Cắt u trung thất bằng mổ mở

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Vũ Văn Quân - Phó trưởng khoa ngoại - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ đã có hơn 10 kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành Ngoại Tiêu Hóa Tổng Hợp.

U trung thất là tình trạng bệnh lý mà vùng trung thất của cơ thể có sự xuất hiện của khối u lành tính hoặc ác tính, có thể là khối u trung thất trước hoặc khối u sau trung thất. Để điều trị tình trạng này thì cắt u trung thất được xem là một phương pháp điều trị hợp lý, hiệu quả, tuy nhiên vẫn có một số biến chứng nguy hiểm cần lưu ý khi mổ u trung thất.

1. Khối u trung thất trước

Khối u trung thất trước là một khối u có thể là u lành tính hoặc u trung thất ác tính xuất hiện ở vùng trước của trung thất, biểu hiện trên lâm sàng của tình trạng này có thể là đau vùng sau lưng. Bên cạnh đó cũng có thể có u vùng sau trung thất và một số vị trí khác. Khối u trước trung thất thường phát triển rất âm thầm, ít có biểu hiện nên người bệnh thường phát hiện ra tình trạng bệnh lý này ở giai đoạn muộn. Ở giai đoạn sau của tình trạng xuất hiện khối u trung thất thì bệnh nhân có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe ở các cơ quan như tim, phổi, những mạch máu lớn trong cơ thể làm những hoạt động hô hấp, tuần hoàn bị cản trở. Lúc này, bệnh nhân có thể có những dấu hiệu nghiêm trọng như đau tức ngực, khó thở, ho có máu, sụt cân, cơ thể bị suy yếu...

Nếu khối u trung thất trước di căn đến màng tim thì có thể ảnh hưởng đến chức năng tuần hoàn của cơ thể và gây tử vong. Vì vậy bệnh nhân cần được phát hiện bệnh sớm nhất, hoặc thường xuyên tầm soát ung thư để có thể điều trị thành công căn bệnh nguy hiểm này.


Vị trí trung thất trước
Vị trí trung thất trước

Nguyên nhân bị u trung thất rất đa dạng và vẫn còn đang được nghiên cứu để hoàn thiện. Tuy nhiên, để nhận biết được đang bị u trung thất thì vẫn có những dấu hiệu nhất định giúp người bệnh nghĩ đến và thực hiện thăm khám, làm những xét nghiệm cần thiết để kiểm tra như:

  • Với u trung thất ác tính thì có thể bị phù mặt, phù mắt, tím người, chóng mặt, ù tai... Một thời gian sau thì có thể phù ở tay và cẳng tay, tĩnh mạch nông trước ngực bị giãn, tĩnh mạch cổ nổi, hố trên đòn bị đầy... là những dấu hiệu của chèn ép tĩnh mạch chủ trên
  • Khó thở, tiếng thở khò, ho khan
  • U trung thất giữa thì có thể có khàn tiếng, khó phát âm, khi soi phế quản thì thấy dây thanh âm trái liệt.
  • Chụp X quang thấy chèn ép dây thần kinh hoành
  • Nuốt khó do khối u chèn ép thực quản.
  • Một số triệu chứng khác như sụp mí, hẹp khe mắt, đồng tử co lại, nửa mặt bị bừng nóng, đau xương ức, nổi hạch ở vùng cổ, nách, xương đòn. Đặc biệt u thần kinh trung thất có thể dẫn đến triệu chứng nấc ở bệnh nhân.

Những biến chứng nguy hiểm có thể kể đến khi bị u trung thất đó là:


Hội chứng tràn dịch màng phổi
Hội chứng tràn dịch màng phổi

2. Cắt u trung thất

Sau khi được làm các xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm máu, chụp X quang, chụp cắt lớp vi tính, sinh thiết để chẩn đoán xác định u trung thất cũng như xác định khối u lành hay u trung thất ác tính thì trong đa số trường hợp, bệnh nhân sẽ có chỉ định cắt u trung thất nếu đã đến giai đoạn khối u chèn ép lên những bộ phận khác và gây ra những biến chứng nguy hiểm về hô hấp và tuần hoàn của người bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể được phối hợp điều trị bằng phương pháp hóa trị hoặc xạ trị để hiệu quả điều trị được cao nhất.

