Trẻ phát ban không sốt có thể là một tình trạng kích ứng da, nổi mày đay hay hăm tã...Tình trạng phát ban có thể khiến bé chán ăn, quấy khóc lâu ngày làm giảm trọng lượng cơ thể bé. Chính vì vậy, ngay từ khi trẻ có biểu hiện ở giai đoạn đầu, cha mẹ cần xử trí kịp thời để tránh hậu quả xấu xảy ra.
1. Trẻ không sốt mà phát ban là bệnh gì?
Trẻ bị phát ban nhưng không sốt là biểu hiện của tình trạng kích ứng da. Nguyên nhân gây bệnh là do một số loại vi khuẩn hoặc virus. Đây là tình trạng da phản ứng khi tiếp xúc với các chất gây kích ứng. Các chất này có thể đến từ môi trường xung quanh hoặc do yếu tố cơ địa hay thói quen sinh hoạt hàng ngày,... Bệnh có thể làm cho bé cảm thấy khó chịu dẫn đến quấy khóc, ngứa ngáy, biếng ăn.
2. Những bệnh về da làm cho trẻ phát ban không sốt
2.1. Viêm da tiếp xúc khiến trẻ phát ban không sốt
Đây là tình trạng kích ứng da khá phổ biến với biểu hiện lâm sàng thường là da khô đỏ, ngứa ngáy, phồng rộp và khiến cho bé cảm thấy khó chịu. Tình trạng ngứa rát da sẽ tăng dần dần và dữ dội nhất khoảng 24-36 tiếng sau khi tiếp xúc. Tùy thuộc vào chất kích ứng mà có các mức độ khác nhau. Sau đó, các vết ngứa sẽ trở nên phồng rộp, chảy nước và đóng vảy.
Nguyên nhân gây ra viêm da tiếp xúc cho bé có thể kể đến như:
- Tia UV trong ánh nắng làm ảnh hưởng đến làn da của bé;
- Chất liệu quần áo không phù hợp;
- Nhà cửa không được dọn dẹp thường xuyên hoặc nhà nuôi thú cưng gây kích ứng cho trẻ;
- Do xà phòng hoặc các chất làm sạch khiến trẻ phát ban không sốt;
- Các đồ dùng của trẻ như chăn, màn, gối,.. được giặt bằng chất tẩy mạnh.
2.2. Viêm da dị ứng
Viêm da dị ứng được coi là một trong những nguyên nhân làm cho trẻ phát ban không sốt. Đây được coi là một bệnh da liễu với các triệu chứng lâm sàng như mẩn đỏ khắp người, da bị sưng khô và ngứa.
Nguyên nhân gây bệnh có thể do yếu tố di truyền hoặc từ các tác nhân bên ngoài như: Phấn hoa, bụi, xà phòng, mỹ phẩm,thời tiết, nhiệt độ,...
2.3. Viêm da cơ địa
Đặc điểm của bệnh thường không lây lan từ người sang người nhưng có thể lan từ vùng này sang vùng khác trên cơ thể. Viêm da cơ địa có các triệu chứng bao gồm:
- Da phù nề đóng vảy, nổi mụn nước;
- Đóng vẩy có vết nứt làm cho bé có cảm giác đau,..
- Bệnh gây ra tình trạng trẻ không sốt mà phát ban.
2.4. Bệnh chàm gây phát ban
Bệnh này thường làm cho bé có cảm giác ngứa, gãi lên da làm cho một vùng da bị thâm và để lại sẹo. Bệnh chàm có các đặc điểm là da khô, nổi vảy, nổi các vết mẩn li ti và to dần về sau,..
Các yếu tố gây bệnh:
- Tiếp xúc với các chất tẩy rửa không an toàn cho da: nước rửa bát, bột giặt, nước xả vải,...;
- Các sản phẩm chăm sóc da;
- Chất liệu quần áo không phù hợp;
- Thời tiết thay đổi.
2.5. Nổi mề đay mẩn ngứa
Nổi mề đay thường gây mẩn ngứa ở da, tuy nhiên tình trạng này sẽ biến mất sau 24 giờ và không để lại sẹo trên da. Nguyên nhân chính là do thực phẩm, ví dụ như sữa, trứng, đậu nành, bột mì,...
Ngoài ra cũng có thể do các yếu tố từ môi trường bên ngoài tác động lên làn da bé như:
- Ánh nắng;
- Côn trùng cắn;
- Nhiễm vi sinh vật;
- Các sản phẩm chăm sóc da.
Các bệnh về da không chỉ làm cho bé cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu mà còn làm ảnh hưởng sự phát triển của trẻ. Tình trạng phát ban có thể khiến bé chán ăn, quấy khóc lâu ngày làm giảm trọng lượng cơ thể bé. Chính vì vậy, ngay từ khi trẻ có biểu hiện ở giai đoạn đầu, cha mẹ cần xử trí kịp thời hoặc đưa trẻ đi khám để tránh hậu quả xấu xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.