt sống ngực;
- 2 bên là màng phổi;
- Mặt dưới là cơ hoành;
- Phía trên là vùng nền cổ.
Khi các tế bào mầm hoặc tế bào tăng sinh phát triển trong mô tuyến ức, mô thần kinh và mô bạch huyết sẽ tạo ra khối u trung thất. U trung thất nằm trong lồng ngực, xuất hiện tại khu vực trước hoặc sau trung thất và chiếm đến khoảng 90% các bệnh lý thuộc trung thất. Khối u nguyên phát hoặc thứ phát, có thể được hình thành từ tế bào lành tính hoặc ác tính quá phát. Bệnh lý này cũng được phân thành nhiều loại khác nhau, dựa trên nguồn gốc hình thành của các u nang từ những tổ chức nằm trong hay ngoài trung thất.
2. Biểu hiện u trung thất
Trong hầu hết các trường hợp, giai đoạn đầu bệnh nhân gần như không có triệu chứng vì khối u trung thất thường tiến triển một cách âm thầm, lặng lẽ. Chính vì vậy bệnh ít khi được phát hiện sớm cho đến khi người có khối u xuất hiện các triệu chứng như:
- Đau ngực, khó thở khi nằm ngửa;
- Khò khè, thở rít, có khi ho ra máu;
- Khó nuốt do khối u chèn vào thực quản;
- Mệt mỏi, sụt cân, suy yếu cơ thể;
- Bội nhiễm đường hô hấp;
- Sưng phù nề, đau khớp;
- Một số biểu hiện lâm sàng khác tùy theo tạng u bị chèn ép, khiến chức năng sống, tuần hoàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đôi khi mức độ tổn thương giải phẫu và các rối loạn bệnh lý lại không tương xứng nhau, có nghĩa là những u ác tính hiếm có triệu chứng lâm sàng và ngược lại, một số u lành tính xuất hiện sớm cũng như rõ ràng.
Theo thời gian, khối u trung thất có thể lớn dần, chèn ép hoặc xâm lấn các cơ quan chủ chốt lân cận như tim, phổi, mạch máu lớn,... làm cản trở lưu thông tuần hoàn và hô hấp. Nếu là khối u ác tính, nguy cơ di căn đến màng tim hoặc phổi đe dọa tính mạng của người bệnh là rất cao.
3. Xét nghiệm và xử trí khối u trung thất
3.1. Các xét nghiệm cần làm
Trước khi có chỉ định cắt u trung thất bệnh nhân sẽ được thăm khám tổng thể và chẩn đoán chính xác tình trạng hiện tại thông qua các xét nghiệm, từ đó hỗ trợ bác sĩ đưa ra hướng điều trị phù hợp. Cụ thể:
- Xét nghiệm hô hấp, đánh giá chức năng phổi;
- Xét nghiệm máu để tìm nguyên nhân gây ra khối u;
- Chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang ngực, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc cộng hưởng từ (MRI) ngực.
Bên cạnh đó, còn bao gồm một số xét nghiệm tiền phẫu bổ sung cần thiết dựa trên từng trường hợp khác nhau nhằm phục vụ cho quá trình cắt u trung thất diễn ra an toàn và hiệu quả nhất.
3.2. Xử trí khối u trung thất
Như đã đề cập ở trên, khối u trung thất dù là lành tính hay ác tính đều có nguy cơ chèn ép và gây biến chứng, ảnh hưởng đến phổi, đường thở và các cơ quan lân cận của người bệnh. Do đó, hầu hết khối u phát triển trong trung thất đều cần thiết được chỉ định xử lý bằng cách sinh thiết, phẫu thuật cắt bỏ hoặc dùng hóa trị/xạ trị đối với các trường hợp phát hiện tế bào ung thư trung thất.
- Sinh thiết
Là thủ thuật lấy một mẫu khối u ra xem dưới kính hiển vi để xác định u lành hoặc ác tính trước chỉ định mổ. Đôi khi sinh thiết qua ngực cũng được dùng để loại bỏ hoàn toàn khối u. Các bước sinh thiết được tiến hành với kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, hạn chế tổn thương và phục hồi nhanh chóng nên được áp dụng với hầu hết các bệnh nhân.
- Cắt u trung thất
Được chỉ định khi khối u trung thất có dấu hiệu ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của bệnh nhân. Tuy nhiên mức độ phức tạp của ca phẫu thuật còn phụ thuộc vào kích thước và vị trí của khối u, sự liên quan với những cấu trúc khác trong lồng ngực, cũng như tình trạng tổng thể của người bệnh.
- Hóa trị hoặc xạ trị
Đây được xem là cách điều trị tốt ở một số trường hợp khối u ác tính, gây ung thư trung thất mà không cần phải phẫu thuật cắt bỏ.
4. U trung thất có nguy hiểm không?
Như vậy, mức độ nguy hiểm của khối u trung thất không chỉ nằm ở những biến chứng có nguy cơ gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời, mà còn là ở sự phức tạp của kỹ thuật loại bỏ khối u. Nếu các khối u hình thành ở những vị trí giáp với nhiều mạch máu lớn quan trọng (động - tĩnh mạch chủ), khí quản, thực quản,... thì đòi hỏi đường tiếp cận phẫu thuật bóc tách phải có độ chính xác cực cao, tránh tàn phá các tổ chức lân cận.
Để thực hiện thành công những trường hợp phẫu thuật bóc tách khối u phát triển tại vị trí “hiểm” trong lồng ngực, cần có sự hỗ trợ của hệ thống siêu âm nội soi hiện đại - có chức năng sinh thiết xuyên thành nhằm đánh giá chính xác vị trí của u là nằm dưới niêm mạc thực quản hay trong trung thất, cũng như mức độ xâm lấn sang các tổ chức xung quanh của khối u. Đây là một trong những kỹ thuật cao, chuyên sâu của ngành phẫu thuật lồng ngực, chỉ được thực hiện ở bệnh viện lớn, uy tín.
Bác sĩ khuyến cáo người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ, kết hợp chụp X-quang tim phổi thẳng hoặc CT scan ngực theo chỉ định để phát hiện u trung thất sớm. Nếu không được chẩn đoán và phẫu thuật loại bỏ kịp thời khối u, điều trị trễ có thể dẫn đến các biến chứng phức tạp, nguy hiểm tính mạng bệnh nhân. Để chữa trị dứt điểm bệnh lý nguy hiểm này, đòi hỏi năng lực và trình độ chuyên môn của đội ngũ bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật lồng ngực, cũng như trang thiết bị hiện đại của bệnh viện thực hiện mới đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật cao khi bóc tách thành công khối u trung thất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM: