Bài viết của các Bác sĩ khoa Phẫu thuật chi trên - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Trật khớp cùng vai đòn cấp tính là bệnh lý xảy ra sau chấn thương làm tổn thương hệ thống dây chằng giữ vững khớp, dẫn đến đầu ngoài xương đòn bị trật lên trên vị trí bình thường. Tùy từng trường hợp người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau. Hiện nay, phẫu thuật nội soi khớp đang là phương pháp điều trị được đánh giá có hiệu quả cao và giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng.
1. Tổng quan về trật khớp cùng vai đòn
Khớp cùng vai đòn là một khớp động dạng phẳng cho phép chúng trượt lên nhau một cách hạn chế. Bao quanh khớp là hệ thống bao khớp, dây chằng cùng đòn. Các yếu tố giữ vững khớp cùng vai đòn gồm có hệ thống dây chằng cùng đòn, dây chằng quạ đòn (dây chằng nón, dây chằng thang) và hệ thống cơ delta, cơ thang bám xung quanh.
Trật khớp cùng vai đòn cấp tính là bệnh lý xảy ra sau chấn thương (<3 tuần) làm tổn thương hệ thống dây chằng giữ vững khớp, dẫn đến đầu ngoài xương đòn bị trật lên trên vị trí bình thường. Có hai cơ chế chấn thương dẫn đến trật khớp cùng vai đòn đó là:
- Cơ chế trực tiếp: Bệnh nhân ngã đập vai xuống nền cứng ở tư thế khớp vai khép, làm mỏm cùng vai bị đẩy vào trong và xuống dưới
- Cơ chế gián tiếp: Bệnh nhân ngã chống tay xuống nền cứng, lực truyền lên khớp cùng vai đòn gây tổn thương.
2. Chẩn đoán trật khớp cùng vai đòn
Việc chẩn đoán trật khớp cùng vai đòn dựa trên lâm sàng hình ảnh trật khớp cùng đòn khi bệnh nhân thấy đau, sờ thấy đầu ngoài xương đòn nhô lên trên da, dấu hiệu Piano key (+) và trên phim chụp x-quang so sánh mỏm cùng vai 2 bên. Tuy nhiên, đối với tổn thương độ I, II sẽ tương đối khó đánh giá trên lâm sàng cũng như trên phim X-quang. Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ để chẩn đoán.
3. Điều trị trật khớp cùng vai đòn
Với tổn thương tuyp I, II sẽ được chỉ định điều trị bảo tồn và với tuyp III trở lên sẽ phải thực hiện can thiệp phẫu thuật. Có nhiều phương pháp phẫu thuật trật khớp cùng vai đòn như xuyên kim cố định, Bosworth technique, dùng nẹp Hook plate đem lại hiệu quả tương đối tốt nhưng kèm theo nhiều biến chứng và gây phiền toái cho bệnh nhân.
Với sự phát triển của nội soi khớp vai, hiện tại có nhiều phương án phẫu thuật cố định lại khớp cùng vai đòn hoàn toàn qua nội soi.
Kỹ thuật mổ khớp cùng vai đòn qua nội soi
- Bệnh nhân được gây mê và đặt tư thế Beach-chair
- Vào khớp vai qua 2 cổng, kiểm tra các tổn thương bên trong khớp vai khác.
- Sau đó bộc lộ rõ mỏm quạ, dùng định vị, khoan đường hầm xuyên qua xương đòn và mỏm quạ, dùng chỉ và tightrope đặt qua đường hầm
- Cố định lại khớp cùng vai đòn.
- Kiểm tra trực tiếp trên C-arm để đánh giá kết quả.
4. Ưu điểm của phương pháp mổ nội soi trong điều trị trật khớp cùng vai đòn
Ưu điểm của phương pháp mổ nội soi trong điều trị trật khớp cùng vai đòn chính là đường mổ qua nội soi nhỏ hơn, thẩm mỹ hơn, bệnh nhân ít đau hơn và nhanh chóng tập phục hồi chức năng nên người bệnh có thể sớm trở lại cuộc sống bình thường, không phải mổ lần 2 để tháo kim hay nẹp vít, đặc biệt tỉ lệ gặp biến chứng rất thấp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.