Bài viết bởi Thạc sĩ Nguyễn Tiến Lung - Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec
Hiện nay, tế bào gốc gốc trung mô (mesenchymal stem cell – MSC) đang được ứng dụng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp và mang lại một số thành tựu nhất định, mang đến niềm hy vọng mới cho người bệnh.
1. Viêm khớp dạng thấp là gì?
Viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid arthritis – RA) hay còn gọi là viêm đa khớp dạng thấp là bệnh lý mạn tính do rối loạn tự miễn trong cơ thể gây nên, bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các mô trong chính cơ thể.
Khi bị hệ miễn dịch tấn công, trong màng hoạt dịch của các khớp sẽ xuất hiện tình trạng viêm, từ đó làm xuất hiện các biểu hiện đặc trưng như: Sưng, nóng, đỏ, đau, dần theo thời gian các khớp sẽ cứng lại thậm chí biến dạng khiến người bệnh mất khả năng vận động. Bệnh phần lớn xảy ra ở khớp tay, khớp lưng, khớp bàn chân và khớp gối nhưng cũng có thể xuất hiện ở các bộ phận khác của cơ thể như phổi, mắt, tim, mạch máu, da và dây thần kinh. Bệnh viêm khớp dạng thấp không chỉ mang lại đau đớn, khó chịu, mà còn khiến tăng nguy cơ mắc biến chứng như khớp xương bị bào mòn, thoái hóa lâu ngày biến dạng.
Theo thống kê, cứ 100 người trưởng thành thì có 1 đến 5 người bị viêm khớp dạng thấp. Bệnh thường phổ biến ở những người có độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi. Trong số đó, bệnh nhân nữ, đặc biệt là phụ nữ trong thời kỳ mang thai, nhiều gấp 2-3 lần bệnh nhân nam.
Bệnh viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn hệ thống. Cơ chế hình thành bệnh là do hệ miễn dịch sinh kháng thể chống lại các tác nhân gây bệnh, tuy nhiên các kháng thể này đã bị “gửi nhầm” đến lớp niêm mạc khớp (synovium) khiến chúng tấn công các mô xung quanh khớp và gây ra phản ứng viêm cho cơ thể. Khi bị viêm, các khớp bị sưng đau gây cử động khó khăn do lớp nệm bị biến dạng, cuối cùng có thể phá hủy sụn và xương trong khớp. Ngoài ra các gân và dây chằng giữ các khớp với nhau cũng bị giãn và suy yếu khiến cho khớp bị biến dạng và mất tính liên kết.
2. Triệu chứng và biến chứng
Viêm đa khớp dạng thấp có triệu chứng rất đa dạng, gồm các triệu chứng của viêm khớp, triệu chứng toàn thân, triệu chứng ở các cơ quan khác.
Các triệu chứng của viêm khớp gồm:
- Cứng khớp: Với những người bị viêm khớp dạng thấp, triệu chứng này thường xuất hiện vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và kéo dài trên một giờ trước khi cảm thấy các khớp mềm ra;
- Sưng khớp: Có thể tụ dịch nhiều hoặc chỉ sưng phù lên;
- Nóng da: Vùng da của khớp bị viêm có thể ấm hơn vùng da xung quanh;
- Đỏ: Da vùng khớp viêm có thể có màu hồng nhạt, đỏ hơn so với vùng da xung quanh;
- Đau: Khi bị viêm khớp dạng thấp, triệu chứng đau là dễ nhận biết nhất. Nguyên nhân là do hiện tượng viêm làm cho các khớp trở nên nhạy cảm hơn, căng hơn, từ đó gây ra đau các khớp bị viêm.
Các triệu chứng toàn thân gồm:
- Mệt mỏi, trì trệ, suy nhược;
- Chán ăn, có thể dẫn đến sụt cân;
- Đau nhức mỏi cơ toàn thân.
Triệu chứng ở các cơ quan khác:
- Xuất hiện nốt thấp (hạt hay cục) nổi gồ lên mặt da, chắc, không đau, không di động, dính vào nền xương ở dưới, đường kính 5 đến 20 mm, ở khớp khuỷu, đôi khi rất đau;
- Trong một số trường hợp, có thể bị viêm màng phổi không triệu chứng. Trong trường hợp nhịp thở ngắn lại thì cần phải điều trị;
- Có thể ảnh hưởng lên thanh quản gây khàn giọng;
- Người bệnh có thể bị viêm màng ngoài tim, thường không có triệu chứng, nhưng khi có triệu chứng sẽ khiến nhịp thở ngắn lại hoặc đau ngực. Người bệnh viêm khớp dạng thấp dễ bị tắc nghẽn động mạch tim, gây đau ngực hoặc nhồi máu cơ tim;
- Khoảng dưới 5% số người bệnh viêm khớp dạng thấp có triệu chứng ở mắt bao gồm mắt đỏ, đau mắt hoặc khô mắt.
Tuy không phải bệnh gây chết người nhưng viêm khớp dạng thấp có thể làm giảm tuổi thọ và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời, cụ thể:
- Biến chứng về mắt: Viêm khớp dạng thấp làm tăng nguy cơ mắc hội chứng khô mắt, nghiêm trọng hơn có thể gây mù lòa cho người bệnh;
- Nhiễm trùng: Những người bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn do dùng thuốc ức chế miễn dịch.
- Các vấn đề về dạ dày-ruột: Những người bị viêm khớp dạng thấp có thể gặp phải tình trạng đau dạ dày và ruột, có liên quan đến việc sử dụng thuốc kháng viêm corticoid và chống viêm không steroid.
- Bệnh về phổi: Viêm khớp dạng thấp làm tăng nguy cơ xơ sẹo phổi, bao gồm tắc nghẽn các đường dẫn khí nhỏ và tăng áp trong phổi hoặc viêm lớp niêm mạc phổi;
- Các vấn đề về tim mạch: Những người bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn 50% so với những người bình thường, nguy cơ lên cơn đau tim cao gấp 2 - 3 lần và nguy cơ bị đột quỵ cao hơn gần 2 lần;
- Tổn thương thần kinh: Với những người bị viêm khớp dạng thấp, triệu chứng đau cổ hoặc các vấn đề về thăng bằng có thể là dấu hiệu cảnh báo tổn thương về thần kinh;
- Viêm mạch máu: Viêm khớp dạng thấp khiến mạch máu bị thu hẹp lại hoặc giảm kích thước và yếu hơn, làm ngăn chặn sự lưu thông của dòng máu.
- Loãng xương: Một số loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp có thể làm giảm mật độ xương, đồng thời, việc ít vận động do đau khớp cũng dễ làm gia tăng nguy cơ loãng xương.
- Ung thư hạch và các bệnh ung thư khác: Sự thay đổi hệ thống miễn dịch liên quan đến viêm khớp dạng thấp có thể đóng một vai trò.
3. Chẩn đoán và điều trị
Viêm khớp dạng thấp có thể khó chẩn đoán ở giai đoạn đầu vì các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu giống với các bệnh khác. Triệu chứng lâm sàng nghèo nàn có thể thấy sưng khớp, biến dạng khớp ở giai đoạn muộn.
Hiện nay, tiêu chuẩn của Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ (ACR) 1987 vẫn đang được áp dụng rộng rãi nhất trên thế giới và Việt Nam đối với việc chẩn đoán viêm khớp dạng thấp và thời gian diễn biến viêm khớp trên 6 tuần.
- Cứng khớp buổi sáng kéo dài trên 1 giờ
- Viêm tối thiểu ba nhóm khớp: Sưng phần mềm hay tràn dịch tối thiểu 3 trong số 14 nhóm khớp sau (kể cả hai bên): khớp ngón gần bàn tay, khớp bàn ngón tay, khớp cổ tay, khớp khuỷu, khớp gối, khớp cổ chân, khớp bàn ngón chân
- Viêm các khớp ở bàn tay: Sưng tối thiểu một nhóm trong số các khớp cổ tay, khớp ngón gần, khớp bàn ngón tay
- Viêm khớp đối xứng
- Hạt dưới da
- Yếu tố dạng thấp trong huyết thanh dương tính
- Dấu hiệu X quang điển hình: Chụp khớp tại bàn tay, cổ tay hoặc khớp tổn thương: hình bào mòn, hình hốc, hình khuyết đầu xương, hẹp khe khớp, mất chất khoáng đầu xương
Chẩn đoán xác định: Khi có ≥ 4 tiêu chuẩn. Triệu chứng viêm khớp (tiêu chuẩn 1- 4) cần có thời gian diễn biến ≥ 6 tuần và được xác định bởi thầy thuốc chuyên khoa.
Ngoài ra, quá trình chẩn đoán bệnh có thể kết hợp với việc chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm máu. Bác sĩ có thể đề nghị chụp X-quang để giúp theo dõi sự tiến triển của viêm khớp dạng thấp trong khớp của bạn theo thời gian. Chụp cộng hưởng từ (MRI) và xét nghiệm siêu âm có thể giúp bác sĩ đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh trong cơ thể bạn. Bên cạnh đó, những người bị viêm khớp dạng thấp thường có tốc độ lắng hồng cầu tăng (ESR, hoặc tốc độ sed) hoặc protein phản ứng C (CRP), có thể cho thấy sự hiện diện của quá trình viêm trong cơ thể. Các xét nghiệm máu thông thường khác tìm kiếm yếu tố thấp khớp và kháng thể peptide citrullinated chống cyclic.
Chưa có biện pháp điều trị viêm khớp dạng thấp khỏi hoàn toàn. Các biện pháp điều trị nhằm cải thiện triệu chứng, nâng cao chất lượng giúp duy trì cuộc sống bình thường. Cách thức điều trị hiện nay tập trung chủ yếu theo 2 cách: Điều trị triệu chứng để phục hồi cơ xương khớp và điều hòa miễn dịch để ngăn chặn sự tấn công của hệ thống miễn dịch. Điều hòa miễn dịch đang là phương pháp điều trị được quan tâm trên toàn thế giới. Đặc biệt là phương pháp ghép tế bào gốc để điều hòa miễn dịch.
4. Ứng dụng tế bào gốc trong điều trị viêm khớp dạng thấp
Hiện nay, tế bào gốc gốc trung mô (mesenchymal stem cell – MSC) đang được ứng dụng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp. MSC có thể được thu nhận từ nhiều nguồn khác nhau như tủy xương, mô mỡ, dây rốn, nhau thai, dịch ối, răng sữa, ... Chúng là các tế bào gốc đa tiềm năng, có các đặc tính tái tạo và biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau của mô liên kết bao gồm nguyên bào xương, nguyên bào sụn, tế bào cơ, tế bào mỡ, .... Đặc biệt MSC có khả năng ức chế miễn dịch và chống viêm, chính vì vậy chúng được sử dụng để điều trị một số bệnh lý và rối loạn tự miễn dịch. Cụ thể, chúng có thể ức chế sự tăng sinh của tế bào T (một nhóm tế bào miễn dịch của cơ thể) đối với các chất/nguyên tố gây dị ứng và ngăn chặn sự phát triển của các tế bào T gây độc tế bào.
Tế bào gốc trung mô mang lại những hi vọng lớn trong điều trị viêm khớp dạng thấp
Một nghiên cứu năm 2019 được thực hiện bởi Huang và cộng sự, liên quan đến 64 bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, nó cho thấy liệu pháp tế bào gốc trung mô là một lựa chọn điều trị an toàn. Tất cả các bệnh nhân trong nghiên cứu đều không có biểu hiện bất thường trong thời gian dài xét nghiệm máu định kỳ. Các yếu tố gây viêm và dấu hiệu của viêm khớp dạng thấp đã giảm đáng kể sau 1 năm và 3 năm sau khi điều trị. Trong vòng 8 tháng sau khi điều trị, tất cả các bệnh nhân đã cải thiện chế độ ăn ngủ và thể lực sau liệu pháp tế bào dựa trên các báo cáo của bệnh nhân. Trong khi đó, không có sự cải thiện nào như vậy ở nhóm không sử dụng tế bào gốc trung mô. Ngoài ra, việc đáp ứng lâm sàng và điều trị MSC nhanh chóng (sớm nhất là 12 giờ sau điều trị) với các bằng chứng thực sau khi sử dụng MSC. Ở nhóm dùng giả dược, không có thay đổi đáng kể nào về các triệu chứng được phát hiện trong suốt nghiên cứu.
Liệu pháp điều trị tế bào gốc trung mô đã cho thấy kết quả lâm sàng ổn định và giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.
Ngoài ứng dụng tế bào gốc trong điều trị viêm khớp dạng thấp, hiện nay, Vinmec là một trong những đơn vị đi đầu trong việc áp dụng phương pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu để điều trị giảm đau, các bệnh lý khớp bao gồm viêm khớp dạng thấp tại Việt Nam và đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực. Trong Gói điều trị bệnh cơ xương khớp bằng huyết tương giàu tiểu cầu tại Vinmec, bệnh nhân sẽ được tiêm PRP điều trị viêm khớp dưới hướng dẫn của máy siêu âm GE Healthcare S9 hiện đại có đầu dò phẳng, tần số cao, độ phân giải HD cho hình ảnh rõ nét. So với các phương pháp điều trị truyền thống như sử dụng thuốc, phẫu thuật (nội soi hoặc mổ mở), PRP có nhiều ưu điểm vượt trội như an toàn (do sử dụng máu được lấy từ cơ thể người bệnh), chấm dứt cơn đau nhanh, quá trình điều trị nhẹ nhàng, chi phí hợp lý.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, sau khi khám và có chỉ định tiêm PRP, người bệnh sẽ được lấy máu và chuyển tách chiết PRP. Sau 2h đồng hồ, PRP được tiêm trở lại cho người bệnh, trực tiếp tại vùng vai tổn thương dưới hướng dẫn siêu âm. Sau tiêm, người bệnh có thể về nhà ngay và tái khám sau 3 – 4 tuần để đánh giá hiệu quả điều trị. Tùy vào tình trạng bệnh và khả năng phục hồi của từng người, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm tiêm PRP 2 -3 lần.
Trên thực tế, mức độ khỏi và dứt điểm bệnh lâu dài sẽ phụ thuộc rất lớn vào chất lượng chế phẩm PRP sau tách chiết và việc tiêm đúng chuẩn vào vị trí tổn thương. Do đó, quy trình điều chế PRP tại Vinmec được thực hiện với giám sát chặt chẽ trong labo đạt chuẩn quốc tế. Việc tiêm PRP dưới hướng dẫn siêu âm có khả năng tạo sự khác biệt trong hiệu quả điều trị nhờ tác động trực tiếp và chính xác vào vị trí tổn thương.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.