Trầm cảm có phải là bệnh tâm thần không?

Ngày nay, tỷ lệ mắc bệnh tâm thần đang có xu hướng gia tăng. Có nhiều loại bệnh tâm thần khác nhau bao gồm rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt, rối loạn ăn uống và các hành vi gây nghiện. Vậy còn bệnh trầm cảm có phải bệnh tâm thần không?

1. Trầm cảm có phải bệnh tâm thần?

Bệnh tâm thần hay rối loạn tâm thần là một loạt các tình trạng sức khỏe tâm thần, những rối loạn ảnh hưởng đến tâm trạng, suy nghĩ và cả hành vi của bạn.

Có nhiều loại bệnh tâm thần khác nhau bao gồm cả bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt, rối loạn ăn uống và các hành vi gây nghiện.

Theo thời gian, nhiều người có những lo lắng về sức khỏe tâm thần. Những mối quan tâm về sức khỏe tâm thần lại trở thành bệnh tâm thần khi các dấu hiệu và triệu chứng liên tục gây ra căng thẳng thường xuyên và ảnh hưởng đến khả năng làm việc, vận động của bạn.

Bệnh tâm thần có thể khiến bạn khổ sở và có thể gây ra các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày của bạn, như ở trường học hay nơi làm việc hoặc trong các mối quan hệ. Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng có thể được kiểm soát bằng sự kết hợp của thuốc và tâm lý trị liệu.

2. Các biểu hiện của người bị tâm thần

Các triệu chứng của bệnh tâm thần có thể khác nhau tùy thuộc vào loại rối loạn, hoàn cảnh và các yếu tố khác. Các triệu chứng của bệnh tâm thần có thể bao gồm các biểu hiện về cảm xúc, suy nghĩ và hành vi.

Các dấu hiệu và triệu chứng của người bị tâm thần bao gồm:

  • Cảm thấy buồn hoặc xuống tinh thần.
  • Suy nghĩ lẫn lộn.
  • Giảm khả năng tập trung.
  • Nỗi sợ hãi hoặc lo lắng quá mức.
  • Cảm giác tội lỗi tột độ.
  • Thay đổi tâm trạng cực độ ở mức cao hoặc mức thấp.
  • Không có hứng thú với bạn bè hoặc các hoạt động.
  • Mệt mỏi đáng kể, năng lượng thấp.
  • Khó ngủ.
  • Tách rời khỏi thực tế với những ảo tưởng, hoang tưởng hoặc ảo giác.
  • Không có khả năng đối phó với các vấn đề hàng ngày hoặc cảm thấy căng thẳng quá mức.
  • Khó hiểu các tình huống và con người.
  • Các vấn đề với việc sử dụng rượu hoặc ma túy.
  • Những thay đổi lớn liên quan đến thói quen ăn uống.
  • Thay đổi ham muốn tình dục.
  • Quá tức giận, thù địch hoặc bạo lực.
  • Suy nghĩ tự tử.

Đôi khi các triệu chứng của rối loạn tâm thần xuất hiện dưới dạng các vấn đề về thể chất, như đau dạ dày, đau lưng, đau đầu hoặc các cơn đau nhức không rõ nguyên nhân khác.


Suy nghĩ lẫn lộn, giảm khả năng tập trung là một trong những dấu hiệu của rối loạn tâm thần
Suy nghĩ lẫn lộn, giảm khả năng tập trung là một trong những dấu hiệu của rối loạn tâm thần

3. Bị tâm thần, khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh tâm thần, hãy đến gặp nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc chính hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần. Hầu hết các bệnh tâm thần không thể tự cải thiện và nếu không được điều trị, bệnh tâm thần có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian và gây ra các vấn đề nghiêm trọng.Suy nghĩ và hành vi tự sát thường gặp khi bị một số bệnh tâm thần. Nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể tự làm tổn thương bản thân hoặc cố gắng tự tử, hãy nhận trợ giúp ngay lập tức:

  • Gọi cho chuyên gia sức khỏe tâm thần.
  • Tìm kiếm sự trợ giúp từ nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc chính của bạn.
  • Liên hệ với một người bạn thân hoặc người thân yêu.
  • Liên hệ với một mục sư, nhà lãnh đạo hoặc người khác trong cộng đồng tín ngưỡng của bạn.

Suy nghĩ tự sát không tự nó trở nên tốt hơn, vì vậy hãy tìm sự giúp đỡ.

4. Giúp đỡ một người thân yêu bị tâm thần

Nếu người thân của bạn có dấu hiệu của bệnh tâm thần, hãy thảo luận cởi mở và trung thực với họ về những mối quan tâm của bạn. Bạn có thể không ép ai đó nhận được sự chăm sóc chuyên nghiệp, nhưng bạn có thể khuyến khích và hỗ trợ họ làm điều đó.

Bạn cũng có thể giúp người thân tìm một chuyên gia về sức khỏe tâm thần có trình độ và đặt lịch hẹn. Bạn thậm chí có thể đi cùng họ đến cuộc hẹn đó.

Nếu người thân của bạn đã từng tự làm hại bản thân hoặc đang có suy nghĩ làm như vậy, hãy đưa người đó đến bệnh viện hoặc gọi cấp cứu.

5. Nguyên nhân gây bệnh tâm thần

Bệnh tâm thần được cho là do nhiều yếu tố di truyền và yếu tố môi trường gây ra:

  • Đặc điểm di truyền: Bệnh tâm thần dễ xảy ra hơn ở những người có quan hệ huyết thống cũng mắc bệnh tâm thần. Một số gen nhất định có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tâm thần và hoàn cảnh sống của bạn có thể gây ra bệnh này.
  • Tiếp xúc với các yếu tố môi trường từ trước khi sinh: Tiếp xúc với các tác nhân gây căng thẳng từ môi trường, tình trạng viêm nhiễm, chất độc, rượu hay ma túy khi còn ở trong bụng mẹ đôi khi có thể liên quan đến bệnh tâm thần.
  • Hóa chất não: Chất dẫn truyền thần kinh là các chất hóa học tự nhiên trong não mang tín hiệu đến các bộ phận khác của não và cơ thể bạn. Khi mạng lưới thần kinh này bị suy giảm, chức năng của các thụ thể thần kinh và hệ thống thần kinh sẽ thay đổi, dẫn đến trầm cảm và các rối loạn cảm xúc khác.

Ngoài các nguyên nhân kể trên, còn có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tâm thần của bạn, bao gồm:

  • Tiền sử trong gia đình có người bị bệnh tâm thần, như cha mẹ hoặc anh chị em ruột.
  • Các tình huống căng thẳng trong cuộc sống như vấn đề tài chính, người thân qua đời hoặc ly hôn.
  • Tình trạng bệnh đang mắc phải đặc biệt là các bệnh mãn tính như bệnh tiểu đường.
  • Tổn thương não do chấn thương nghiêm trọng như một cú đánh dữ dội vào đầu, tai nạn giao thông hay tai nạn lao động.
  • Trải nghiệm đau thương như chiến đấu hoặc bị tấn công trong quân đội.
  • Sử dụng rượu hoặc thuốc kích thích.
  • Tiền sử lạm dụng hoặc bỏ bê thời thơ ấu.
  • Có ít bạn bè hoặc có ít mối quan hệ lành mạnh.
  • Một bệnh tâm thần trước đây.

Bệnh tâm thần là phổ biến, khoảng 1/5 người lớn mắc bệnh tâm thần trong suốt cuộc đời. Bệnh tâm thần có thể bắt đầu ở mọi lứa tuổi, từ trẻ nhỏ cho đến những những người trưởng thành, nhưng hầu hết các trường hợp đều bắt đầu sớm hơn trong đời.

Ảnh hưởng của bệnh tâm thần có thể chỉ là tạm thời hoặc lâu dài. Cùng một lúc, bạn cũng có thể mắc nhiều hơn một chứng rối loạn tâm thần cùng một lúc. Ví dụ, bạn có thể cùng một lúc vừa bị trầm cảm và rối loạn sử dụng chất kích thích.


Bệnh tâm thần là phổ biến và có thể bắt đầu ở mọi lứa tuổi
Bệnh tâm thần là phổ biến và có thể bắt đầu ở mọi lứa tuổi

6. Các biến chứng có thể gặp phải khi bị tâm thần

Bệnh tâm thần là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tàn tật. Bệnh tâm thần nếu không được điều trị có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về tình cảm, hành vi và thể chất. Các biến chứng có thể gặp của bệnh tâm thần bao gồm:

  • Không hạnh phúc và giảm khả năng hưởng thụ cuộc sống.
  • Xung đột gia đình.
  • Khó khăn trong mối quan hệ.
  • Tự cách ly với xã hội.
  • Bỏ lỡ công việc ở cơ quan hoặc trường học, hoặc các vấn đề khác liên quan đến cơ quan hoặc trường học.
  • Các vấn đề pháp lý và tài chính.
  • Nghèo đói và vô gia cư.
  • Tự làm hại bản thân và làm hại người khác, bao gồm cả tự tử hoặc giết người.
  • Suy giảm hệ thống miễn dịch, vì vậy cơ thể bạn khó chống lại nhiễm trùng.
  • Bệnh tim hay các tình trạng y tế khác.

7. Phòng ngừa bệnh tâm thần bằng cách nào?

Không có cách nào chắc chắn có thể ngăn ngừa bệnh tâm thần. Tuy nhiên, việc thực hiện các bước để kiểm soát căng thẳng, tăng khả năng phục hồi và nâng cao lòng tự trọng có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh tâm thần. Làm theo các bước sau:

  • Chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo: Trao đổi với bác sĩ hoặc nhà trị liệu của bạn để tìm hiểu những gì có thể gây ra các triệu chứng của bạn. Bạn cũng cần biết phải làm gì nếu các triệu chứng quay trở lại. Liên hệ với bác sĩ nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào trong các triệu chứng hoặc cảm giác của bạn. Cân nhắc mời các thành viên gia đình hoặc bạn bè tham gia để xem các dấu hiệu cảnh báo.
  • Chăm sóc y tế định kỳ: Bạn đừng bỏ qua việc kiểm tra y tế hoặc bỏ qua các cuộc thăm khám với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc chính của bạn, đặc biệt là nếu bạn không được khỏe. Bạn có thể có một vấn đề sức khỏe mới và cần được điều trị, hoặc bạn có thể gặp phải tác dụng phụ của thuốc.
  • Nhận trợ giúp khi cần: Tình trạng sức khỏe tâm thần có thể khó điều trị hơn nếu bạn đợi cho đến khi các triệu chứng trở nên tồi tệ. Điều trị duy trì lâu dài cũng có thể giúp ngăn ngừa các triệu chứng của bệnh tái phát.
  • Chăm sóc tốt cho bản thân: Ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất thường xuyên và ngủ đủ giấc là rất quan trọng. Nói chuyện với bác sĩ của bạn nếu bạn khó ngủ hoặc nếu bạn có thắc mắc về chế độ ăn uống và hoạt động thể chất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe