Hướng dẫn cách khám hội chứng thắt lưng hông

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh An Thiên - Khoa Khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Hội chứng thắt lưng hông có 2 hội chứng thành phần bao gồm hội chứng cột sống và hội chứng dây rễ thần kinh. Khám hội chứng thắt lưng hông là phương pháp thực hiện nhằm phát hiện triệu chứng của 2 hội chứng trên, từ đó đưa ra chẩn đoán xác định.

1. Sơ lược về hội chứng thắt lưng hông

Hội chứng thắt lưng hông là tình trạng tổn thương phối hợp của cả bệnh lý cột sống thắt lưng và bệnh của dây thần kinh tọa. Bệnh sẽ trở nặng hơn vào những ngày trời rét và ẩm.

Một số bệnh thường gây ra hội chứng thắt lưng hông gồm: Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, thoái hóa đĩa đệm ở người cao tuổi, thoái hóa cột sống thắt lưng, trượt đốt sống (do bẩm sinh hoặc chấn thương), viêm đốt sống, viêm cột sống do vi khuẩn (tụ cầu, trực khuẩn lao,...) hoặc chấn thương (gãy xương cột sống thắt lưng, gãy xương chậu, các chấn thương trực tiếp tác động tới dây thần kinh tọa),...

Người mắc hội chứng thắt lưng hông thường biểu hiện là hội chứng cột sống và hội chứng rễ thần kinh với các triệu chứng đặc trưng sau:

  • Hội chứng cột sống: Đau cột sống thắt lưng, thường chỉ đau ở một số đốt sống nhất định, có thể đau dữ dội hoặc âm ỉ, đau đột ngột hoặc xuất hiện sau chấn thương. Ngoài ra, bệnh nhân còn có biểu hiện cột sống bị biến dạng (thay đổi đường cong sinh lý, giảm ưỡn hoặc mất ưỡn, , lệch vẹo cột sống) và giảm biên độ hoạt động của cột sống thắt lưng (hạn chế cúi, ngửa, nghiêng hoặc xoay cột sống);
  • Hội chứng rễ thần kinh: Đau rễ thần kinh lan dọc theo đường đi của rễ thần kinh, đau nhức buốt, đau tăng khi đi, đứng, ho hoặc hắt hơi nhưng giảm đau rõ rệt khi nghỉ ngơi. Có trường hợp bị đau ở mọi tư thế, ảnh hưởng tới khả năng đi lại, lao động và sinh hoạt.

Đau cột sống thắt lưng ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của bệnh nhân
Đau cột sống thắt lưng ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của bệnh nhân

2. Cách khám hội chứng thắt lưng hông

Khám hội chứng thắt lưng hông là việc thực hiện khám đồng thời cả 2 hội chứng nhỏ của tình trạng này, đó là hội chứng cột sống và hội chứng rễ thần kinh. Cụ thể:

2.1 Khám hội chứng cột sống

Trước tiên, bác sĩ yêu cầu bệnh nhân đứng thẳng, sau đó kiểm tra theo quy trình sau:

  • Đánh giá hình dáng cột sống: Bác sĩ kiểm tra xem trục cột sống của bệnh nhân có thẳng không, có bị lệch, vẹo về 2 bên trái hoặc phải hay không; tình trạng cong sinh lý (ưỡn thắt lưng) bình thường hay bị giảm, mất hoặc đảo ngược;
  • Tìm điểm đau cột sống: Bác sĩ ấn hoặc gõ trên mỏm gai các đốt sống nhằm tìm điểm đau cột sống (các đốt sống bị tổn thương sẽ bị đau hơn các đốt sống bình thường khác);
  • Đánh giá trương lực cơ cạnh sống: Bác sĩ quan sát từ phía sau lưng bệnh nhân để xem khối cơ cạnh sống 2 bên có cân đối không, sau đó nắn kiểm tra trương lực cơ của 2 khối cơ đó xem có đều nhau không, nếu không đều thì đánh giá xem bên nào bị tăng trương lực cơ;
  • Khám khả năng vận động của cột sống: Bác sĩ kiểm tra các chức năng vận động cột sống của bệnh nhân như cúi, ngửa, nghiêng và xoay cột sống:
    • Ưỡn cột sống thắt lưng: Bác sĩ dùng thước đo độ cong của cột sống thắt lưng. Độ ưỡn thắt lưng của người bình thường là 18mm - 30mm. Nếu người được khám bị đau khi ưỡn thắt lưng hoặc ưỡn hạn chế thì đây là một dấu hiệu đánh giá bệnh lý;
    • Cúi: Có thể khám bằng phương pháp khoảng cách ngón tay - nền đất hoặc dựa trên chỉ số Schober. Với phương pháp khám khoảng cách ngón tay - nền đất, bác sĩ cho bệnh nhân đứng thẳng, 2 chân sát nhau rồi yêu cầu người bệnh cúi tối đa, chân thẳng, giơ thẳng 2 tay hướng xuống đất rồi đo khoảng cách từ ngón tay giữa của bệnh nhân tới nền đất (người có cột sống khỏe mạnh thường có khoảng cách giữa ngón tay với nền đất bằng 0 - tức là ngón tay chạm được xuống đất, còn bệnh nhân thoát vị đĩa đệm có kích thích rễ thần kinh thì ngón tay không chạm được xuống đất). Với phương pháp đánh giá chỉ số Schober, đầu tiên bác sĩ cho bệnh nhân đứng thẳng, xác định mỏm gai của đốt sống S1 và đánh dấu lại. Từ điểm này, bác sĩ đo lên trên 10cm, đánh dấu điểm thứ 2. Sau đó, bác sĩ cho bệnh nhân cúi tối đa, 2 chân duỗi thẳng tại khớp gối, đo lại khoảng cách giữa 2 điểm trên (ở tư thế cúi của bệnh nhân). Chỉ số Schober = số đo lần 1/số đo lần 2. Ở người bình thường thuộc nhóm tuổi thanh niên, chỉ số Schober khoảng 14/10 - 15/10. Ở bệnh nhân có hội chứng thắt lưng hông - chỉ số này giảm;
    • Xoay và nghiêng cột sống: Bác sĩ dùng thước đo độ xoay và độ nghiêng. Cột sống của người bình thường nghiêng được 29 - 31° về 2 bên và xoay được khoảng 30 - 32°. Nếu bệnh nhân bị đau khi nghiêng hoặc xoay hoặc góc nghiêng và xoay bị hạn chế thì chứng tỏ có bệnh lý.

Bệnh nhân được cúi tối đa trong khám hội chứng cột sống
Bệnh nhân được cúi tối đa trong khám hội chứng cột sống

2.2 Khám hội chứng rễ thần kinh

Đánh giá các dấu hiệu căng rễ thần kinh

  • Điểm đau cạnh sống: Bác sĩ cho bệnh nhân đứng hoặc nằm với tư thế thoải mái. Sau đó, bác sĩ khám ấn trên đường cạnh sống (cách trục cột sống khoảng 2cm về 2 phía trái và phải) ngang mức điểm giữa khoảng cách liên gai. Khi ấn vào, các rễ thần kinh bị tổn thương sẽ có cảm giác đau;
  • Dấu hiệu Lasegue: Bác sĩ cho bệnh nhân nằm ngửa, 2 chân duỗi thẳng với tư thế thoải mái. Tiếp theo, bác sĩ dùng 1 tay của mình cầm cổ chân, tay còn lại đặt ở đầu gối bệnh nhân, giữ chân bệnh nhân thẳng và khám theo 2 bước sau:
    • Bước 1: Bác sĩ nâng cao chân bệnh nhân (ở tư thế duỗi thẳng) lên khỏi mặt giường, hướng tới góc 90° cho tới khi người bệnh kêu đau, căng dọc mặt sau chân thì dừng lại. Tiếp theo, xác định góc giữa chân bệnh nhân và mặt giường - đây được gọi là góc Lasegue. Cụ thể, nếu nâng chân tới 45° mà bệnh nhân kêu đau thì góc Lasegue là 45°;
    • Bước 2: Bác sĩ giữ nguyên góc độ đó và gấp chân bệnh nhân tại khớp gối. Người bệnh sẽ không còn đau dọc mặt sau chân nữa. Thực hiện khám lần lượt 2 chân của bệnh nhân.
    • Đánh giá: Người khỏe mạnh bình thường có góc Lasegue là 90°. Dấu hiệu Lasegue dương tính biểu hiện đồng thời ở 2 yếu tố là bệnh nhân thấy đau khi chân chưa vuông góc với mặt giường (bước 1) và khi gấp chân lại người bệnh hết đau (bước 2);
  • Dấu hiệu Lasegue chéo: Khi bác sĩ tìm dấu hiệu Lasegue ở bên chân lành thì người bệnh bị đau tăng ở bên chân bị bệnh;
  • Dấu hiệu chuông bấm: Bác sĩ cho bệnh nhân nằm hoặc đứng với tư thế thoải mái. Sau đó, bác sĩ ấn trên các điểm như ở thao tác kiểm tra điểm đau cột sống. Dấu hiệu chuông bấm cho kết quả dương tính khi bệnh nhân cảm thấy cơn đau lan dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa cùng bên xuống dưới chân;
  • Hệ thống các điểm Valleix: Là các điểm mà dây thần kinh tọa đi qua, gồm điểm giữa nếp lằn mông, điểm giữa ụ ngồi và mấu chuyển, điểm giữa mặt sau đùi, điểm giữa nếp khoeo chân. Khi khám hội chứng thắt lưng hông, bác sĩ dùng ngón tay ấn lên các điểm trên. Nếu dây thần kinh tọa bị tổn thương thì bệnh nhân sẽ cảm thấy đau chói ở các điểm này khi thăm khám;
  • Dấu hiệu Dejerine: Bệnh nhân bị đau tăng vùng thắt lưng khi ho, hắt hơi;
  • Dấu hiệu Neri: Khi khám bệnh nhân đứng thẳng, sau đó cúi gập người, giơ 2 tay chạm đất và 2 đầu gối giữ thẳng. Dấu hiệu Neri dương tính khi bệnh nhân cảm thấy đau dọc chân bị bệnh và chân đó co lại tại khớp gối;
  • Dấu hiệu Siccar: Bác sĩ cho bệnh nhân nằm ngửa thoải mái và duỗi thẳng 2 chân. Bác sĩ thao tác khám như kiểm tra dấu hiệu Lasegue ở bước 1, nâng chân bệnh nhân lên khỏi mặt giường, tới khi bệnh nhân bị đau thì dừng lại, gấp bàn chân bên đó về phía mu. Dấu hiệu Siccar dương tính nếu bệnh nhân cảm thấy đau tăng dọc mặt sau của chân đang được khám;

Nghiệm pháp nâng chân thẳng (dấu hiệu Laseuge)
Nghiệm pháp nâng chân thẳng (dấu hiệu Laseuge)
  • Dấu hiệu Bonnet: Bác sĩ cho người bệnh nằm ngửa, duỗi thẳng 2 chân với tư thế thoải mái. Tiếp theo, bác sĩ gấp cẳng chân bệnh nhân vào đùi rồi gấp đùi vào bụng. Dấu hiệu Bonnet dương tính nếu bệnh nhân bị đau sau đùi và vùng mông ở bên được khám;
  • Dấu hiệu Wassermann: Bác sĩ cho bệnh nhân nằm sấp, duỗi thẳng 2 chân với tư thế thoải mái. Khi khám, bác sĩ nâng đùi người bệnh lên khỏi mặt giường từ từ. Dấu hiệu Wassermann dương tính nếu người bệnh bị đau, căng ở mặt trước đùi (tổn thương dây thần kinh đùi).

Đánh giá tổn thương chức năng các rễ thần kinh

  • Rối loạn vận động: khám chức năng vận động của rễ L5 và rễ S1 vì 2 rễ này rất hay bị tổn thương ở các trường hợp bị thoát vị đĩa đệm:
    • Rễ L5: Chi phối vận động của nhóm cơ chày trước, chức năng gấp bàn chân và gấp ngón 1, 2 về phía mu. Khi khám, bác sĩ kiểm tra sức cơ gấp bàn chân và gấp ngón 1 - 2 về phía mu ở cả 2 bên chân; cho bệnh nhân đứng trên gót chân. Ở người có tổn thương rễ L5, bệnh nhân rất khó hoặc không đứng được ở bên gót chân bị tổn thương;
    • Rễ S1: Chi phối vận động cho cơ dép sau cẳng chân và có chức năng duỗi bàn chân. Khi khám, bác sĩ kiểm tra sức cơ duỗi thẳng bàn chân hoặc cho bệnh nhân đứng trên mũi bàn chân. Ở người bị tổn thương rễ S1, bệnh nhân rất khó hoặc không đứng được ở trên mũi bàn chân bị tổn thương;
  • Rối loạn phản xạ: Kiểm tra chức năng phản xạ của các rễ thần kinh, đặc biệt là: Phản xạ da đùi - bìu (rễ L1, L2), phản xạ gân cơ tứ đầu đùi (rễ L3, L4) và phản xạ gân gót (rễ S1);
  • Rối loạn cảm giác: Thực hiện kiểm tra chức năng cảm giác của các rễ thần kinh thắt lưng cùng. Các rễ L4, L5 và S1 cần được kiểm tra cẩn thận hơn cả vì nó có liên quan trực tiếp tới bệnh lý thoát vị đĩa đệm;
  • Rối loạn thần kinh thực vật - dinh dưỡng: Kiểm tra chức năng điều hòa nhiệt độ, vận mạch dinh dưỡng và tình trạng tiết mồ hôi của các dải da. Cần kiểm tra xem có hiện tượng teo cơ không, xác định teo cơ nào để giúp xác định được rễ thần kinh bị tổn thương.

Cách khám phản xạ gân gót trong rối loạn phản xạ
Cách khám phản xạ gân gót trong rối loạn phản xạ

Sau khi khám, chẩn đoán chính xác hội chứng thắt lưng hông, bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị phù hợp: Nghỉ ngơi hợp lý, dùng vật lý trị liệu, sử dụng thuốc giảm đau hoặc phẫu thuật khi cần thiết. Để phòng bệnh, tốt nhất người bệnh nên khám sức khỏe định kỳ, giữ ấm cơ thể trong ngày trời rét, độ ẩm không khí cao, đồng thời đảm bảo dinh dưỡng phù hợp, tránh lao động nặng, sai tư thế và vận động mạnh vùng thắt lưng - 2 chân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe