Các thông tin tổng quan về tế bào gốc trung mô có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về loại tế bào gốc đặc trưng này, bao gồm các ứng dụng của nó trong y học điều trị, các loại tế bào mà nó có thể biệt hóa thành, cũng như những rủi ro và hạn chế khi sử dụng tế bào gốc trung mô trong thực tế.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Công nghệ cao Vinmec.
1. Tổng quan về tế bào gốc trung mô
Tế bào gốc trung mô (MSC) là một loại tế bào gốc trưởng thành có khả năng biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau, bao gồm tế bào xương, tế bào sụn và tế bào mỡ. Ngoài ra, tế bào gốc trung mô của con người còn có thể biệt hóa thành các loại tế bào khác như tế bào cơ, tế bào thần kinh và tế bào mô đệm. MSC cũng tham gia vào hệ miễn dịch bẩm sinh và thích ứng, điều hòa miễn dịch chủ yếu thông qua tiếp xúc giữa tế bào với tế bào và hoạt động cận tiết nhờ các cytokine.
2. Nguồn gốc của tế bào gốc trung mô
Hiện nay, tế bào gốc trung mô chủ yếu được lấy từ các nguồn sau:
- Tủy xương: Đây là nguồn MSC được sử dụng phổ biến nhất. Tủy xương là phần mô xốp bên trong xương, chứa các tế bào chưa trưởng thành. Những tế bào này có thể thu thập thông qua thủ thuật chọc hút tủy xương.
- Mô mỡ: Tế bào gốc trung mô cũng có thể được phân lập từ mô mỡ thông qua liệu pháp hút mỡ, trong đó mỡ được loại bỏ khỏi cơ thể bằng một ống thép rỗng, không gỉ.
- Mô dây rốn: MSC cũng có thể được lấy từ mô dây rốn - dây kết nối thai nhi với nhau thai, sau đó lưu trữ lại để sử dụng cho tương lai.
- Máu ngoại vi: Một số lượng nhỏ tế bào trung mô có thể được tìm thấy trong máu ngoại vi của người trưởng thành thông qua một thủ thuật là Apheresis, tương tự như hiến máu.
- Mô nhau thai: Bên cạnh mô dây rốn, MSC còn có thể được lấy từ mô nhau thai.
- Dịch khớp: MSC có thể được tìm thấy với số lượng nhỏ trong dịch khớp, lấy bằng thủ thuật chọc dịch khớp khá đơn giản và an toàn.
- Tủy răng: Một lượng nhỏ tế bào gốc trung mô sẽ được tìm thấy trong tủy răng, được lấy bằng thủ thuật cắt bỏ đầu chân răng.
3. Đặc tính của tế bào gốc trung mô
Theo Ủy ban Tế bào gốc Trung mô và Mô của Hiệp hội Trị liệu Tế bào Quốc tế, tế bào gốc trung mô của con người phải được xác định bằng ba tiêu chí sau:
- Phải có khả năng bám dính vào nhựa khi được duy trì trong điều kiện nuôi cấy tiêu chuẩn.
- Phải biểu hiện CD105, CD73 và CD90 và không có biểu hiện của các phân tử bề mặt CD45, CD34, CD14 hoặc CD11b, CD79α hoặc CD19 và HLA-DR.
- Phải biệt hóa thành nguyên bào xương, tế bào mỡ và nguyên bào sụn trong ống nghiệm.
Những tiêu chuẩn tổng quan về tế bào gốc trung mô này giúp xác định các đặc tính của tế bào gốc trung mô một cách nhất quán, tạo điều kiện cho sự hợp tác trong nghiên cứu về MSC. Tuy nhiên, nghiên cứu MSC vẫn bị cản trở bởi nhiều phương pháp, cách tiếp cận khác nhau trong việc phân lập, mở rộng và mô tả đặc tính tế bào, gây khó khăn cho việc so sánh, đối chiếu các kết quả nghiên cứu.
4. Ứng dụng tế bào gốc trung mô trong y học
Tế bào gốc trung mô đã được nghiên cứu cho nhiều ứng dụng điều trị khác nhau, từ sửa chữa mô, y học tái tạo cho đến các liệu pháp dựa trên tế bào dành cho những tình trạng bệnh lý khác nhau.
- Viêm xương khớp: Thúc đẩy quá trình sửa chữa sụn và giảm viêm.
- Viêm khớp dạng thấp: Tế bào gốc trung mô có đặc tính chống viêm và điều hòa miễn dịch.
- Bệnh ghép chống lại vật chủ: MSC ngăn ngừa biến chứng ghép chống lại vật chủ nhờ đặc tính ức chế miễn dịch.
- Nhồi máu cơ tim: Tế bào gốc trung mô đã được nghiên cứu về tiềm năng thúc đẩy quá trình sửa chữa mô tim sau nhồi máu cơ tim.
- Chấn thương tủy sống: MSC cũng được nghiên cứu về tiềm năng thúc đẩy quá trình sửa chữa mô bị tổn thương và chấn thương tủy sống.
- Bệnh tự miễn: MSC đã được chứng minh là có đặc tính chống viêm và điều hòa miễn dịch, hữu ích trong việc điều trị các bệnh tự miễn, chẳng hạn như bệnh đa xơ cứng và bệnh Lupus.
- Bệnh tiểu đường tuýp 1: Tế bào gốc trung mô đã được kiểm tra về tiềm năng giúp bảo tồn các tế bào sản xuất insulin ở bệnh nhân tiểu đường loại 1.
- Bệnh phổi: MSC đã được đánh giá về tiềm năng giúp sửa chữa mô phổi trong các tình trạng như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS).
- Bệnh Lyme: Tế bào gốc trung mô giúp sửa chữa tổn thương mô và giảm viêm do bệnh Lyme - một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn lây truyền qua bọ ve.
- Bệnh Parkinson: MSC đã được kiểm tra về khả năng bảo vệ và sửa chữa các tế bào thần kinh trong não bị tổn thương trong bệnh Parkinson - một chứng rối loạn thoái hóa ảnh hưởng đến khả năng vận động.
- ALS (bệnh xơ cứng teo cơ một bên): MSC đã được nghiên cứu về khả năng giúp bảo vệ và sửa chữa các tế bào thần kinh trong tủy sống bị tổn thương bởi ALS.
Mặc dù vẫn tồn tại một số tranh cãi xoay quanh việc ứng dụng tế bào gốc trung mô cho điều trị bệnh ở người nhưng các nghiên cứu mới đã dần làm sáng tỏ về cơ chế và vai trò của MSC. Nhờ đó, việc ứng dụng MSC ngày càng được mở rộng, tăng hiệu quả điều trị. Dù vậy, chắc chắn vẫn phải nghiên cứu thêm để hiểu được đầy đủ hơn tổng quan về tế bào gốc trung mô và tiềm năng khai thác chúng một cách an toàn, hiệu quả.
5. Những trở ngại và hạn chế khi sử dụng tế bào gốc trung mô
Ứng dụng tế bào gốc trung mô trong điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ cơ thể của người bệnh, loại mô cho đến quy trình nuôi cấy. Do đó cần có những quy trình nuôi cấy và đánh giá chất lượng nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng tế bào.
Một trong những quan ngại chính của giới y khoa đối với tế bào gốc trung mô chính là sự tăng sinh bị giảm dần qua mỗi lần cấy chuyển tế bào. Ngoài ra, tiềm năng biệt hóa của MSC cũng có xu hướng giảm khi nuôi cấy quá lâu trong phòng thí nghiệm.
Cuối cùng là những hạn chế khi ứng dụng tế bào gốc trung mô cho điều trị y tế:
- MSC từ các nguồn khác nhau có thể mang những đặc tính khác nhau, dẫn đến sự thiếu đồng nhất, gây khó khăn cho việc so sánh kết quả từ các nghiên cứu khác nhau.
- Mặc dù tế bào gốc trung mô có thể biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau, khả năng biệt hóa sẽ khác nhau tùy vào nguồn tế bào, điều kiện mở rộng và môi trường vi mô nơi chúng được nuôi cấy.
- Cần có các phương pháp tiêu chuẩn để phân lập, mở rộng và mô tả đặc tính của tế bào gốc trung mô.
- Cần nghiên cứu thêm để tìm hiểu về tiềm năng đầy đủ của tế bào gốc trung mô, cũng như phát triển các liệu pháp khai thác an toàn và hiệu quả.
Những trở ngại tổng quan về tế bào gốc trung mô này cho thấy việc nghiên cứu và ứng dụng MSC trong y học đòi hỏi sự cẩn trọng và tiếp tục phát triển để đảm bảo hiệu quả, an toàn trong điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.