U schwannoma là một loại u lành tính có thể nằm ở các vị trí trong hệ thống thần kinh ngoại biên. Những bệnh nhân mắc phải căn bệnh này thường gặp khó khăn trong vận động hàng ngày và gây ra nhiều biến chứng khác. Vậy cụ thể u schwannoma là gì? Hãy cùng tham khảo những thông tin trong bài viết sau đây để hiểu rõ hơn về u schwannoma là bệnh gì và có biện pháp điều trị hiệu quả khi mắc phải.
1. Schwannoma là gì
Schwannoma là những khối u hiếm, được phát sinh từ các tế bào schwannoma trong vỏ bọc thần kinh và thường được tìm thấy trong hệ thống thần kinh trung ương, tủy sống hoặc ở các dây thần kinh ngoại biên của cơ thể. Ngoài ra, chúng còn được tìm thấy ở trong ổ bụng, đường tiêu hóa và trung thất.
Tuổi mắc bệnh u schwannoma trung bình là từ 20 - 50 tuổi và thường gặp nhiều hơn ở nữ giới. Đôi khi, bệnh nhân phát hiện bệnh khi đi kiểm tra sức khỏe hoặc có các triệu chứng của khối u gây chèn ép các cơ quan lân cận.
Tùy vào từng cơ quan tổn thương như hệ thần kinh trung ương mà khối u thường có kích thước nhỏ. Tuy nhiên, ở một số vị trí khác như ổ bụng, đường tiêu hóa hay trung thất đôi khi gặp các khối u lớn với các đặc điểm như tổn thương u dạng nang, vôi hóa, xơ hóa.
2. Nguyên nhân gây u schwannoma
Như vậy, mọi người đã biết được u schwannoma là u gì hay u schwannoma là bệnh gì? thì nguyên nhân gây bệnh là do đâu?
Schwannoma là loại u thần kinh ngoại biên lành tính mà nguyên nhân của bệnh thường không được xác định rõ ràng. Một số trường hợp bệnh nhân là do di truyền, chấn thương hoặc do phẫu thuật.
Một số u schwannoma có thể gây phì đại và gây ra dị dạng ở cột sống hoặc ở xương chậu. Dù u schwannoma phát triển chậm nhưng nếu chúng phát triển có kích thước lớn hơn thì việc loại bỏ sẽ khó khăn hơn. Trong trường hợp hiếm, mắc u schwannoma ở gần não (schwannoma tiền đình) có thể gây mất thăng bằng hoặc gặp vấn đề về thính giác.
U schwannoma thường phát triển dạng đơn lẻ, nhưng cũng có một số trường hợp người bệnh có nhiều khối u schwannoma ở chân, cánh tay hoặc trên cơ thể, nó được gọi là schwannomatosis là một dạng hiếm của u sợi thần kinh.
3. Triệu chứng u schwannoma là gì?
Triệu chứng của một khối u schwannoma xảy ra là do khối u tác động trực tiếp lên bên trong dây thần kinh hoặc khối u tạo áp lực bên ngoài vào các dây thần kinh, mô và mạch máu gần đó.
Khi khối u phát triển, các triệu chứng sẽ rõ ràng hơn và tùy vào vị trí của khối u mà bác sĩ có thể xác định nguy cơ tác động đến cơ thể. Do đó kích thước của khối u không phải là yếu tố chính trong một số triệu chứng bệnh.
Các dấu hiệu của bệnh là khác nhau tùy thuộc vào vị trí của khối u và mô nào bị ảnh hưởng, một số triệu chứng như:
- Sưng hoặc có u cục dưới da.
- Đau và có cảm giác ngứa ran hoặc tê bì.
- Khu vực ảnh hưởng bởi khối u bị yếu hoặc mất chức năng.
- Mất thăng bằng, chóng mặt.
4. Phương pháp chẩn đoán u schwannoma là gì
Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh u schwannoma bằng các bước như:
- Hỏi kỹ bệnh sử: Bác sĩ sẽ xem xét kỹ bệnh sử, cũng như tiền sử của bệnh nhân, bao gồm: các triệu chứng, lối sống và tiền sử bệnh lý thần kinh của những người trong gia đình.
- Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ quan sát các vị trí của khối u xuất hiện, đánh giá mức độ đau nếu có.
- Xét nghiệm máu: Nhằm kiểm tra mức độ thiếu hụt lượng vitamin, đường trong máu và các bất thường hệ miễn dịch...
- Hình ảnh học: Chụp CT hoặc chụp MRI để phân loại được khối u schwannoma lành tính ở người bệnh.
- Xét nghiệm đánh giá chức năng thần kinh nhằm ghi lại hoạt động dẫn truyền tín hiệu trong thần kinh – cơ của người bệnh.
Sau khi thăm khám và chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ và phương pháp điều trị phù hợp.
5. Phương pháp điều trị u schwannoma là gì?
Để điều trị u schwannoma thì cần phối hợp giữa thăm khám lâm sàng và xét nghiệm, chụp CT, MRI để đưa ra chẩn đoán chính xác nhằm có hướng điều trị phù hợp. Đối với u schwannoma thì phương pháp điều trị tốt và phù hợp nhất đó là phẫu thuật bóc u vi phẫu. Phương pháp này cần được thực hiện tại cơ sở y tế, bệnh viện có uy tín, do đội ngũ bác sĩ chuyên khoa có chuyên môn thực hiện trong phòng phẫu thuật có đầy đủ phương tiện, kỹ thuật hiện đại.
Vì vậy, người bệnh khi có những triệu chứng nghi ngờ hoặc đã được chẩn đoán mắc u schwannoma thì cần đến các đơn vị y tế đảm bảo về chuyên môn để thực hiện điều trị nhằm loại bỏ khối u schwannoma ra khỏi cơ thể nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ. Sau khi phẫu thuật ổn định thì bệnh nhân cần phải kiểm tra định kỳ sau 3 tháng. Sau phẫu thuật có thể khỏi hoàn toàn và không hề để lại di chứng cho người bệnh.
Tóm lại, u schwannoma là khối u lành tính không gây đe dọa nhiều đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì bệnh nhân có thể bị biến chứng, gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống hàng ngày. Do đó, khi đã được chẩn đoán mắc bệnh từ các bác sĩ chuyên môn thì người bệnh cần thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ để tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.