Hàng triệu người trên thế giới đều trải qua nỗi buồn hoặc thậm chí là trầm cảm vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Việc nhận ra trầm cảm khác gì với buồn bã thông thường có thể giúp bạn xử lý cả hai đúng cách để mang lại lợi ích cho sức khỏe.
1. Trầm cảm khác gì buồn bã?
Trầm cảm là một trong những bệnh lý về tâm thần phổ biến nhất ở Mỹ. Cảm thấy buồn là một triệu chứng không thể thiếu của trầm cảm nhưng hai trạng thái này không hề giống nhau. Biết và hiểu trầm cảm khác gì với buồn bã có thể giúp bạn nhận ra khi nào mình cần điều trị. Nói cách khác, xác định được sự khác biệt giữa nỗi buồn và trầm cảm là điều quan trọng để bạn cải thiện sức khỏe của bản thân.
1.1. Buồn bã
Buồn bã là một cảm xúc bình thường của con người. Bất kỳ ai cũng sẽ trải qua những thời điểm căng thẳng hoặc buồn bã.
Một số sự kiện trong cuộc sống có thể khiến bạn cảm thấy buồn hoặc không hạnh phúc. Mất việc hoặc mất người thân, ly hôn, mất thu nhập, rắc rối tài chính hoặc một số vấn đề gia đình đều có thể ảnh hưởng đến tâm trạng theo cách tiêu cực. Thi trượt, không xin được việc làm hoặc có màn thể hiện đáng thất vọng cũng có thể tạo ra nỗi buồn.
Khi cảm thấy buồn hoặc xuống tinh thần, mọi người thường đánh lạc hướng bản thân bằng cách làm điều gì đó yêu thích hoặc nói chuyện với người thân. Một người đang trải qua nỗi buồn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn sau khi khóc, trút giận hoặc nói ra nỗi thất vọng.
Thông thường, nỗi buồn có mối liên hệ với một nguyên nhân cụ thể và sẽ qua đi theo thời gian. Nếu nó vẫn tồn tại dai dẳng hoặc nếu bạn không thể trở lại cuộc sống bình thường thì đây có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Khi thấy tâm trạng của mình ngày càng tồi tệ hơn hoặc buồn bã kéo dài hơn 2 tuần, bạn nên tìm đến bác sĩ tâm lý.
1.2. Trầm cảm
Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm thần, làm thay đổi hành vi và thái độ, tác động nhiều đến cuộc sống của một người. Đôi khi, người đang buồn cũng có những khoảnh khắc mà họ có thể cười hoặc được an ủi. Nhưng trầm cảm khác với buồn bã. Cảm xúc của bạn sẽ ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Đây là một căn bệnh về tinh thần, không phải là cảm xúc thoáng qua.
Bệnh này có thể xảy ra ở bất kỳ ai, không phân biệt giới tính hoặc độ tuổi. Năm 2015, khoảng 16,1 triệu người Mỹ từ 18 tuổi trở lên đã trải qua ít nhất một giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng, chiếm tới 6,7% tổng số người trưởng thành ở nước này. Các triệu chứng bao gồm:
- Cảm giác chán nản.
- Sầu não.
- Vô vọng.
- Thiếu động lực.
- Mất hứng thú với những việc đã từng thích.
Trong những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể nghĩ đến hoặc tìm cách tự tử. Họ không còn muốn dành thời gian cho gia đình và bạn bè, có thể ngừng theo đuổi sở thích của mình, hoặc cảm thấy không thể đi làm, đi học.
Chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể chẩn đoán bạn mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng nếu các triệu chứng sau kéo dài hơn 2 tuần:
- Tâm trạng chán nản kéo dài cả ngày, diễn ra mỗi ngày với những dấu hiệu đáng chú ý là tuyệt vọng và buồn bã.
- Không còn hứng thú với các hoạt động bình thường.
- Giảm hoặc tăng cân đáng kể mà không rõ lý do.
- Mất ngủ, khó ngủ hoặc số lượng giấc ngủ tăng lên ảnh hưởng đến lịch trình sinh hoạt bình thường.
- Mệt mỏi và thiếu năng lượng.
- Mỗi ngày đều cảm thấy mình vô giá trị hoặc tội lỗi quá mức.
- Không có khả năng tập trung hoặc đưa ra quyết định.
- Có suy nghĩ lặp đi lặp lại về cái chết hoặc tự tử, thử hoặc lên kế hoạch tự sát.
Nếu trải qua 5 triệu chứng trên trong hơn 2 tuần, bác sĩ sẽ chẩn đoán bạn có vấn đề về sức khỏe chứ không đơn thuần là buồn bã kéo dài. Không giống như nỗi buồn, trầm cảm có thể khiến người bệnh rất khó khăn để vượt qua một ngày.
2. Điều trị trầm cảm
Bác sĩ có thể xác định những cách cần thiết để kiểm soát các triệu chứng trầm cảm. Sau khi chẩn đoán, các phương pháp điều trị có thể bao gồm dùng thuốc, tư vấn và tâm lý trị liệu.
2.1. Dùng thuốc
Thuốc có thể giúp người bị trầm cảm chứa các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), giúp tăng mức độ serotonin trong não. Serotonin là một hóa chất não truyền tin giúp cải thiện tâm trạng. Một số SSRI bao gồm citalopram, escitalopram, fluoxetine và sertraline.
Những loại thuốc này có thể làm dịu các triệu chứng của bệnh trầm cảm, tuy nhiên, cũng đi kèm nguy cơ gây ra tác dụng phụ bất lợi. Ví dụ, khi lần đầu tiên sử dụng thuốc chống trầm cảm, các triệu chứng của bệnh có thể diễn tiến nặng hơn, sau đó mới dần cải thiện. Các thành viên trong gia đình của người dùng thuốc nên theo dõi họ chặt chẽ và liên hệ ngay với bác sĩ nếu thấy các triệu chứng xấu đi.
Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã bày tỏ lo ngại rằng, một số SSRI có thể làm tăng ý định tự tử ở những người trẻ và có thể gây ra rủi ro cho thai nhi nếu được sử dụng trong thời kỳ mang thai.
Do đó, các loại thuốc này đều có cảnh báo quan trọng, nêu rõ những nguy hiểm tiềm ẩn trên tờ thông tin. Khi kê đơn SSRI, bác sĩ phải cân nhắc cẩn thận giữa ưu và nhược điểm của việc sử dụng thuốc.
2.2. Tâm lý trị liệu và tư vấn
Tâm lý trị liệu là phương pháp để bệnh nhân nói chuyện với một chuyên gia đã qua đào tạo. Bác sĩ trị liệu sẽ giúp xác định bạn vấn đề, hướng dẫn cách đối phó và phân tích thực tế về tình trạng bạn đang gặp phải.
Người bệnh có thể tự chọn liệu pháp tâm lý hoặc dùng thuốc chống trầm cảm. Đôi khi, người bị trầm cảm nặng sẽ được yêu cầu nhập viện nếu nhân viên y tế nhận thấy họ đang gặp nguy hiểm vì nguy cơ tự sát hoặc không có khả năng chăm sóc bản thân. Ngoài ra, các phòng khám trị liệu tâm lý có thể giúp chăm sóc người bệnh lâu dài.
3. Đối phó với nỗi buồn
Sau đây là một số cách để trải qua nỗi buồn bình thường một cách lành mạnh và khiến cảm xúc này làm phong phú thêm cuộc sống của bạn:
- Cho phép mình buồn: Kìm nén những cảm xúc như vậy có thể gây ra nhiều thiệt hại hơn theo thời gian. Hãy khóc nếu bạn cảm thấy cần và để ý xem mình có nhẹ nhõm hơn sau khi nước mắt ngừng chảy hay không.
- Lên kế hoạch cho một ngày phục hồi: Bạn có thể dành một ngày hoặc một buổi tối chỉ để ở một mình, nghe nhạc nhẹ, theo dõi suy nghĩ và cảm xúc của bản thân. Dành thời gian nếm trải nỗi buồn thực sự sẽ giúp bạn cảm thấy khá lên, cuối cùng là vượt qua được và có tâm trạng vui vẻ hơn.
- Suy nghĩ và viết về cảm xúc buồn: Bạn đang buồn vì mất mát hay một sự việc không vui? Hiểu lý do tại sao mình buồn và khám phá những cảm xúc đó có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn.
- Đi dạo: Đôi khi, một chút không khí trong lành và một ít thời gian yên tĩnh có thể thay đổi tâm trạng và quan điểm của bạn.
- Gọi cho người thân: Một người bạn hoặc thành viên trong gia đình có thể cùng bạn trút bỏ cảm xúc và vượt qua nỗi buồn.
- Thưởng cho chính mình: Bạn có thể ngâm mình trong bồn nước nóng, ngủ một giấc ngắn hoặc thưởng thức một ít chocolate ngon để khôi phục tâm trạng.
- Tạo tiếng cười: Hãy xem một bộ phim hài yêu thích hoặc tìm những video hài hước trên mạng xã hội.
- Viết nhật ký về lòng biết ơn: Hãy tập trung vào những điều tích cực. Ngay cả khi bạn chỉ có một điều rất nhỏ để biết ơn mỗi ngày cũng sẽ giúp bạn tránh xa những cảm giác tiêu cực, buồn bã.
Nỗi buồn có thể là kết quả của một sự thay đổi mà bạn không ngờ hoặc báo hiệu cuộc sống của bạn cần một sự thay đổi. Thay đổi thường gây căng thẳng nhưng cần thiết để phát triển. Nếu bạn đang buồn vì cần thay đổi điều gì đó, hãy nghĩ về những kết quả khiến cuộc sống của bạn vui vẻ hơn.
4. Kiểm soát buồn bã và trầm cảm
Để vượt qua cả nỗi buồn và sự chán nản đều cần nỗ lực. Đảm bảo đến phòng khám đúng lịch hẹn nếu bạn đang điều trị với một chuyên gia tâm lý. Hãy nói ra tất cả những gì bạn nghĩ dù cảm thấy không cần thiết hoặc không liên quan. Ngoài ra, còn có một số mẹo khác để giúp bạn kiểm soát cả nỗi buồn và bệnh trầm cảm:
- Đặt đồng hồ báo thức và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày: Duy trì một thói quen và tự chăm tốt cho sóc bản thân sẽ giúp bạn quản lý cuộc sống của mình dễ dàng hơn.
- Hoạt động thể chất như một thói quen: Thể dục - thể thao có thể thúc đẩy tâm trạng và cải thiện sức khỏe của bạn.
- Đừng tự cô lập mình: Dành một chút thời gian mỗi ngày để gặp trực tiếp hoặc qua điện thoại với người bạn thích.
- Tiếp tục các hoạt động đã từng mang lại cho bạn niềm vui hoặc thử các hoạt động mới mà bạn đang quan tâm: Có điều gì đó để mong đợi sẽ giúp cải thiện tâm trạng của bạn.
Tóm lại, nếu bạn đang trải qua giai đoạn buồn bã, chủ động thay đổi lối sống có thể hữu ích. Đối với bệnh trầm cảm, thay đổi lối sống đơn giản có thể không đủ để giúp bạn hồi phục. Có thể bạn sẽ cần tham gia trị liệu bằng thuốc hoặc liệu pháp tâm lý để kiểm soát các triệu chứng của mình.
Để có thể “Mang lại sự lựa chọn hoàn hảo trong chăm sóc sức khỏe”, Vinmec rất quan tâm và đánh giá đúng tầm quan trọng của chăm sóc tâm lý trong xã hội hiện đại hiện nay. Từ đó mà Phòng khám tâm lý Vinmec đã ra đời, hoạt động từ tháng 04/2019 với sự tham gia trực tiếp của đội ngũ chuyên gia tâm lý, bác sĩ dày dạn kinh nghiệm, được đào tạo bài bản, đáp ứng nhu cầu thăm khám và điều trị chuyên sâu. Ngoài ra, Phòng khám Sức khỏe tâm lý Vinmec hợp tác với các giáo sư, chuyên gia hàng đầu, giảng viên bộ môn tâm thần của trường Đại học Y Hà Nội, các bệnh viện tuyến đầu trong cả nước và quốc tế.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo: healthline.com, medicalnewstoday.com, verywellmind.com, webmd.com