U não thất là loại u khó can thiệp, dễ gây tổn thương khi phẫu thuật. Vì vậy, phương pháp phẫu thuật nội soi sinh thiết u não thất để lấy mô bệnh phẩm phục vụ sinh thiết đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều trị cho bệnh nhân.
1. Sơ lược về u não thất
Não là một khối mô mềm, xốp, được bảo vệ bởi các xương sọ và 3 lớp màng não. Dịch não tủy lưu thông trong não, làm đệm nước cho não. Dịch não tủy chảy qua các khoảng trống giữa các màng não và khoảng trống trong não - được gọi là não thất. Não làm nhiệm vụ chỉ huy những việc cơ thể chủ động làm hoặc cơ thể thực hiện một cách vô thức. Ngoài ra, não còn chịu trách nhiệm về các giác quan, trí nhớ, cảm xúc và nhân cách.
U não thất là tình trạng xuất hiện một khối u ở não thất. Khối u hình thành do sự tăng sinh của các tế bào bất thường tập hợp lại với nhau. U não thất có thể lành tính hoặc u ác tính.
U não thất gây ra một số triệu chứng gồm: Nhức đầu, buồn nôn và nôn ói, khó khăn trong giữ thăng bằng và đi lại, thay đổi giọng nói, thính giác hoặc thị giác, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, động kinh, da xanh tái, thay đổi tính cách hoặc khả năng tập trung, tê hoặc châm chích chân tay,...
Khi nghi ngờ u não, bác sĩ sẽ thực hiện một hay nhiều biện pháp chẩn đoán gồm: Khám thực thể, khám thần kinh, chụp cắt lớp vi tính sọ não, chụp cộng hưởng từ (MRI). Ngoài ra, bệnh nhân có thể cần thực hiện thêm các xét nghiệm như chụp mạch máu, chụp X-quang sọ não, sinh thiết.
2. Sự cần thiết của phẫu thuật nội soi sinh thiết u não thất
Cùng với sự phát triển của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, việc phát hiện bệnh nhân có tổn thương trong não, đặc biệt là u não trở nên đơn giản hơn. Việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp và tiên lượng hiệu quả điều trị phụ thuộc vào bản chất của khối u là lành tính hay ác tính.
Để đánh giá u lành hay u ác, cần lấy được mẫu bệnh phẩm từ khối u để giải phẫu. Việc lấy mẫu bệnh phẩm có thể được tiến hành thông qua phẫu thuật mở. Tuy nhiên, đối với u não thất hay các loại u não nằm sâu trong nhu mô não hoặc các vùng não chức năng, phương pháp phẫu thuật có thể gây tổn thương cho các mô não lành, dễ đe dọa tính mạng bệnh nhân hoặc để lại những di chứng nặng nề. Trong trường hợp này, việc lấy mẫu bệnh phẩm bằng phương pháp sinh thiết có ý nghĩa vô cùng lớn.
Hiện nay, sinh thiết u não có thể tiến hành qua sinh thiết mở hoặc sinh thiết định vị. Sinh thiết mở được thực hiện cho những tổn thương nông ở bề mặt vỏ não. Còn với những tổn thương nhỏ, nằm sâu trong nhu mô não, việc sinh thiết mở khó có thể lấy được các mô bệnh phẩm một cách chính xác. Vì vậy, phương án sinh thiết nội soi dựa trên hướng dẫn của hệ thống định vị đã trở thành lựa chọn tối ưu để lấy chính xác mô bệnh phẩm, hạn chế tối đa tổn thương nhu mô não lành.
3. Quy trình phẫu thuật nội soi sinh thiết u não thất
3.1 Chỉ định
Chỉ định phẫu thuật nội soi sinh thiết u não thất cho các trường hợp u trong não thất và u cạnh não thất bên, não thất III có kèm theo tình trạng giãn não thất.
3.2 Chuẩn bị
- Nhân sự thực hiện: Bác sĩ chuyên ngành ngoại thần kinh, phụ tá;
- Phương tiện: Khoan sọ, dụng cụ nạo xương, dụng cụ tách xương, sáp xương; hệ thống nội soi não thất (ống nội soi mềm có thể chỉnh hướng với đường kính ngoài 4mm hoặc ống nội soi cứng với đường kính ngoài 6mm nếu não thất giãn nhiều, nguồn sáng, dây dẫn, hệ thống bơm rửa, màn hình, đốt monopolar hoặc bipolar); kìm sinh thiết; hệ thống định vị thần kinh (dùng trong trường hợp não thất không giãn nhiều hoặc cấu trúc giải phẫu não thất bị thay đổi) để xác định điểm khoan sọ và quỹ đạo sinh thiết khối u não thất;
- Bệnh nhân: Được chẩn đoán xác định u não thất, được kiểm tra các chỉ số khác của cơ thể, được bác sĩ chia sẻ thông tin về mục đích phẫu thuật, quy trình thực hiện và các tai biến có thể xảy ra,...;
- Hồ sơ bệnh án: Ghi đầy đủ thông tin của bệnh nhân, không có các chống chỉ định phẫu thuật mổ gây mê; hình ảnh học MRI não trước phẫu thuật để bác sĩ nắm rõ các đặc điểm hình ảnh học trước khi mổ.
3.3 Thực hiện phẫu thuật
- Kiểm tra hồ sơ theo quy định;
- Kiểm tra người bệnh đúng người, đúng bệnh;
- Gây mê toàn thân;
- Cho bệnh nhân nằm ngửa, đầu cao 30°;
- Xác định vị trí khoan sọ: Thường cách khớp trán 1cm, cách đường giữa 2 - 3cm, rộng khoảng 6 - 14mm; vị trí lỗ khoan sọ có thể thay đổi trong từng trường hợp cụ thể tùy theo vị trí khối u não thất;
- Mở màng cứng hình chữ thập, sử dụng hệ thống ống nội soi để quan sát khối u;
- Chọn vị trí ít mạch máu nhất, dùng kìm sinh thiết lấy mẫu khối u, chú ý không đốt trên u trước khi bấm sinh thiết vì có thể thay đổi mô học, không cố lấy nhiều và hạn chế các thao tác xoắn vặn trên u;
- Đốt cầm máu trên u, bơm rửa dịch não tủy.
3.4 Theo dõi và xử trí tai biến sau phẫu thuật
Tỷ lệ tai biến trong và sau phẫu thuật nội soi sinh thiết u não thất tương đối thấp, không quá 13% và tỷ lệ tử vong chỉ 0,7%. Một số tai biến có thể gặp là:
- Chảy máu không kiểm soát (còn gọi là xuất huyết não thất), nên xử trí bằng cách đặt dẫn lưu não thất ra ngoài;
- Động kinh: Dự phòng bằng cách sử dụng thuốc phòng ngừa động kinh trong tất cả các trường hợp có thủ thuật xâm lấn vào não;
- Viêm màng não: Xác định tác nhân gây viêm và sử dụng loại kháng sinh phù hợp;
- Giãn não thất: Nếu nguyên nhân giãn não thất cấp là do xuất huyết thì cần đặt dẫn lưu não thất ra ngoài. Nếu giãn não thất muộn thì cần đặt VP - Shunt;
- Mắc hội chứng Parinaud thoáng qua: Xử trí theo phác đồ được chỉ định;
- Máu tụ trong não: Tùy thuộc vào kích thước máu tụ có thể lựa chọn điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật.
Phẫu thuật nội soi sinh thiết u não thất là thủ thuật quan trọng và có tỷ lệ an toàn cao. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần phối hợp tốt với bác sĩ để giảm tối đa nguy cơ có thể gặp phải những rủi ro không mong muốn trong và sau khi thực hiện thủ thuật này.
XEM THÊM