Tổng quan về bệnh thoát vị nghẹt (thoát vị bẹn nghẹt, thoát vị đùi nghẹt)

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Huy Bình - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Thoát vị nghẹt là biến chứng thường gặp và nghiêm trọng nhất của các loại thoát vị thành bụng, trong đó chủ yếu là thoát bị bẹn và thoát vị đùi. Thoát vị nghẹt là một tình trạng y tế đe dọa tính mạng. Do đó, phát hiện và điều trị sớm đóng vai trò rất quan trọng.

1. Thoát vị nghẹt là gì?

Thoát vị nghẹt là tình trạng cơ quan ở trong túi thoát vị bị đè ép, thắt nghẽn lại ở cổ túi, dẫn tới rối loạn chức năng, rối loạn tuần hoàn và cuối cùng là rối loạn tổ chức. Đây là một biến chứng nguy hiểm nhất của tất cả các loại thoát vị thành bụng, trong đó chủ yếu là thoát vị bẹn và thoát vị đùi.

2. Thoát vị bẹn là gì?


Thoát vị bẹn nghẹt
Thoát vị bẹn nghẹt

Thoát vị bẹn xảy ra khi một phần của ruột hoặc mỡ mạc treo xuyên qua một khu vực yếu của thành bụng đến hai bên của ống bẹn.

Ống bẹn nằm ở hai bên của bụng dưới và được nối với bộ phận sinh dục. Khi một phần các tạng trong ổ bụng như ruột, mạc nối lớn chui qua lỗ này, gọi là thoát vị bẹn. Ở nam giới thường gặp nhiều nhất gần khu vực chậu ở một bên hoặc cả hai bên.

Thoát vị bẹn có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp.

  • Thoát vị bẹn trực tiếp hình thành từ từ theo thời gian do thành bụng yếu. Thường chỉ xảy ra với nam giới trưởng thành. Điều này có thể xảy ra do lão hóa hoặc căng quá mức cơ bụng.
  • Thoát vị bẹn gián tiếp có mặt từ khi sinh ra do vấn đề bất thường với thành bụng. Thoát vị bẹn gián tiếp phổ biến hơn ở nam giới nhưng cũng có thể xảy ra ở nữ giới.

Thoát vị bẹn ở người lớn thường không nguy hiểm, nhưng nếu phát hiện và điều trị muộn có thể gây biến chứng nguy hiểm, trong đó nguy hiểm và phổ biến nhất là thoát vị nghẹt gây hoại tử ruột, mạc treo ruột.

3. Thoát vị đùi là gì?

Thoát vị đùi là tình trạng các tạng trong ổ bụng chui qua chỗ yếu ở đáy tam giác Scarpa, xuống mặt trước đùi.

Thoát vị đùi là loại thoát vị mắc phải, chủ yếu gặp ở phụ nữ, nhất là người chửa đẻ nhiều lần. Người ta cho rằng, cơ thành bụng bị yếu do mang thai nhiều lần, khi đẻ khung chậu co giãn chút ít. Đó là hai yếu tố chính làm cho các cân, dây chằng vùng tam giác Scarpa bị yếu, dễ gây thoát vị.

Thoát vị đùi có tỷ lệ bị thoát vị nghẹt rất cao (53 - 65%).

Tùy theo mức độ thoát vị, người ta chia làm 2 loại:

  • Thoát vị không hoàn toàn: tạng chui xuống tam giác Scarpa, ra trước đùi nhưng nằm dưới cân sàng.
  • Thoát vị hoàn toàn: tạng đã chui qua lỗ bầu dục và nằm trước cân sàng.

4. Triệu chứng của thoát vị nghẹt


Bệnh nhân bị thoát vị nghẹt sẽ có triệu trứng đi phân có máu
Bệnh nhân bị thoát vị nghẹt sẽ có triệu trứng đi phân có máu

Không giống như các loại thoát vị khác, thoát vị nghẹt gây ra một số triệu chứng nghiêm trọng. Nhiều người có thể nhìn thấy phình ở bụng hoặc háng, đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy bệnh nhân bị thoát vị. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Cơn đau cấp tính xuất hiện đột ngột và có thể trở nên nghiêm trọng hơn
  • Đi phân có máu
  • Táo bón
  • Vùng da khu vực có thoát vị có màu sẫm hơn hoặc đỏ
  • Mệt mỏi
  • Sốt
  • Bí trung tiện
  • Viêm hoặc đau quanh vùng thoát vị
  • Tăng nhịp tim
  • Buồn nôn
  • Nôn

5. Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Thoát vị nghẹt là một tình trạng cấp cứu y tế. Do đó bệnh nhân phải được bác sĩ kiểm tra ngay lập tức để có thể tiến hành phẫu thuật. Các bác sĩ có thể yêu cầu siêu âm hoặc chụp X-quang để xác định kích thước thoát vị và nếu có tắc ruột.

6. Điều trị thoát vị nghẹt như thế nào?


Hiện nay phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất để điều trị thoát vị nghẹt
Hiện nay phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất để điều trị thoát vị nghẹt

Phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất cho thoát vị nghẹt. Việc điều trị phải được tiến hành càng sớm càng tốt để ngăn ngừa tổn thương lâu dài cho các mô bị ảnh hưởng.

Phẫu thuật được tiến hành gồm hai bước.

  • Bác sĩ phẫu thuật sẽ bắt đầu bằng cách giảm thoát vị nghẹt. Điều này được thực hiện bằng cách nhẹ nhàng tạo áp lực vào thoát vị để giúp giải phóng các mô bị mắc kẹt trở lại khoang bụng.
  • Sau đó, bác sĩ sẽ loại bỏ các mô bị hỏng nếu cần thiết. Tùy thuộc vào phương pháp điều trị, mà bạn sẽ cần gây tê tại chỗ hoặc gây mê trong khi phẫu thuật.

Sau khi phẫu thuật, bạn có thể cần phải ở bệnh viện vài ngày. Bạn sẽ có thể trở lại thói quen thường xuyên của bạn trong vòng một hoặc hai tuần. Nhưng cần lưu ý tránh các hoạt động gắng sức về thể chất, như nâng vật nặng.

Nếu thoát vị nghẹt không được điều trị, nếp gấp của mô hoặc ruột non sẽ bị nghẹt, không được cung cấp máu nuôi dưỡng dẫn đến nguy cơ hoại tử trong vài giờ. Khi mô bị hoại tử, nó sẽ giải phóng độc tố nguy hiểm vào máu. Điều đó có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết và cuối cùng là gây tử vong.

Tóm lại, với phương pháp điều trị thích hợp, những người đã bị thoát vị nghẹt đều có tiên lượng tốt. Điều quan trọng nhất là được điều trị càng sớm càng tốt. Bạn cũng có thể ngăn ngừa thoát vị nghẹt bằng cách chủ động. Điều đó có thể làm giảm nguy cơ bị thoát vị nghẹt.

Trước đây phẫu thuật thoát vị bẹn thường được mổ mở (mổ phanh). Tuy nhiên, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec tiên phong áp dụng kỹ thuật điều trị thoát vị bẹn bằng nội soi. Ưu điểm lớn nhất của phẫu thuật nội soi là phẫu thuật viên dễ dàng nhận thấy ống dẫn tinh và mạch máu nuôi tinh hoàn, đồng thời có thể khâu lại ống phúc tinh mạc (nguyên nhân gây thoát vị bẹn ở trẻ em) mà không đụng chạm đến ống dẫn tinh hoặc mạch máu nuôi tinh hoàn. Chính vì vậy phẫu thuật nội soi tránh được 2 biến chứng nguy hiểm là tắc ống dẫn tinh hoặc teo tinh hoàn, những biến chứng có thể gặp trong khi mổ mở.

Ngoài ra nội soi cũng cho phép đánh giá tình trạng ống phúc tinh mạc bên đối diện và khâu kín ngay nếu nó còn mở. Vì vậy có thể ngăn ngừa hiện tượng thoát vị bẹn ở bên đối diện.

Thạc sĩ. Bác sĩ Vũ Huy Bình đã có 09 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội soi tiêu hóa. Hiện đang là Bác sĩ Nội soi tiêu hóa Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe