Bài viết được viết bởi BSCKI Nguyễn Việt Anh và ThS.BS Tống Dịu Hường - Khoa Chẩn Đoán Hình Ảnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
Thông qua hình ảnh chụp MRI cột sống thắt lưng có thể nhận thấy được có hay không tình trạng hẹp ống sống theo chiều trước sau, cột sống có thoái hóa tạo thành gai xương thân đốt sống hay không...
1. Đôi nét về cột sống thắt lưng
Cột sống thắt lưng gồm 5 đốt sống được đánh số thứ tự từ L1 đến L5. Các đốt sống thắt lưng thường to, khỏe hơn nhiều so với các đốt sống khác trên cột sống để chịu toàn bộ sức nặng của con người gia trọng lên nó. Đặc điểm của bộ phận này là thân đốt sống hình trụ, lỗ đốt sống nhỏ hình tam giác, chiều trước/sau lớn hơn chiều ngang. Đoạn lưng của cột sống cong lõm ra sau. So với phía sau thì chiều cao phía trước thân sống lớn hơn ở L1, L2, đoạn trung gian ở L3 và nhỏ hơn ở L4, L5.
2. Cộng hưởng từ cột sống thắt lưng là gì?
Chụp cộng hưởng từ (còn gọi là MRI) là kỹ thuật dùng từ trường và sóng radio để tái hiện chi tiết hình ảnh của các bộ phận cơ thể. MRI là một trong các kỹ thuật hình ảnh bác sĩ dùng để chẩn đoán các bệnh ở vùng cột sống thắt lưng nói riêng và các bộ phận trên cơ thể nói chung.
Điểm khác biệt của MRI với Xquang, CT-Scan (chụp cắt lớp vi tính) ở chỗ không sử dụng tia phóng xạ, do đó, khi chụp MRI, người bệnh sẽ không cần phải lo lắng bị ảnh hưởng gì về mặt sinh học hay tia xạ. Đây là một kỹ thuật không xâm lấn, không có tác dụng phụ. Khi chụp MRI sẽ thu được chi tiết giải phẫu tốt, độ tương phản cao, có thể thấy được hầu hết các cấu trúc vùng thắt lưng như mô mềm, tín hiệu tủy xương của thân sống, các thành phần của các dây và rễ thần kinh vùng cột sống thắt lưng, các mấu khớp, dây chằng mà các kỹ thuật khác như Xquang, CT-Scan bị hạn chế.
Nhưng chụp MRI sẽ có những điểm hạn chế như tiếng ồn lớn trong quá trình chụp, thời gian chụp lâu (30-60 phút tùy từng kỹ thuật chụp), do đó, đối với người bệnh có chứng sợ phòng kín hoặc trẻ nhỏ sẽ có thể rất khó chụp vì kỹ thuật này yêu cầu nằm không cử động trong khoảng thời gian tương đối dài.
3. Phương pháp này được thực hiện như thế nào?
- MRI giúp phát hiện một loạt bệnh lý của cột sống thắt lưng như: Thoát vị đĩa đệm, gai đốt sống, thoái hóa cột sống thắt lưng,... Không những thế, nó còn xác định các tổn thương như lao cột sống, có khối chèn ép của u bướu, chấn thương, viêm nhiễm,...
- Khi nhận thấy các triệu chứng sau, nên nghĩ tới việc tham khảo ý kiến bác sĩ về việc chụp MRI cột sống thắt lưng:
- Sau khi mang vác vật nặng bị đau nhức lưng hoặc đau nhức lưng trong thời gian dài mà không rõ nguyên nhân.
- Mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột.
- Có tiền sử bệnh ung thư đã biết trước, nay có đau vùng cột sống mà không giảm khi dùng các thuốc giảm đau.
- Tứ chi tê bì.
- Thường xuyên đau nhức lan từ lưng xuống dần mông, đùi và hai chân khiến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày bị ảnh hưởng.
- Một ca chụp MRI thông thường sẽ khoảng 30 – 45 phút.
- Người bệnh không cần phải nhịn ăn, được thay trang phục đơn giản, không đem theo bất cứ vật dụng gì trên người và sắp xếp nằm ngay ngắn bàn chụp của máy
- Trong lúc đó, bệnh nhân được sử dụng tai nghe, vừa giúp giảm tiếng ồn, vừa là phương tiện liên lạc với kỹ thuật viên bên ngoài; đồng thời giúp bệnh nhân thoải mái tinh thần. Chỉ khi thả lỏng cơ toàn thân mình, các khớp cột sống được giữ ở tư thế cố định, hình ảnh mới hiện lên được rõ nét,.
- Giữ nguyên cơ thể ở tư thế cố định vì nếu dịch chuyển sẽ dễ làm sai lệch kết quả chụp hoặc khiến cho hình ảnh không được rõ nét, ảnh hưởng đến việc đọc kết quả về sau của bác sĩ.
- Máy thực hiện chụp nhiều lần, đi kèm theo đó là tiếng ồn nhưng người bệnh đã được đeo nút bảo vệ tai nên sẽ không cảm thấy khó chịu gì. Đôi khi người bệnh có thể cảm thấy hơi nóng nhưng sẽ không phải là vấn đề lớn.
- Nếu người bệnh có chứng sợ phòng kín hoặc là trẻ nhỏ thì sẽ được tư vấn được dùng an thần hoặc gây mê. Người bệnh sẽ được theo dõi về sinh hiệu như nhịp tim, nhịp thở, nồng độ Oxy máu trong suốt quá trình chụp bởi bác sĩ và điều dưỡng gây mê.
- Đôi khi trong quá trình chụp cần phải dùng thuốc đối quang từ, khách hàng và/hoặc người nhà bệnh nhân sẽ được bác sĩ giải thích trực tiếp về yêu cầu kỹ thuật chẩn đoán, một số nguy cơ ảnh hưởng đến tình trạng bệnh tật hoặc các tai biến hay phản ứng dị ứng có thể xảy ra, ký giấy cam đoan trước khi tiến hành thăm khám có tiêm thuốc đối quang từ. Thuốc cản quang từ cho phép tổn thương nổi rõ lên và giúp bác sĩ định hướng tổn thương tốt hơn. Thuốc cản quang từ dùng trong MRI thường an toàn, tuy nhiên như tất cả các loại thuốc, phản ứng dị ứng vẫn có thể xảy ra.
XEM THÊM: