Tổng quan về bệnh tắc ruột non

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Huy Bình - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Tắc ruột non là sự tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn của ruột non. Tắc ruột non có thể được gây ra bởi nhiều nguyên nhân như dính, thoát vị và rối loạn viêm ruột,... Các phương pháp điều trị tắc ruột non hiện nay gồm điều trị nội khoa và phẫu thuật.

1. Tắc ruột non là gì?

Tắc ruột là sự đình chỉ lưu thông của ruột, có thể tắc ở một hoặc nhiều vị trí, tính từ môn vị đến ống hậu môn dẫn đến nôn (có thể nôn dịch mật) và đau bụng.

Người bị tắc ruột non phần lớn có nguyên nhân do dây dính. Hầu hết các dây dính gây tắc ruột là dây dính vùng chậu (sau phẫu thuật sản phụ khoa, cắt đại tràng hay cắt ruột thừa).

Có khoảng 10-20% trường hợp tắc ruột non do thoát vị. Các loại bướu ác tính (thứ phát) chiếm khoảng 10%. Còn các nhân còn lại hiếm gặp hơn: lao ruột, sỏi mật, u lành, dị vật, bã thức ăn.

Có thể phân loại tắc ruột non theo mức độ tắc lòng ruột (tắc hoàn toàn hay bán tắc) hoặc phân loại theo tình trạng tưới máu của đoạn ruột bị tắc (tắc đơn thuần hay thắt nghẹt ruột).

2. Triệu chứng lâm sàng của tắc ruột non


Người bị tắc ruột non thường có biểu hiện đau bụng quặn từng cơn
Người bị tắc ruột non thường có biểu hiện đau bụng quặn từng cơn

Bệnh nhân bị tắc ruột non biểu hiện tam chứng tắc ruột: Đau bụng quặn từng cơn, nôn, bí trung đại tiện. Tuy nhiên bệnh nhân vẫn có thể còn trung, đại tiện được một thời gian sau khi tắc hoàn toàn xảy ra. Thời gian này tùy thuộc vào nhiều yếu tố (tuổi, thuốc mà bệnh nhân đang dùng). Nếu sau 6 giờ kể từ khi khởi phát cơn đau bụng mà người bệnh vẫn còn trung hay đại tiện được thì ruột bị bán tắc chứ không phải tắc hoàn toàn.

3. Chẩn đoán tắc ruột non

3.1 Khám lâm sàng

  • Toàn thân: Bệnh nhân có dấu hiệu mất nước, mức độ mất nước tùy thuộc thời gian tắc
  • Dấu hiệu chướng bụng luôn có (trừ trường hợp tắc ruột cao)
  • Nếu bệnh nhân có sẹo mổ cũ trên thành bụng: Dấu hiệu gợi ý nguyên nhân tắc ruột do dính
  • Biểu hiện của quai ruột giãn và tăng co thắt: Dấu quai ruột nổi, dấu rắn bò, nghe âm ruột tăng âm sắc và tần số
  • Khám bụng không có vùng đau khu trú, có thể sờ thấy một khối (khối u bướu, u lao)
  • Thăm khám vùng bẹn (để chẩn đoán nguyên nhân thoát vị nghẹt) và thăm trực tràng (loại trù tắc ruột thấp do u trực tràng).

3.2 Chẩn đoán cận lâm sàng

  • Chụp X quang bụng không chuẩn bị: Chỉ định đầu tiên cho bệnh nhân nhập viện với hội chứng tắc ruột. Đây là xét nghiệm có giá trị chẩn đoán tương đối cao
  • X quang ruột non với Barium: Được chỉ định trong trường hợp tắc ruột cao hoặc bán tắc ruột
  • Siêu âm: Với trường hợp tắc ruột đến sớm, siêu âm có giá trị chẩn đoán cao hơn X quang bụng.
  • CT, MRI: Có giá trị chẩn đoán cao. Ít khi được chỉ định trong tắc ruột nói chung, trừ các trường hợp: Tắc ruột do lồng ruột, tắc ruột do bướu, không rõ chẩn đoán tắc ruột, nghi ngờ có thắt nghẹt ruột, nghi ngờ tắc ruột cao, nghi ngờ tắc ruột hậu phẫu.

Các xét nghiệm: Nồng độ điện giải, Hct, BUN.


Hình ảnh chụp X-Quang tắc ruột
Hình ảnh chụp X-Quang tắc ruột

4. Điều trị tắc ruột non

4.1 Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa được chỉ định trong các trường hợp:

  • Bán tắc ruột non do dính
  • Bán tắc ruột non do viêm ruột (bệnh Crohn, lao ruột,...)
  • Tắc ruột non hoàn toàn do dính và bệnh nhân đến sớm (trước 6 giờ)

Quá trình điều trị nội khoa được tiến hành gồm:

  • Cho bệnh nhân nhịn ăn uống, có thể đặt thông dạ dày hay thông ruột non để giải áp
  • Bồi hoàn nước và điện giải
  • Chụp X quang bụng không chuẩn bị mỗi 6 giờ (nếu do dính) hoặc mỗi 24 giờ (nếu do viêm) để đánh giá diễn tiến của tắc ruột. Dấu hiệu trên X quang cho thấy tiến triển tốt: ruột bớt chướng, bụng hơi mờ, hơi xuất hiện trong đại tràng.
  • Khám lâm sàng nhiều lần, các dấu hiệu lâm sàng cho thấy diễn biến tốt: bụng xẹp hơn, có trung tiện, thèm ăn.
  • Điều trị nội khoa thất bại nếu quá 48 giờ mà tình trạng không cải thiện

4.2 Điều trị phẫu thuật


Phẫu thuật để điều trị tắc ruột non
Phẫu thuật để điều trị tắc ruột non

Chỉ định với các trường hợp:

  • Tắc ruột non hoàn toàn, bất kể nguyên nhân gì
  • Tắc hay bán tắc ruột non do dính, điều trị nội khoa thất bại
  • Tắc hay bán tắc ruột non do u bướu
  • Không loại trừ được thắt nghẹt ruột

Nguyên tắc phẫu thuật:

  • Gây mê toàn thân
  • Mở bụng đường giữa
  • Tìm vị trí tắc ruột
  • Kiểm tra toàn bộ ruột non và ruột già
  • Tắc ruột do dính: Gỡ dính, cắt dây dính, giải phóng các quai ruột dính có nguy cơ gây tắc sau này.
  • Tắc ruột do u bướu: Cắt đoạn ruột có bướu, nối tận-tận
  • Tắc ruột do sỏi mật: Đẩy sỏi lên đoạn ruột dãn phía trên, mở ruột lấy sỏi mật
  • Tắc ruột do bã thức ăn: Nếu bã mềm thì đẩy bã qua van hồi manh tràng, xuống đại tràng. Nếu bã to và chắc, đẩy bã lên đoạn ruột dãn phía trên, mở ruột lấy bã.

Phẫu thuật tắc ruột non do dính qua nội soi:

  • Chỉ định trong một số trường hợp nhất định
  • Phẫu thuật qua nội soi có nhiều ưu điểm so với mổ hở, khả năng thành công tùy thuộc vào kinh nghiệm của phẫu thuật viên và mức độ chướng bụng, mức độ dính, số lượng dây dính.

Thạc sĩ. Bác sĩ Vũ Huy Bình đã có 09 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội soi tiêu hóa. Hiện đang là Bác sĩ Nội soi tiêu hóa Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe