Tìm hiểu về thuốc chống hủy xương

Do những yếu tố như tuổi tác, bệnh tật, sử dụng thuốc... quá trình hủy xương có thể hoạt động mạnh hơn, từ đó gây ra những bệnh lý về xương khớp, mà đặc biệt phải kể đến là tình trạng loãng xương. Vậy hiện nay có những loại thuốc chống phá hủy xương nào và cần nắm những thông tin gì để việc sử dụng các loại thuốc này được an toàn và hiệu quả.

1. Quá trình tạo xương và hủy xương

Tương đương với 2 quá trình tạo xương và hủy xương xảy ra liên tục trong cơ thể là quá trình mô hình và tái mô hình xương. 2 quá trình này xảy ra riêng biệt giúp biệt hóa các tế bào xương giúp duy trì cân bằng quá trình tạo thành xương và làm mới xương.

  • Quá trình mô hình: Là quá trình chu chuyển xương xảy ra chủ yếu ở tuổi vị thành niên với chức năng là tạo dáng, hình dạng và chiều dài cho xương. Ở giai đoạn này, mật độ xương tăng lên mức tối đa, mô hình xương diễn ra trên bề mặt của xương. Tại thời điểm mô hình xương, quá trình tạo xương và quá trình hủy xương diễn ra độc lập với nhau. Đến giai đoạn trưởng thành, quá trình mô hình giảm đi nhiều và hoàn toàn không đáng kể so với độ tuổi vị thành niên.
  • Quá trình tái mô hình: Là quá trình luôn xảy ra theo thứ tự kích hoạt, hủy xương và tạo xương khác với quy trình mô hình chỉ tạo xương hoặc hủy xương ở một vị trí. Quá trình này có chức năng phân hủy những mô xương bị tổn thương, các xương cũ và thay thế bằng những xương mới. Quá trình tái mô hình diễn ra liên tục và suốt đời giúp duy trì mật độ xương của cơ thể ở mức tối ưu nhất.

Tình trạng mất xương thường xảy ra khi các tế bào tạo xương không có khả năng lắp vào các lỗ hổng trong khi các tế bào hủy xương liên tục tạo ra những lỗ phân hủy sâu hơn. Ở độ tuổi vị thành niên, quá trình tạo xương diễn ra với tốc độ cao hơn so với quá trình hủy xương, vì vậy mật độ xương ở độ tuổi này tăng nhanh và đạt mức độ cao nhất. Sau khi đạt mức độ tối đa ở khoảng 20 – 30 tuổi, mật độ xương bắt đầu suy giảm với các tốc độ khác nhau tùy theo độ tuổi. Đặc biệt là ở phụ nữ thời kỳ mãn kinh và sau 50 tuổi đối với nam giới, các quá trình hủy xương sẽ hoạt động mạnh hơn so với các quá trình tạo xương dẫn đến giảm mật độ xương và làm tăng nguy cơ gãy xương. Hậu quả của quá trình này là việc gây ra những bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là loãng xương.

2. Các yếu tố làm tăng quá trình hủy xương

Các yếu tố dưới đây có thể làm quá trình hủy xương diễn ra với tốc độ nhanh hơn trong khi quá trình tạo xương vẫn không đổi hoặc giảm.

  • Phụ nữ mãn kinh sớm, phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh – mãn kinh, nam giới sau 50 tuổi.
  • Bệnh nhân có người thân như cha mẹ, anh chị em ruột đã từng bị loãng xương hoặc gãy xương do loãng xương.
  • Chế độ ăn hằng ngày thiếu các chất như Vitamin D, Canxi, Phospho, Magie...
  • Thể trạng thấp còi, kém phát triển thể chất từ khi còn nhỏ, suy dinh dưỡng, bệnh nhân kém hấp thu dinh dưỡng.
  • Người ít hoạt động thể lực, phải bất động trong thời gian lâu do tính chất nghề nghiệp hoặc bệnh nhân nằm lâu.
  • Lạm dụng chất kích thích, cà phê, rượu bia thuốc lá...
  • Mắc các bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, hội chứng Cushing, viêm cột sống dính khớp, cường giáp, cường cận giáp trạng, Lupus ban đỏ hệ thống, bệnh lý tuyến thượng thận, suy thận mạn, bệnh lý huyết học, bệnh lý mạn tính đường tiêu hoá...

Sử dụng các thuốc như: Thuốc chống động kinh, Corticosteroid, thuốc kháng đông máu, thuốc chống ung thư, thuốc điều trị đái tháo đường...

2. Các thuốc chống hủy xương

2.1. Bisphosphonates

Thuốc Bisphosphonate có cấu trúc cơ bản là pyrophosphate với tác dụng chính là ức chế sự hủy xương. Thuốc Bisphosphonate có thể gắn trực tiếp vào xương nên thường không có tác dụng ngoài hệ cơ xương. Ngoài ra, Bisphosphonate còn có tác dụng làm tăng mật độ xương và giảm gãy xương khi sử dụng đúng cách, do vậy hiện nay thuốc được sử dụng rộng rãi.

Hiện nay, Bisphosphonate có dạng uống như Alendronate, Risedronate, Hidronate, Ibandronate. Thuốc truyền chống hủy xương có Ibandronate và Zoledronate.

Bisphosphonate là thuốc được lựa chọn hàng đầu trong việc chống hủy xương. Ngoài ra, hiện nay thuốc Bisphosphonate còn được phép dùng trong điều trị các bệnh ác tính có di căn đến xương.

2.2. Hormone và các liệu pháp liên quan đến Hormone

Các liệu pháp Hormone thường được sử dụng như một biện pháp giúp kiềm hãm quá trình hủy xương, tác dụng chống hủy xương của liệu pháp Hormone thường kém hơn nhiều so với các thuốc Bisphosphonate.

Các nhóm thuốc thường được dùng bao gồm:

  • Liệu pháp Estrogen đơn thuần hoặc kết hợp Estrogen và Progesterone: Liệu pháp này có thể chống lại quá trình hủy xương, tuy nhiên có thể xảy ra những tác dụng phụ như rối loạn kinh nguyệt, rong kinh rong huyết, tăng sản nội mạc tử cung, nguy cơ ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, nguy cơ đột quỵ não...Việc điều trị bằng liệu pháp này cần phải tuân thủ về liều lượng và thời gian sử dụng.
  • Liệu pháp Testosterone: Thường được sử dụng ở đối tượng nam giới trên 50 tuổi trong việc điều trị làm chậm quá trình hủy xương.
  • Chất điều biến thụ thể chọn lọc Estrogen – Raloxifene: Thuốc này có tác dụng gần tương tự Estrogen trong việc chống lại quá trình hủy xương và đặc biệt làm giảm nguy cơ ung thư vú. Tuy nhiên có thể gặp phải những tác dụng phụ như phù cẳng chân, nóng bừng mặt, chuột rút, nghẽn tắc tĩnh mạch, nguy cơ đột quỵ não...

Quá trình hủy xương trong cơ thể được cân bằng bởi quá trình tạo xương, từ đó giúp xương được khỏe mạnh và vững chắc. Tuy nhiên, quá trình lão hóa của cơ thể, cũng như các yếu tố nguy cơ khác có thể làm tăng tốc độ quá trình hủy xương, từ đó gây nên các bệnh lý về xương khớp. Việc sử dụng các thuốc chống hủy xương ngày càng được phổ biến đã góp phần hỗ trợ trong việc điều trị tình trạng này. Tuy nhiên, bệnh nhân và người thân nên được tư vấn và thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa, trước khi quyết định sử dụng các loại thuốc này nhằm nâng cao được hiệu quả điều trị đồng thời hạn chế được những biến chứng nguy hiểm của thuốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe