Nhồi máu cơ tim là tình trạng mạch máu nuôi dưỡng cơ tim bị tắc nghẽn đột ngột do nhiều nguyên nhân gây ra. Đây là một cấp cứu nội khoa, cần được phát hiện và điều trị sớm, vì nếu không được điều trị sớm thì nguy cơ tử vong rất cao. Vậy đâu là những nhồi triệu chứng của bệnh nhồi máu cơ tim?
1. Nhồi máu cơ tim là gì?
Nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng cơ tim bị thiếu máu nuôi và nếu không được cấp máu kịp thời sẽ dẫn tới hoại tử do động mạch vành bị tắc nghẽn đột ngột. Đây là một cấp cứu nội khoa cần điều trị nhanh chóng, vì nếu không điều trị vùng cơ tim bị thiếu máu nuôi dưỡng sẽ bị hoại tử và gây tử vong.
Nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim cấp thường gặp nhất là do mảng xơ vữa trong lòng mạch vành bị nứt, khi đó các tế bào máu gồm tiểu cầu và hồng cầu đến bám vào, tạo thành cục huyết khối gây ra bít tắc đột ngột lòng mạch, khiến vùng cấp máu nuôi cơ tim bị thiếu máu nuôi.
Yếu tố nguy cơ gây ra nhồi máu cơ tim cấp gồm:
- Hút thuốc lá;
- Xúc động mạnh, căng thẳng quá mức;
- Gắng sức quá mức;
- Viêm nhiễm hoặc nhiễm trùng như viêm phổi, đợt cấp bệnh phổi mạn tắc nghẽn,...
- Sau chấn thương, phẫu thuật...
- Mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid, thừa cân béo phì.
2. Triệu chứng nhồi máu cơ tim có dễ nhận biết không?
Nhồi máu cơ tim cấp thường xảy ra một cách đột ngột, có thể xuất hiện triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim như:
- Đau thắt ngực: Người bệnh có cảm giác đau tức, cảm giác như có vật đè nặng, xoắn vặn trong lồng ngực, sau xương ức hoặc ngực trái, mức độ đau nặng, xảy ra sau khi gắng sức hoặc ngày cả khi ngồi nghỉ, kéo dài trên 30 phút.
- Tính chất: Cơn đau ở ngực thường sẽ đau lan ra sau lưng, lên cổ, vai, cánh tay ngón tay 4 và 5.
- Trong cơn đau có thể kèm theo mệt, hồi hộp, khó thở, vã mồ hôi, hốt hoảng hoặc ngất xỉu, tình trạng đau ngực không giảm khi ngậm hay xịt thuốc nitrate.
- Không phải trường hợp nào cũng xuất hiện những triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim như trên, đặc biệt ở những người cao tuổi, phụ nữ hoặc bệnh nhân đái tháo đường thì các triệu chứng nhồi máu cơ tim có thể không rõ ràng như không có triệu chứng đau ngực, nhưng có triệu chứng tương đương là khó thở, thay đổi tri giác, ngất xỉu hoặc tụt huyết áp < 90/60 mmHg.
Không phải ai cũng có những triệu chứng của bệnh nhồi máu cơ tim giống nhau. Một số người chỉ thấy mức độ đau nhẹ, một số người đau nặng, một số khác xuất hiện dấu hiệu đầu tiên là ngưng tim đột ngột.
Nói chung, trong đa số các trường hợp nhồi máu cơ tim cấp xảy ra với những triệu chứng điển hình. Tuy nhiên, có những trường hợp nặng bệnh nhân xuất hiện với biểu hiện nặng như ngất xỉu, ngừng tim, triệu chứng đau nhẹ...khiến việc nhận biết khó khăn. Trước khi xuất hiện nhồi máu cơ tim thì đa số sẽ có dấu hiệu đau thắt ngực trước đó. Do đó nếu xuất hiện các dấu hiệu đau tại vùng ngực nên đi khám sớm để được chẩn đoán, điều trị dự phòng nguy cơ nhồi máu cơ tim sớm.
3. Cách chẩn đoán nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim là một trường hợp cấp cứu cần được chẩn đoán và điều trị khẩn cấp. Ngoài việc khai thác các triệu chứng giúp định hướng bệnh nhồi máu cơ tim thì việc chẩn đoán chính xác cần những xét nghiệm sau:
- Điện tâm đồ: Đây là biện pháp cận lâm sàng đầu tiên được thực hiện để chẩn đoán nhồi máu cơ tim, điện tim thực hiện việc ghi lại các tín hiệu điện trong tim. Các điện cực được gắn vào ngực, cánh tay và chân. Tín hiệu có dạng sóng được in lại trên giấy hoặc hiển thị trên màn hình. Trên điện tim có thể thấy dấu hiệu nhận biết nhồi máu cơ tim cấp hoặc sẹo nhồi máu cơ tim cũ.
- Xét nghiệm máu: Một số protein được xuất hiện ở trong máu sau khi tim bị tổn thương do nhồi máu cơ tim gọi là men tim (troponin). Xét nghiệm máu có thể kiểm tra các protein này giúp chẩn đoán tình trạng nhồi máu cơ tim.
- Siêu âm tim: cho biết cách mà máu di chuyển qua tim và van tim, chức năng co bóp của cơ tim. Siêu âm tim có thể giúp xác định xem tim có bị tổn thương hay không.
- Chụp mạch vành: Đây vừa là phương pháp chẩn đoán và vừa điều trị nhồi máu cơ tim. Một ống thông nhỏ sẽ được đưa vào động mạch vành giúp chẩn đoán vị trí tắc nghẽn mạch máu.
4. Làm gì khi phát hiện người bị nhồi máu cơ tim cấp?
Khi bạn phát hiện người bệnh bị nhồi máu cơ tim, bạn cần tiến hành các bước sơ cứu như sau:
- Đặt bệnh nhân ngồi hoặc nằm, nới lỏng thắt lưng, quần áo giúp máu lưu thông dễ dàng.
- Trấn an bệnh nhân, tránh xúc động mạnh vì càng xúc động thì nhu cầu oxy cho cơ tim càng cao.
- Gọi ngay số 115 hoặc số điện thoại khẩn cấp của bệnh viện gần nhất. Nếu như không thể chờ xe cấp cứu đến, hãy chủ động thuê xe hoặc tự mình chở bệnh nhân đến bệnh viện.
- Cho người bệnh nhai và nuốt một viên aspirin trong khi bệnh nhân chờ cấp cứu, nhưng không dùng aspirin nếu bệnh nhân bị dị ứng với thuốc.
- Tiền hành hồi sức tim phổi: Nếu bạn có thể thực hiện hay tiến hành ép tim ngoài lồng ngực. Điều này giúp gian tăng thời gian chịu đựng của cơ thể, tăng cơ hội sống cho người bệnh.
Tóm lại, triệu chứng nhồi máu cơ tim trong đa số các trường hợp khá điển hình và có thể nhận biết được thông qua dấu hiệu lâm sàng. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp dấu hiệu bệnh không điển hình. Vì vậy, với những người có nguy cơ cao mắc bệnh thì cần được thăm khám ngay khi có những dấu hiệu nghi ngờ và nên tầm soát bệnh định kỳ để có các biện pháp phòng bệnh phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.