Bài được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Thanh Hương - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Viêm dạ dày ruột thường là do bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus đường ruột gây nên, dẫn đến tiêu chảy và nôn ói. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng đặc biệt phổ biến ở trẻ nhỏ. Hầu hết là vì nhiễm một loại virus có tên là rotavirus. Trong khi đó, những trường hợp ở người lớn thường do nhiễm norovirus hoặc ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn.
1. Triệu chứng của viêm dạ dày ruột
Các triệu chứng chính của viêm dạ dày ruột là:
- Đột ngột nôn ói.
- Đi tiêu lỏng.
- Cảm giác mệt mỏi.
- Sốt nhẹ.
Một số người còn có các triệu chứng khác như chán ăn, bụng khó chịu, chân tay nhức mỏi và đau đầu.
Các triệu chứng thường xuất hiện một ngày sau khi bị nhiễm bệnh. Chúng thường kéo dài dưới một tuần nhưng đôi khi có thể kéo dài hơn.
2. Cần làm gì khi bị viêm dạ dày ruột
Khi bị viêm dạ dày ruột, bạn không nhất thiết phải đi khám bác sĩ ngay mà có thể ở nhà tự theo dõi và xử trí cho đến khi bạn cảm thấy tốt hơn vì đa phần, bệnh có thể tự khỏi. Các cách xử trí bạn có thể tự làm bao gồm:
- Nghỉ ngơi.
- Khuyến khích uống nhiều nước để tránh mất nước, bù lại lượng nước bị mất do nôn ói và tiêu chảy. Bạn nên sử dụng các loại nước có bù điện giải: Nước điện giải mua từ các siêu thị (Pocari, Revive,...), hoặc mua các viên/gói điện giải (Oresol, Hydrit,...) ở các hiệu thuốc về pha với nước (theo tỷ lệ nhà sản xuất khuyến cáo) uống thay cho nước suối thông thường/nước đun sôi để nguội.
Ngoài ra, cũng có thể uống thêm các nước trái cây. Đối với trẻ em, nên tránh sử dụng đồ uống có ga hoặc nước hoa quả vì chúng có thể khiến tình trạng tiêu chảy của trẻ nặng hơn. Các bé nhỏ nên tiếp tục bú như bình thường, bằng sữa mẹ hoặc các loại sữa công thức thường dùng.
- Chia bữa ăn ra nhiều bữa nhỏ, mỗi bữa chỉ nên ăn một lượng ít thức ăn đơn giản – dễ tiêu hoá như: Cháo, súp, cơm, mì và bánh mì.
- Nếu có sốt hoặc đau nhức thì dùng thêm Paracetamol.
- Nếu có nôn hoặc tiêu chảy nhiều thì bạn có thể thử dùng thuốc chống nôn (như Metoclopramide) và/hoặc thuốc chống tiêu chảy (như Loperamide, Smecta).
Viêm dạ dày ruột có thể lây lan rất dễ dàng. Vì vậy, bạn nên rửa tay thường xuyên khi đang bị bệnh và nghỉ làm hoặc nghỉ học cho đến ít nhất 48 giờ sau khi các triệu chứng của bạn đã hết để giảm nguy cơ lây truyền bệnh.
Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh có thể diễn tiến nặng và bạn cần khám bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu sau:
- Dấu hiệu mất nước nặng: Chóng mặt kéo dài, đi tiểu ít hoặc không có nước tiểu, hoặc rối loạn tri giác.
- Đi tiêu chảy ra phân có máu hoặc hoặc chất nôn màu xanh lá cây.
- Nôn ói liên tục và không thể uống để bù lại lượng nước mất.
- Sốt ≥ 38 độ C (≥ 100,4 độ F).
- Có các dấu hiệu nặng khác (đặc biệt chú ý ở trẻ em): Khó thở, thở nhanh, cổ cứng, xuất hiện ban xuất huyết (ban đỏ ngoài da, không mất đi khi đè hoặc căng da) hoặc xuất hiện dấu hiệu thóp phồng ở trẻ sơ sinh.
- Các triệu chứng tiêu hóa của bạn không cải thiện sau một ngày.
- Tiêu chảy kéo dài hơn một tuần hoặc nôn từ ba ngày trở lên.
- Bạn đang có các bệnh nền nặng: Bệnh thận, viêm ruột hoặc hệ thống miễn dịch kém,...
Bác sĩ của bạn có thể đề nghị gửi một mẫu phân của bạn đến phòng thí nghiệm để kiểm tra nguyên nhân gây ra các triệu chứng. Thuốc kháng sinh có thể được kê đơn nếu kết quả cho thấy bạn bị nhiễm trùng do vi khuẩn.
3. Viêm dạ dày ruột lây lan như thế nào?
Những vi khuẩn/virus gây viêm dạ dày ruột có thể lây lan rất dễ dàng từ người này sang người khác.
Bạn có thể bị lây nhiễm do đưa vào miệng một lượng rất ít (ở mức vi thể, không thể thấy bằng mắt thường) dịch tiết chứa vi khuẩn/virus từ chất nôn hoặc phân của người bị nhiễm, chẳng hạn như qua:
- Đường tiếp xúc gần với người bị viêm dạ dày ruột: Người bệnh có thể thở ra những hạt chất nôn li ti lơ lửng trong không khí khiến bạn hít vào.
- Chạm tay vào các bề mặt hoặc đồ vật bị ô nhiễm, sau đó, cầm thức ăn đưa vào miệng hoặc cho tay lên mũi/miệng.
- Ăn thực phẩm bị ô nhiễm: Do người bị nhiễm bệnh chế biến thức ăn hoặc chạm vào thức ăn mà không rửa tay trước đó; ăn phải thực phẩm đã tiếp xúc với các bề mặt hoặc đồ vật bị ô nhiễm, thực phẩm không được bảo quản và nấu ở nhiệt độ thích hợp;...
Một người bị viêm dạ dày ruột có khả năng lây nhiễm cao nhất từ khi các triệu chứng của họ bắt đầu cho đến 48 giờ sau khi hết các triệu chứng. Mặc dù vậy, họ cũng có thể lây nhiễm trong một thời gian ngắn trước và sau đó.
4. Phòng ngừa viêm dạ dày ruột
Không phải lúc nào bạn cũng có thể tránh bị viêm dạ dày ruột nhưng làm theo lời khuyên dưới đây có thể giúp bạn ngăn chặn sự lây lan:
- Nghỉ làm, hoặc cho trẻ nghỉ học cho đến ít nhất 48 giờ sau khi hết các triệu chứng. Người bị nhiễm cũng nên tránh đến thăm bất kỳ ai trong bệnh viện trong thời gian này.
- Rửa tay thường xuyên và kỹ lưỡng bằng xà phòng và nước, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh và trước khi chế biến thức ăn. Không nên chỉ rửa tay bằng nước rửa tay nhanh/gel có cồn vì chúng không phải lúc nào cũng hiệu quả.
- Khử trùng các bề mặt hoặc đồ vật nào có thể bị nhiễm bẩn. Tốt nhất, bạn nên sử dụng chất tẩy rửa gia dụng có chất tẩy trắng.
- Giặt riêng các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo hoặc bộ đồ giường bằng nước giặt nóng.
- Không dùng chung khăn tắm, khăn trải giường, dao kéo hoặc đồ dùng với người đang bị bệnh.
- Xả sạch phân hoặc chất nôn trong bồn cầu hoặc bô và làm sạch khu vực xung quanh.
- Thực hành tốt vệ sinh an toàn thực phẩm. Đảm bảo thực phẩm được bảo quản lạnh đúng cách, luôn nấu chín kỹ thực phẩm và không bao giờ ăn thực phẩm đã quá hạn sử dụng.
- Đối với trẻ nhỏ, bạn nên cho tiêm chủng ngừa virus rota để làm giảm nguy cơ phát triển bệnh viêm dạ dày ruột của trẻ.
Viêm dạ dày ruột cần được điều trị sớm để tránh những rủi ro không mong muốn về sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.