Để chuẩn bị cho việc mổ u trung thất được diễn ra thuận lợi nhất thì cần làm những bước sau cho bệnh nhân để đánh giá tổng trạng của bệnh nhân trước khi tiến hành cắt u trung thất:

  • Đánh giá tình trạng viêm phế quản, viêm phổi trên bệnh nhân và điều trị ổn định nếu có trước khi phẫu thuật.
  • Đánh giá tình trạng hẹp khí quản, khó thở, tình trạng thiếu oxy ở bệnh nhân.
  • Xét nghiệm công thức máu
  • Xét nghiệm khí máu động mạch để đánh giá mức độ của bệnh phổi, trung thất của bệnh nhân.
  • Đo chức năng hô hấp
  • Kiểm tra tình trạng tim mạch của bệnh nhân, có thể là siêu âm tim
  • Chụp X quang ngực, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ để khảo sát tình trạng lệch khí quản, thâm nhiễm phổi, hội chứng tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi và những tổn thương phổi lân cận.
  • Sinh thiết qua ngực hoặc sinh thiết qua nội soi, sinh thiết qua da để kiểm tra khối u.

Hình ảnh khối u trung thất đã được cắt bỏ
Hình ảnh khối u trung thất đã được cắt bỏ

Một số phương pháp cắt u trung thất đang được sử dụng hiện nay như phẫu thuật nội soi u trung thất, thủ thuật Chamberlain, phẫu thuật xâm lấn cắt u trung thất...

2.1 Phẫu thuật nội soi u trung thất

Phẫu thuật nội soi u trung thất là phương pháp nhằm thăm dò sự xâm lấn của khối u ở phổi, ngoài phổi lên trung thất để chẩn đoán u trung thất cũng như điều trị u trung thất. Phương pháp được thực hiện bằng cách bác sĩ điều trị rạch một đường nhỏ trên vùng đầu xương ức và đưa ống nội soi vào dưới xương ức, vùng trước khí quản. Phương pháp này vẫn cần gây mê và có thể gây kích thích khí quản của người bệnh cũng như kích thích carina và phế quản gốc của người bệnh theo từng cơn.

Một số biến chứng của phẫu thuật nội soi u trung thất đó là tràn khí màng phổi, rách mạch máu lớn, tổn thương đường hô hấp, chèn ép khí quản...

2.2 Thủ thuật Chamberlain

Được thực hiện bằng cách rạch một đường gần xương ức, sinh thiết phần phổi và khối u trung thất trước để chẩn đoán hoặc dẫn lưu áp xe. Bệnh nhân trong lúc thực hiện thủ thuật này cần nằm ngừa và được gây mê toàn thân. Sau khi thực hiện thủ thuật thì cần theo dõi tình trạng tràn khí màng phổi ở bệnh nhân thật kỹ càng.

2.3 Phẫu thuật cắt u trung thất

Cắt u trung thất là một trong những phương pháp tối ưu nhất trong điều trị u trung thất. Các kỹ thuật mổ u trung thất được thực hiện như sau:

  • Rạch giữa 2 xương sườn để mở lồng ngực giúp cho việc loại bỏ những khối u dễ dàng hơn.
  • Mở xương ức để bộc lộ tim, mạch máu, phổi để có thể loại bỏ được những khối u có kích thước lớn
  • Trong quá trình thực hiện phẫu thuật cắt u trung thất thì bệnh nhân cần đước gây mê toàn thân cũng như dùng những loại thuốc hỗ trợ như thuốc giãn cơ.
  • Một số biến chứng nguy hiểm của phương pháp này đó là rách tâm thất phải, rách tâm nhĩ, rách mạch máu lớn.
  • Sau khi kết thúc phẫu thuật thì bệnh nhân cần được hỗ trợ bằng thuốc giảm đau, có thể là thuốc giảm đau chống viêm không steroid hoặc phương pháp giảm đau ngoài màng cứng.

Phẫu thuật cắt u trung thất
Phẫu thuật cắt u trung thất

2.4 Các phương pháp xâm lấn tối thiểu khác

Một số phương pháp điều trị u trung thất ít xâm lấn hơn như:

  • Phẫu thuật ngực hỗ trợ bằng Video hay còn gọi là VATS: dùng công nghệ hiện đại bằng video để tăng khả năng hồi phục nhanh chóng cho người bệnh bằng cách thiết lập một camera giữa xương sườn để những kỹ thuật cắt u trung thất được thực hiện dễ dàng hơn.
  • Phẫu thuật bằng Robot: đây là phương pháp rất hiện đại, dùng robot trong phẫu thuật giúp thấy được hình ảnh bên trong lồng ngực và có thể phẫu thuật thông qua cánh tay robot giúp cho những chấn thương cũng như biến chứng được giảm thiểu.

Phẫu thuật cắt u trung thất hiện nay đang được đầu tư phát triển, tùy vào những tình trạng bệnh lý khác nhau mà có thể lựa chọn những phương pháp điều trị phù hợp, có thể là mổ u trung thất hở như trước đây, phẫu thuật nội soi u trung thất hay những phương pháp xâm lấn tối thiểu khác.

Video đề xuất:

Tầm soát ung thư: Phương pháp phát hiện sớm bệnh, giảm chi phí điều trị và tỷ lệ tử vong do ung thư

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe