Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ. BSCK II Phan Thị Minh Hương - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Đau bụng quanh rốn là tình trạng phổ biến mà cả trẻ em và người lớn đều hay gặp phải, tuy nhiên còn nhiều lầm tưởng xung quanh nguyên nhân của hiện tượng này. Một trong những câu hỏi thường được thắc mắc là đau bụng quanh rốn có phải do giun không?
1. Nguyên nhân gây đau bụng quanh rốn
Có rất nhiều người có chung suy nghĩ cho rằng khi bị đau bụng quanh rốn là do giun gây ra. Tuy nhiên, nguyên nhân thật sự có phải do giun hay không thì còn phải xem biểu hiện ở người bệnh cụ thể như nào.
Khi bị đau bụng xung quanh rốn do giun gây ra, người bệnh sẽ có biểu hiện buồn nôn, cảm giác lợm giọng và nhất là khi đói thì càng đau mạnh lên. Trong trường hợp giun đũa nhiều có thể gây ra tình trạng tắc ruột vô cùng nguy hiểm.
Trên thực tế, nhiễm giun là tình trạng rất dễ gặp phải ở nước ta, đặc biệt là những khu vực thôn quê, trồng nhiều hoa màu mà người dân dùng phân tươi bón ruộng, những người có sở thích ăn rau sống và uống nước lã...
Khi bị nhiễm giun, người bệnh thường hay bị rối loạn tiêu hóa như đại tiện phân sống, đau bụng. Để chẩn đoán chắc chắn bị đau bụng xung quanh rốn do bị nhiễm giun thì người bệnh cần phải làm xét nghiệm phân tìm trứng giun, sau khi đã chắc chắn nguyên nhân là do giun gây ra thì mới có phương pháp điều trị đúng và dứt điểm.
Trắc nghiệm: Làm thế nào để bảo vệ lá gan khỏe mạnh?
Làm test trắc nghiệm kiểm tra hiểu biết về gan có thể giúp bạn nhận thức rõ vai trò quan trọng của gan, từ đó có các biện pháp bảo vệ gan để phòng ngừa bệnh tật.2. Các kiểu đau bụng quanh rốn thường gặp
Có rất nhiều nguyên nhân khiến người bệnh bị đau bụng ở rốn, với mỗi nguyên nhân sẽ gây ra một kiểu đau bụng và biểu hiện khác nhau, cụ thể:
2.1 Đau bụng quanh rốn do viêm dạ dày, ruột
Viêm ruột, dạ dày là tình trạng viêm đường tiêu hóa rất thường gặp, nguyên nhân có thể là do người bệnh bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus, ký sinh trùng. Viêm ruột, dạ dày không chỉ gây ra đau bụng ở rốn mà còn kèm theo các biểu hiện sau:
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Sốt
- Da rịn mồ hôi
- Tiêu chảy
Đối với kiểu đau bụng xung quanh rốn này thì thường không cần phải điều trị y tế mà các triệu chứng sẽ tự biến mất trong vòng vài ngày, tuy nhiên nếu bệnh xảy ra với trẻ em thì cần phải theo dõi vì nó có khả năng gây ra biến chứng mất nước ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
2.2 Đau bụng quanh rốn do bị viêm ruột thừa
Khi bị đau bụng vùng rốn cũng rất có khả năng nguyên nhân là do bệnh viêm ruột thừa, đối với trường hợp này, cơn đau chỉ xuất hiện ở khu vực rốn rồi cuối cùng đau lan dần về phía bên phải bụng, kèm theo các triệu chứng:
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như táo bón hoặc tiêu chảy
- Sốt
- Ăn không ngon
- Cơn đau trở nên dữ dội hơn khi ho hoặc thực hiện một số cử động
- Bụng đầy hơi
Loại đau bụng quanh rốn do viêm ruột thừa gây ra thuộc tình trạng khẩn cấp cần được cấp cứu nhanh chóng, nếu không ruột thừa sẽ bị vỡ và gây ra các biến chứng có khả năng đe dọa tính mạng người bệnh.
2.3. Đau bụng vùng rốn do bị viêm tụy cấp
Trong một số trường hợp khi bị viêm tụy cấp thì người bệnh cũng sẽ cảm thấy đau quanh bụng rốn, sở dĩ như vậy là do tình trạng viêm nhiễm và do người bệnh có sử dụng một số loại thuốc nhất định. Ngoài đau bụng thì còn kèm theo các triệu chứng như nôn mửa, buồn nôn, nhịp tim tăng cao, sốt.
Cần nhập viện để điều trị
2.4 Đau bụng vùng rốn do bị thoát vị rốn
Đây là loại đau bụng quanh rốn thường hay xảy ra với trẻ sơ sinh hoặc các bé lớn hơn, khi hiện tượng mô bụng phình ra thông qua một lỗ ở cơ bụng quanh rốn của người bệnh. Đối với trường hợp này, cơn đau sẽ ở quanh rốn hoặc tại vị trí thoát vị.
2.5 Đau bụng quanh rốn do trẻ bị tắc ruột non
Khi ruột bị tắc sẽ khiến cho thức ăn không tiến sâu được trong đường tiêu hóa và gây ra tình trạng đau bụng xung quanh rốn kèm theo các biểu hiện:
- Bụng chướng hơi
- Ăn không ngon
- Mất nước
- Sốt
- Tăng nhịp tim
- Buồn nôn và ói mửa
- Táo bón nặng
Trường hợp này cần phải cho bệnh nhân nhập viện ngay để được điều trị kịp thời..
3. Khi nào đau bụng quanh rốn nên đến gặp bác sĩ?
Nếu không xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng đau bụng quanh rốn là gì mà cơn đau kéo dài hơn một ngày thì lập tức đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời. Đau bụng quanh rốn sẽ nguy hiểm nếu đi kèm các biểu hiện sau:
- Đi ngoài ra máu
- Sút cân không rõ lý do
- Vàng da
- Đau bụng dữ dội
- Sốt
- Buồn nôn và ói mửa không dứt
- Sưng hoặc đau phần bụng dưới.
4. Chẩn đoán đau bụng quanh rốn bằng cách nào?
Để xác định nguyên nhân gây ra tình trạng đau bụng quanh rốn thì trước tiên, bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh án của người bệnh và thực hiện kiểm tra thể chất. Tùy thuộc vào đánh giá, người bệnh có thể cần thực hiện thêm một vài xét nghiệm bổ sung như:
- Xét nghiệm máu
- Phân tích nước tiểu
- Lấy mẫu phân để kiểm tra mầm bệnh
- Xét nghiệm hình ảnh: Chụp X-quang, CT...
Hiện nay, có rất nhiều nguyên nhân có thể gây đau bụng quanh rốn, không nên xem nhẹ tình trạng này mà hãy theo dõi cơ thể thật cẩn thận, nếu có bất kỳ vấn đề gì cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám kịp thời, tránh biến chứng không mong muốn.
Bác sĩ Hương có kinh nghiệm trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội Tiêu hóa trong đó với với gần 20 năm giữ chức vụ Phó khoa, trưởng khoa Bệnh viện Trung ương Huế. Hiện tại, là Bác sĩ Nội tiêu hóa - Nội soi tiêu hóa - Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.