Triệu chứng nhiễm vi khuẩn HP dạ dày

Nhiễm khuẩn HP dạ dày là một vấn đề tiêu hóa phổ biến nhưng cũng vô cùng nguy hiểm. Nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc ung thư dạ dày. Việc phát hiện và điều trị kịp thời nhiễm khuẩn HP là rất quan trọng để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm và cải thiện sức khỏe tiêu hóa. 

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Đôi nét về vi khuẩn HP dạ dày

Sau khi xâm nhập vào đường tiêu hóa, vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) có thể phát triển âm thầm mà không gây ra bất kỳ biểu hiện nào. Chính vì vậy, rất nhiều người mang vi khuẩn này mà không hề biết. Trong suốt thời gian đó, vi khuẩn HP dần thay đổi môi trường niêm mạc dạ dày, làm tăng nồng độ axit và cuối cùng dẫn đến sự xuất hiện của các vết loét.

Nhiễm khuẩn HP dạ dày là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày - tá tràng. Mặc dù không phải lúc nào cũng nguy hiểm đến tính mạng nhưng căn bệnh này lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trong một số trường hợp, tình trạng này còn có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, ung thư dạ dày.

2. Triệu chứng nhiễm khuẩn HP dạ dày

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn HP tấn công trực tiếp vào niêm mạc dạ dày - lớp màng bảo vệ của dạ dày. Khi tổn thương trở nên nghiêm trọng hơn, viêm loét, chảy máu hoặc nhiễm trùng sẽ xuất hiện.  

Các triệu chứng viêm loét dạ dày - tá tràng do nhiễm khuẩn HP dạ dày cũng sẽ xuất hiện và có thể kéo dài từ vài phút đến hàng giờ, bao gồm:  

  • Đau, nóng rát bụng và dạ dày, đặc biệt là khi đói.
  • Ói mửa, buồn nôn.
  • Chán ăn.
  • Ợ hơi thường xuyên.
  • Bụng phình to.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân.
  • Đi ngoài phân đen trong trường hợp có chảy máu dạ dày.
  • Khi xuất hiện một số triệu chứng dưới đây, người bệnh cần đi khám ngay lập tức:  
  • Phân có máu, màu đỏ sẫm hoặc đen như bã cà phê.
  • Khó thở.
  • Nôn ra máu.
  • Thiếu máu hoặc đau dữ đội gây chóng mặt, ngất xỉu.
  • Mệt mỏi không rõ nguyên nhân.
  • Đau bụng âm ỉ hoặc dữ dội.
  • Thiếu máu cấp tính hoặc mãn tính do chảy máu dẫn đến màu da nhợt nhạt. 
Đau bụng là một trong những triệu chứng phổ biến của nhiễm khuẩn HP dạ dày.
Đau bụng là một trong những triệu chứng phổ biến của nhiễm khuẩn HP dạ dày.

3. Cách chẩn đoán vi khuẩn HP dạ dày

Viêm loét dạ dày không phải lúc nào cũng do nhiễm khuẩn HP dạ dày gây ra, dù đây là nguyên nhân phổ biến. Vì vậy, quá trình xét nghiệm chẩn đoán HP thường được chỉ định cho người bệnh khi:

  • Đã từng hoặc đang mắc bệnh loét dạ dày - tá tràng.
  • Có người thân trong gia đình mắc ung thư dạ dày.
  • Sử dụng thuốc chống viêm hoặc aspirin trong thời gian dài.

Trước khi tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán HP dạ dày, bệnh nhân cần ngưng dùng các thuốc kháng sinh (nếu đang sử dụng) trong vòng 4 tuần và thuốc ức chế tiết acid (nếu đang dùng) trong 2 tuần. Sau khi khám và xác định các dấu hiệu nhiễm khuẩn HP dạ dày, bác sĩ sẽ chỉ định một hoặc nhiều xét nghiệm như:

  • Kiểm tra hơi thở (Breath Test): Được biết đến với tên gọi khác là xét nghiệm hơi thở ure hoặc xét nghiệm hơi thở C13, phương pháp này là một kỹ thuật chẩn đoán không xâm lấn, cho kết quả nhanh chóng và chính xác. Trước khi kiểm tra hơi thở từ 15 đến 30 phút, người bệnh sẽ uống một viên thuốc hoặc dung dịch chứa ure đã được gắn nguyên tử carbon đồng vị C13. Nếu trong dạ dày có vi khuẩn HP, chất này sẽ kích hoạt urease do vi khuẩn tiết ra, phân hủy ure thành CO2 và NH3. Bác sĩ sẽ đo nồng độ carbon được đánh dấu bằng C13 có trong hơi thở trước và sau khi uống thuốc. Dựa vào kết quả này, bác sĩ có thể chẩn đoán sự hiện diện và mức độ nhiễm khuẩn HP dạ dày trong cơ thể. Phương pháp này thích hợp cho đối tượng từ 6 tuổi trở lên.
  • Xét nghiệm phân: Xét nghiệm phân là một trong những phương pháp chẩn đoán vi khuẩn HP hiệu quả vì vi khuẩn này được cơ thể đào thải qua phân. Xét nghiệm này bao gồm hai loại: xét nghiệm kháng nguyên và xét nghiệm PCR. Xét nghiệm kháng nguyên giúp phát hiện các protein đặc trưng khi nhiễm HP trong phân, trong khi xét nghiệm PCR (xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase trong phân) giúp phát hiện trực tiếp vi khuẩn HP và các đột biến kháng thuốc điều trị.
  • Nội soi: Một ống dò dài có gắn camera ở đầu sẽ được đưa vào miệng người bệnh đi qua cổ họng và thực quản tiến đến dạ dày và tá tràng. Bằng phương pháp nội soi này, bác sĩ sẽ quan sát trực tiếp tình trạng thực quản, niêm mạc dạ dày và tá tràng. Ngoài ra, bác sĩ còn có thể lấy mẫu mô dạ dày để xét nghiệm tìm vi khuẩn HP hoặc nuôi cấy vi khuẩn này để xác định sự có mặt của HP, đồng thời tiến hành kháng sinh đồ để tìm ra loại kháng sinh nhạy cảm, bị kháng với HP.
  • Phương pháp chẩn đoán khác: Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân chụp X-quang dạ dày thực quản, xét nghiệm máu, chụp cắt lớp CT và thậm chí là sinh thiết để chẩn đoán ung thư dạ dày trong một số trường hợp.

Các xét nghiệm chẩn đoán xác định bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định cho người bệnh dựa trên những triệu chứng nhiễm khuẩn HP dạ dày. Khi đã được xác định nhiễm HP, người bệnh cần tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn điều trị của bác sĩ để tiêu diệt hoàn toàn loại vi khuẩn này, phòng tránh những bệnh lý nguy hiểm có thể xảy ra.

5. Phương pháp điều trị

Quá trình điều trị nhiễm khuẩn HP dạ dày phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng sức khỏe tổng quát của bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh lý đường tiêu hóa kèm theo.

Phương pháp chính để tiêu diệt vi khuẩn HP là kết hợp sử dụng kháng sinh và thuốc giảm tiết acid dạ dày. Tuy nhiên, do thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất và hạn chế tác dụng không mong muốn. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe